Đất đai

Tới năm 2025 sẽ giải quyết cơ bản tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất cho ĐBDTTS

Thúy Nhi 15/06/2023 - 16:07

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh vừa cho biết, tới năm 2025 sẽ giải quyết cơ bản tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc, trong đó dự kiến sẽ giải quyết đất ở cho hơn 17.400 hộ, giải quyết trực tiếp đất sản xuất cho hơn 47.200 hộ và giải quyết sinh kế cho 271.800 hộ.

Còn nhiều khó khăn

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh, nhằm giải quyết những nhu cầu thiết yếu trong đời sống của đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi, trong những năm qua Đảng và nhà nước ta đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ giải quyết khó khăn về đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số khắc phục tình trạng du cư, du canh tự phát, chặt phá rừng như: Nghị quyết số 539/UBTVQH13 ngày 30/12/2013 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Quyết định 134/2004/QĐ-TTg ngày 20/7/2004, 1592/QĐ-TTg ngày 12/10/2009, 755/QĐ-TTg ngày 20/5/2013, 2085/QĐ-TTg ngày 31/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ về giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn trên phạm vi cả nước.

1(1).jpg
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh

Theo đó, trong giai đoạn 2016 -2020, đã hỗ trợ được 9.523 hộ về đất ở với diện tích 72 ha; 3.900 hộ được hỗ trợ đất sản xuất với diện tích 1.283 ha; 21.233 hộ được hỗ trợ chuyển đổi nghề, trong đó số hộ được hỗ trợ nghề nông nghiệp là 20.670, nghề phi nông nghiệp là 559, nghề khác là 4 hộ. Qua đó, các hộ đồng bào dân tộc thiểu số đã ổn định về chỗ ở, có đất sản xuất, có nghề nghiệp để mưu sinh dần ổn định cuộc sống, giảm tỷ lệ các hộ du cư, du canh tự phát từ 29.718 hộ du canh, du cư năm 2009 xuống 9.300 hộ du canh, du cư năm 2021.

Từ năm 2021 đến nay, chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất được quy định tại Dự án 1 của Chương trình Mục tiêu quốc gia dân tộc thiểu số và miền núi; chính sách sắp xếp, bố trí ổn định dân cư được quy định tại dự án 2 của Chương trình này.

Bên cạnh đó mức hỗ trợ trực tiếp cho các hộ gia đình đã được nâng lên, cụ thể như: Các hộ được hỗ trợ đất ở sẽ được Ngân sách trung ương hỗ trợ tối đa 40 triệu đồng/hộ, Ngân sách địa phương hỗ trợ tối thiểu 4 triệu đồng/hộ, vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội tối đa 50 triệu đồng/hộ; các hộ được hỗ trợ trực tiếp đất sản xuất được ngân sách trung ương hỗ trợ tối đa 22,5 triệu đồng/hộ và vay vốn tín dụng từ Ngân hàng Chính sách xã hội tối đa 77,5 triệu đồng/hộ.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Hầu A Lềnh việc triển khai công tác này còn gặp một số khó khăn. Cụ thể, trong các giai đoạn trước, mặc dù đã có nhiều Chương trình, dự án, chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất nhưng do nguồn lực được phân bổ rất hạn chế, nên hầu hết các mục tiêu không hoàn thành.

Đặc biệt, nhiều địa phương không còn quỹ đất để cấp; có nơi giá đất quá cao, mức hỗ trợ theo quy định hiện hành không thể thực hiện được.

Đến nay, Chương trình MTQG DTTS&MN đã được ban hành, nguồn vốn đã được phân bổ; nguồn vốn hỗ trợ đất ở, đất sản xuất được bố trí từ nguồn vốn đầu tư phát triển. Tuy nhiên, hiện chưa có quy định cụ thể việc sử dụng vốn đầu tư công để hỗ trợ trực tiếp cho hộ gia đình, dẫn tới việc các địa phương khó khăn trong việc giải ngân nguồn vốn hỗ trợ cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số.

Bên cạnh đó, đời song và sản xuất của một bộ phận người dân di cư tự do còn gặp nhiều khó khăn, việc phục hồi sản xuất chưa bền vững, nhiều hộ dân chưa được hưởng các chính sách an sinh xã hội do chưa được công nhận tư cách pháp nhân (chưa được đăng ký hộ khẩu).

Ngoài ra, mật độ dân số cao, sức ép vào rừng ngày càng tăng, điển hình như vùng miền núi thiếu đất sản xuất nông nghiệp và nơi có dân di cư tự do, hoặc do yêu cầu phát triển KT- XH, nhiều diện tích rừng phải chuyển đổi mục đích.

Tới năm 2025 sẽ giải quyết cơ bản tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất

Bộ trưởng Hầu A Lềnh cho biết, để giải quyết vấn hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS, trong thời gian tới sẽ tập trung triển khai CTMTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bảo DTTS&MN, giải ngân nguồn vốn, thực hiện hỗ trợ đất ở, đất sản xuất chuyển đổi nghề cho các hộ đồng bào DTTS chưa có hoặc thiếu đất ở, đất sản xuất.

Cụ thể mục tiêu tới năm 2025 sẽ giải quyết cơ bản tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất cho đồng bảo trong đó dự kiến sẽ giải quyết đất ở cho hơn 17.400 hộ, giải quyết trực tiếp đất sản xuất cho hơn 47.200 hộ và giải quyết sinh kế cho 271.800 hộ.

3.jpg
Mục tiêu tới năm 2025 sẽ giải quyết cơ bản tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất cho đồng bảo trong đó dự kiến sẽ giải quyết đất ở cho hơn 17.400 hộ, giải quyết trực tiếp đất sản xuất cho hơn 47.200 hộ và giải quyết sinh kế cho 271.800 hộ

Đối với cơ chế sử dụng vốn đầu tư công hỗ trợ trực tiếp hộ gia đình, Bộ trưởng cho biết, Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, tham mưu cho Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 27/2022/NĐ-CP trong đó bổ sung cơ chế đặc thù và quy trình, thủ tục thanh quyết toán theo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ tại thông báo kết luận số 50/TB-VPCP ngày 22/02/2023 của Văn phòng Chính phủ.

Về ổn định dân cư, bảo vệ và phát triển rừng, Chính phủ đã giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương triển khai Nghị quyết số 22/NQ-CP ngày 1/3/2020 của Chính phủ về ổn định dân di cư tự do và quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường. Mục tiêu đến năm 2025 cơ bản không còn tình trạng dân di cư tự do; hoàn thành công tác bố trí toàn bộ số dân đã di cư tự do vào các điểm dân cư theo quy hoạch; hoàn thành việc nhập hộ khẩu, hộ tịch cho các hộ dân di cư tự do đủ điều kiện theo quy định; tập trung hoàn thiện phát triển hệ thống các công trình cơ sở hạ tầng và phát triển bền vững tại vùng dự án bố trí ổn định dân di cư tự do. Ủy ban Dân tộc sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng nguyên tắc, tiêu chỉ lựa chọn danh mục các dự án bố trí ổn định dân di cư tự do do Ủy ban nhân dân các tỉnh đề xuất.

Phối hợp với Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn và các Bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện Nghị định số 75/2015/NĐ-CP ngày 18/9/2015 của Chính phủ về cơ chế chính sách bảo vệ và phát triển rừng, gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào DTTS giai đoạn 2015. 2020; Quyết định số 24/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách quản lý đầu tư phát triển rừng đặc dụng giai đoạn 2011-2020...

Hạn chế tối đa chuyển đổi mục đích sử dụng rừng tự nhiên sang mục đích ngoài lâm nghiệp; hoàn thành việc giao đất, giao rừng cho thuê rừng gắn với cấp GCN đất lâm nghiệp, bảo đảm tất cả diện tích rừng và đất được quy hoạch cho phát triển lâm nghiệp phải được giao, cho thuê đến những chủ rừng thực sự; bảo đảm đủ điều kiện để tổ chức bảo vệ rừng và phát triển bền vững nguồn tài nguyên rừng. Bảo đảm mục tiêu bảo vệ và phát triển bền vững với toàn bộ 14,609 triệu ha rừng hiện có và diện tích rừng được tạo mới…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tới năm 2025 sẽ giải quyết cơ bản tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất cho ĐBDTTS
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO