(TN&MT) - Nếu Ấn Độ là “văn phòng của thế giới”; Trung Quốc là “công xưởng thế giới” thì tại sao Việt Nam lại không thành “nơi nghỉ dưỡng của thế giới”?
Với những lợi thế về điều kiện tự nhiên và con người, du lịch nghỉ dưỡng Việt Nam có nhiều cơ hội hấp dẫn cả nhà đầu tư lẫn du khách. Bởi vì, Việt Nam có đến 3.260km bờ biển, hàng triệu km sông rạch, hàng ngàn đầm phá, vịnh, đảo, quần đảo và hang động.
Một góc Premier Village Đà Nẵng tại bãi biển Mỹ Khê. |
Năng lực cạnh tranh còn tiềm năng
Trong một chuyến công tác đến Việt Nam, ông Askhay Kulkarni, giám đốc một tập đoàn dịch vụ tư vấn bất động sản khách sạn - nghỉ dưỡng, cho rằng so với nhiều nước, Việt Nam luôn hấp dẫn và đủ khả năng đáp ứng về du lịch nghỉ dưỡng cao cấp. Thế nhưng, so với Indonesia, Malaysia và Singapore, số lượng khu du lịch nghỉ dưỡng, khách sạn cũng như du khách đến Việt Nam vẫn ít hơn nhiều.
Nhiều người cho rằng năng lực cạnh tranh về du lịch nghỉ dưỡng của Việt Nam đang yếu cho dù có nhiều tiềm năng là bởi môi trường kinh doanh. Cụ thể là chính sách, pháp luật không ổn định, thiếu thống nhất, thiếu rõ ràng và thiếu minh bạch. Cạnh đó, vì một nguyên nhân: đến nay vẫn chưa có chiến lược quốc gia về lợi thế cạnh tranh nghỉ dưỡng.
Cũng vì thiếu chiến lược quốc gia trong thời gian dài, nên việc đầu tư cho ngành du lịch nghỉ dưỡng đã không được đồng bộ, lạc hậu về cơ sở vật chất lẫn con người. Tình trạng mạnh ai nấy khai thác cũng góp phần không nhỏ phá vỡ những lợi thế về du lịch nghỉ dưỡng. Việc phân lô, băm nhỏ bờ biển để kinh doanh kiểu “ăn xổi ở thì” là một ví dụ. Vì vậy, các nhà đầu tư nghiêm chỉnh và có tiềm lực thường phải cân nhắc nhiều hơn, dài hơn trước khi quyết định đầu tư vào Việt Nam. Và lắm khi họ đã quay mặt bỏ đi.
Về năng lực cạnh tranh, đến 2010, sau hai năm được mời nghiên cứu và tư vấn, Michael E. Porter, Giáo sư Đại học Harvard, cha đẻ lý thuyết lợi thế cạnh tranh của các quốc gia, mới đưa ra được "Báo cáo năng lực cạnh tranh của Việt Nam năm 2010". Đến lúc đó, cả Chính phủ lẫn nhà nghiên cứu mới để ý nhiều hơn đến những khái niệm như “chiến lược cạnh tranh”, “lợi thế cạnh tranh”, “lợi thế cạnh tranh quốc gia”. Vị giáo sư người Mỹ cho rằng, trước đó Việt Nam đã sa bẫy định vị lợi thế nhân công giá rẻ, thường chỉ giải quyết vấn đề mang tính cục bộ, trước mắt, và chưa hiểu đúng về lợi thế cạnh tranh quốc gia, lợi thế cạnh tranh bền vững.
Nhiều nhà nghiên cứu Việt Nam lúc đó mới quan tâm, lên tiếng về cạnh tranh, nhưng có vẻ cũng chỉ là lý thuyết và tính phong trào. Người thì cho rằng, năng lực cạnh tranh của Việt Nam nằm trong lĩnh vực nông nghiệp, nhưng không đưa ra được sản phẩm nào có lợi thế cạnh tranh cả. Người thì bảo, người Việt khá thông minh, giỏi tính toán nên năng lực cạnh tranh phải là trong lĩnh vực công nghiệp phần mềm. Thế nhưng họ lại không biết rằng, công nghiệp phần mềm của thế giới hiện đã đi đến đâu và liệu hạ tầng, môi trường đào tạo của Việt Nam có đáp ứng được đòi hỏi cao của ngành này. Người nói, lợi thế phải là công nghiệp, nhất là công nghiệp đóng tàu… nhưng mới đầu tư được vài năm thì hàng trăm nghìn tỷ đồng đã bị trôi sông trôi biển. Người thì cho rằng tiềm năng lớn của Việt Nam là du lịch với lợi thế về địa hình, khí hậu, con người, văn hóa (vật thể, phi vật thể, ẩm thực…), nhưng cũng không nêu được lợi thế nào của các sản phẩm du lịch.
Nếu định vị lợi thế cạnh tranh quốc gia Việt Nam như thế, sẽ có phát triển bền vững và hướng tới được cả một nếp sống lịch sự, văn minh. Vì nhà đầu tư buộc phải chú trọng đến việc phát triển nông nghiệp an toàn, phát triển công nghiệp không ô nhiễm, bảo đảm môi trường an lành. Bên cạnh đó là đào tạo, phát triển con người theo chuẩn lịch sự và văn minh. Đặc biệt, nếu là “nơi nghỉ dưỡng của thế giới” thì sản phẩm nông nghiệp - có thể trở thành một lợi thế cạnh tranh khác - sẽ có cơ hội mới để phát triển nhờ vào du khách quốc tế đến Việt Nam để nghỉ dưỡng, phục hồi sức khỏe.
Tiềm năng được đánh thức
Đơn cử, lợi thế đó, ngay từ khi chia tách tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng để Đà Nẵng trực thuộc Trung ương vào năm 1997, lãnh đạo Đà Nẵng đã xác định du lịch là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, phấn đấu đưa thành phố trở thành trung tâm du lịch tầm cỡ khu vực và thế giới. Và động lực chính thúc đẩy phát triển du lịch là đầu tư trong, ngoài nước để triển khai xây dựng resort tại các vùng biển, đảo.
Theo Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch Đà Nẵng, để hiện thực hóa mục tiêu phát triển du lịch thành một ngành kinh tế mũi nhọn, động thái đầu tiên của lãnh đạo thành phố là cho tiến hành quy hoạch tổng thể phát triển biển, đảo. Đặc biệt, đối với quy hoạch đầu tư, xây dựng resort, thành phố nhờ đến một số đơn vị tư vấn, thiết kế hàng đầu thế giới từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp, Mỹ và Úc. Các chủ đầu tư resort cũng được khuyến khích mời các tập đoàn tư vấn, thiết kế, điều hành, quản lý khách sạn hàng đầu thế giới như Accor, Hyatt, InterContinental hợp tác với mình.
Lãnh đạo Đà Nẵng cũng quan tâm đến lợi ích cộng đồng và đã phê duyệt quy hoạch đầu tư xây dựng một số bãi tắm công cộng theo tiêu chuẩn “Xanh - Sạch - Đẹp”. Những bãi tắm này nằm ở khu vực bờ biển Phạm Văn Đồng, rộng 0,6ha; bờ biển T18-T20-Sao Biển rộng 24,8ha; bờ biển bán đảo Sơn Trà, 33,3ha; bờ biển Mân Thái, 14,1ha; bờ biển phía Bắc Khu du lịch Marble Mountain, 38ha; bờ biển phía Bắc Khu du lịch Sao Việt - Non Nước, 23ha; và phía Nam Khu du lịch P&I, 32,8ha.
Đặc biệt, lãnh đạo Đà Nẵng đã cho đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật về giao thông, cấp điện, cấp nước, điện chiếu sáng, viễn thông, cảnh quan cây xanh, công viên dọc bờ biển. Trong đó, các công trình mang tính động lực, góp phần làm thay đổi hẳn diện mạo mặt tiền bờ biển là 2 trục đường huyết mạch chạy dọc biển: đường Nguyễn Tất Thành và đường Sơn Trà - Điện Ngọc (nay là đường Hoàng Sa và Trường Sa).
Trọng Mạnh