(TN&MT) – Như chúng tôi đã thông tin về việc hàng trăm cư dân đang sinh sống tại tổ 51, tòa nhà A6C Nam Trung Yên (thuộc phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội) vẫn ngày đêm mỏi mòn chờ đợi việc thành lập Ban quản trị theo quy định. Không những vậy, Chủ đầu tư còn không thực hiện nghĩa vụ bảo hành và bảo trì tòa nhà đúng quy định của pháp luật, dẫn đến tình trạng hệ thống thang máy, kết cấu hạ tầng của chung cư liên tục bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng.
Hệ thống thang máy ở tòa nhà A6C Nam Trung Yên thường xuyên xảy ra trục trặc khiến người dân nơi đây lúc nào cũng sống trong tình cảnh nơm nớp lo sợ |
Sau khi báo đăng, nhóm PV đã có buổi làm việc với đại diện Xí nghiệp quản lý và dịch vụ đô thị, đơn vị đang quản lý tòa nhà này là ông Nguyễn Toàn Thắng, người được Giám đốc Xí nghiệp ủy quyền trả lời báo chí cho biết: Hiện tại do không có kinh phí nên chúng tôi chưa thể tiến hành việc bảo trì, sửa chữa. Song, với sự chủ động, Xí nghiệp cũng sẽ tự ứng kinh phí để sửa chữa, dự kiến trong tháng 11 sẽ xong.
Đây là khu nhà tái định cư do Nhà nước bỏ tiền ra để đầu tư nên muốn làm gì Xí nghiệp cũng đều phải phụ thuộc và xin chủ trương của cấp trên. Khu nhà này thuộc tài sản của Nhà nước cho nên chúng tôi nếu có muốn sửa thì cũng phải được sự đồng ý của UBND thành phố hoặc tối thiểu cũng phải có sự chấp thuận của sở Xây dựng.
Về việc thang máy bị hỏng đến nay vẫn chưa được sửa chữa, ông Thắng giải thích: Trước kia phía xí nghiệp cũng đã thuê một số đơn vị về bảo dưỡng, tuy nhiên, khoản kinh phí này phải chờ cấp trên phê duyệt nên chưa thể giải quyết dứt điểm.
Ông Thắng cũng cho rằng, Xí nghiệp là đơn vị quản lý sau đầu tư nên có trách nhiệm quản lý, vận hành và chờ đợi sự chấp thuận của các cơ sở cấp trên thì chúng tôi mới tiến hành giải quyết các vụ việc có liên quan.
Được đưa vào sử dụng nhiều năm nay nhưng cư dân sống tại tòa nhà A6C Nam Trung Yên không có Ban Quản trị theo quy định của pháp luật |
Như vậy có thể thấy, theo người đại diện cho đơn vị quản lý tòa nhà tất cả các vấn đề liên quan tới tài chính, trách nhiệm duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa… của tòa nhà A6C Nam Trung Yên đều phải chờ sự chỉ đạo của cấp trên.(?!).
Trao đổi với nhóm PV, ông Lai Mạnh Tiến, Chủ tịch UBND phường Trung Hòa cho hay: Phường đã làm việc với chủ đầu tư để họ sớm thành lập Ban quản trị. Dưới góc độ của phường quản lý việc này, chúng tôi có trách nhiệm đôn đốc chủ đầu tư và các đơn vị liên quan, đồng thời chỉ quản lý thêm địa giới hành chính chứ không thể đi sâu vào việc đó. Ông Tiến cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải sớm thành lập Ban quản trị theo đúng quy định của pháp luật.
Biết được điều này, hàng trăm cư dân tòa nhà A6C Nam Trung Yên đồng loạt đặt câu hỏi “Bao giờ mới có Ban quản trị khi mà Chủ đầu tư không chủ động chủ trì Hội nghị nhà chung cư?”. Phải chăng Chủ đầu tư mặc dù muốn gắn trách nhiệm của mình với tòa nhà nhưng lại không muốn minh bạch các khoản thu chi trong quá trình quản lý các tòa nhà đó?.
Trao đổi với PV về mặt pháp lý của việc này, Luật sư Vi Văn Diện (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết: TP. Hà Nội đã ban hành Quyết định số 01/2013/QĐ-UBND ngày 04/01/2013 về việc tổ chức quản lý việc sử dụng nhà chung cư. Theo đó: Nhà chung cư phải có Ban quản trị gồm đại diện các chủ sở hữu, người sử dụng và người đại diện để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ sở hữu và những người sử dụng trong quá trình sử dụng nhà chung cư.
Trong thời hạn không quá 12 tháng, kể từ ngày nhà chung cư được đưa vào khai thác, sử dụng, Chủ đầu tư có trách nhiệm chủ trì tổ chức Hội nghị các chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư (sau đây gọi là Hội nghị nhà chung cư) để bầu Ban quản trị. Chủ đầu tư có trách nhiệm chuẩn bị các nội dung liên quan để thông qua Hội nghị nhà chung cư xem xét, quyết định. Khi chưa thành lập được Ban quản trị thì Chủ đầu tư có trách nhiệm thực hiện các công việc của Ban quản trị nhưng không được quá 12 tháng.
Đề nghị UBND TP. Hà Nội, Tổng công ty phát triển nhà Hà Nội – Hadico cùng các đơn vị có liên quan sớm vào cuộc thành lập Ban quản trị tòa nhà A6C Nam Trung Yên theo đúng quy định của pháp luật.
Khoản 2, Điều 12 Quy chế Quản lý sử dụng nhà chung cư trên địa bàn thành phố Hà Nội (Ban hành kèm theo Quyết định số 01 /2013/QĐ-UBND ngày 04/01/2013 của UBND TP Hà Nội) Trách nhiệm và quyền hạn của Ban quản trị nhà chung cư a) Chủ trì Hội nghị nhà chung cư các lần tiếp theo; báo cáo kết quả công tác quản lý sử dụng nhà chung cư trong thời gian giữa hai kỳ Hội nghị; b) Bảo vệ quyền lợi hợp pháp của những người sử dụng nhà chung cư trong việc sử dụng nhà chung cư; kiểm tra đôn đốc người sử dụng nhà chung cư thực hiện đúng Bản nội quy quản lý sử dụng và các quy định của pháp luật về quản lý sử dụng nhà chung cư; tạo điều kiện để doanh nghiệp quản lý vận hành nhà chung cư hoàn thành tốt nhiệm vụ theo nội dung hợp đồng đã ký kết; c) Thu thập, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của người sử dụng liên quan tới việc quản lý sử dụng để phản ánh với doanh nghiệp quản lý vận hành, các cơ quan chức năng, tổ chức, cá nhân có liên quan xem xét giải quyết; d) Ký kết hợp đồng cung cấp dịch vụ với doanh nghiệp quản lý vận hành nhà chung cư và hợp đồng bảo trì với doanh nghiệp có chức năng về hoạt động xây dựng phù hợp với nội dung công việc bao trì (việc lựa chọn các doanh nghiệp này phải được thông qua Hội nghị nhà chung cư); theo dõi, giám sát việc quản lý vận hành và bảo trì nhà chung cư theo nội dung hợp đồng đã ký kết; nghiệm thu, thanh toán và thanh lý hợp đồng với doanh nghiệp quản ly vận hành, bào trì nhà chung cư; đ) Ủy quyền cho doanh nghiệp quản lý vận hành nhà chung cư thu kinh phí quản lý vận hành nhà chung cư; e) Kiểm tra các báo cáo thu, chi tài chính về quản lý vận hành và bảo trì nhà chung cư do doanh nghiệp quản lý vận hành nhà chung cư, doanh nghiệp bảo trì thực hiện theo hợp đồng đã ký kết và báo cáo với Hội nghị nhà chung cư theo quy định tại điểm a khoản này; g) Phối hợp với chính quyền địa phương, tổ dân phố trong việc xây dựng nếp sống văn minh, giữ gìn trật tự an toàn xã hội trong nhà chung cư được giao quản lý; h) Định kỳ 6 tháng một lần, Ban quản trị lấy ý kiến của người sử dụng nhà chung cư làm cơ sở để đánh giá chất lượng dịch vụ quản lý vận hành của doanh nghiệp quản lý vận hành nhà chung cư; i) Thực hiện các công việc khác do Hội nghị nhà chung cư giao; k) Được hỗ trợ kinh phí và các chi phí hợp lý khác phục vụ cho hoạt động của Ban quản trị; m) Biểu quyết hoặc bỏ phiếu kín thông qua giá dịch vụ nhà chung cư; n) Không được tự tổ chức các bộ phận dưới quyền hoặc tự bãi miễn hoặc bổ sung thành viên Ban quản trị. |
Báo Tài Nguyên & Môi trường sẽ tiếp tục thông tin/.
Bích Động – Duy Tân