Phát biểu tại tọa đàm, ông Nguyễn Công Thịnh – Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và môi trường (Bộ Xây dựng) cho biết, Công trình xanh (Green Building) là công trình xây dựng được thiết kế, xây dựng và vận hành đáp ứng các tiêu chí, tiêu chuẩn về sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng, tiết kiệm tài nguyên; đảm bảo tiện nghi, chất lượng môi trường bên trong công trình; bảo vệ môi trường bên ngoài công trình.
Theo thống kê, hiện có khoảng trên 165 công trình xanh được đánh giá, chứng nhận bởi các hệ thống, tiêu chuẩn của Lotus (VGBC), Edge (IFC-WB), LEED (Hội đồng CTX Hoa Kỳ), Green Mark (Singapore). Trong số các công trình xanh được chứng nhận, công trình có vốn đầu tư nước ngoài, vốn ngoài ngân sách chiếm đa số. Số công trình có vốn đầu tư công, vốn ngân sách chiếm tỷ lệ khiêm tốn.
Các đại biểu tham gia Tọa đàm. |
Nói về khung chính sách về phát triển công trình xanh, công trình hiệu quả năng lượng ở Việt Nam, ông Nguyễn Công Thịnh cho biết, hiện nay Việt Nam đã xây dựng hệ thống chính sách tương đối đầy đủ và toàn diện về phát triển công trình xanh, công trình hiệu quả năng lượng, bao gồm: Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả năm 2010 và các văn bản hướng dẫn; Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh năm 2014; Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 và Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) năm 2020; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng; Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về “Định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; Nghị quyết số 140/NQ-CP ngày 2/10/2020 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về “Định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Trong thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ tập trung nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật nhằm cụ thể hóa các chính sách để thúc đẩy phát triển công trình hiệu quả năng lượng, công trình xanh; nghiên cứu hướng dẫn nội dung về phát triển công trình hiệu quả năng lượng, công trình xanh để hướng dẫn Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng (Nghị định quản lý dự án, Nghị định về quản lý vật liệu xây dựng, Thông tư hướng dẫn đánh giá, chứng nhận công trình hiệu quả, công trình xanh…); đồng thời bổ sung một số quy định của Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, các văn bản hướng dẫn; nghiên cứu, rà soát, bổ sung, xây dựng, ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức, đơn giá, suất đầu tư liên quan đến công trình hiệu quả năng lượng và công trình xanh (trong đó có các tiêu chuẩn đánh giá, chứng nhận công trình hiệu quả năng lượng theo TC ISO 52000 và 52003); Huy động sự tham gia của ngân hàng và các tổ chức tín dụng cho hoạt động tiết kiệm năng lượng thông qua cơ chế cho vay ưu đãi, bảo lãnh vay, cho vay trung và dài hạn…; Hỗ trợ kỹ thuật cho các chủ dự án,chủ công trình về việc thiết kế, đầu tư xây dựng, quản lý vận hành các công trình hiệu quả năng lượng, công trình xanh; Tăng cường các hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức cho các đối tượng liên quan về sử dụng năng lượng tiết kiệm,hiệu quả, phát triển công trình xanh.
Ông Trịnh Quốc Vũ - Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững, Bộ Công thương cho biết, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả đã bao phủ hầu hết các lĩnh vực phát triển kinh tế xã hội của đất nước, trong đó có các lĩnh vực thuộc sự quản lý nhà nước của ngành Xây dựng: như quy hoạch, kiến trúc cho các đô thị.
Trong nhiều năm qua, Bộ Công thương với vai trò là cơ quan đầu mối của Chính phủ về thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về tiết kiệm năng lượng hiệu quả, phối hợp chặt chẽ với Bộ Xây dựng trong việc xây dựng và sửa đổi các chính sách pháp luật về tiết kiệm năng lượng.
Trong giai đoạn 2001-2010, nhu cầu năng lượng của Việt Nam tăng khoảng 10%; nhu cầu về điện tăng 13% trong giai đoạn 2001-2010 và tăng khoảng 11% trong giai đoạn 2011 – 2015; phát thải khí nhà kinh từ ngành năng lượng chiếm khoảng 63% tổng phát thải khí nhà kính của Việt Nam năm 2010 và sẽ chiếm khoảng 83% vào năm 2020 và 86% vào năm 2030. Trong tương lai, các nguồn năng lượng sơ cấp sẽ không đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ năng lượng của nền kinh tế.
Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030 đề ra mục tiêu: Huy động mọi nguồn lực trong nước và quốc tế cho thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả thông qua việc triển khai đồng bộ các giải pháp quản lý nhà nước, hỗ trợ kỹ thuật, nghiên cứu khoa học công nghệ và phát triển sản phẩm, chuyển đổi thị trường, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; hình thành thói quen sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong mọi hoạt động xã hội; giảm cường độ năng lượng trong các ngành nghề, lĩnh vực kinh tế; tiết kiệm năng lượng trở thành hoạt động thường xuyên đối với các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm và các ngành kinh tế trọng điểm tiêu thụ nhiều năng lượng, hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.
Đánh giá ý thức trách nhiệm xã hội là động lực chung để thúc đẩy các doanh nghiệp phát triển công trình xanh, ông Bùi Tiến Hùng - Phó Tổng giám đốc CTCP Tập đoàn ECOPARK đại diện cho các doanh nghiệp tham dự tọa đàm, nêu kiến nghị: Nhà nước cần có cơ chế hỗ trợ tài chính cụ thể hơn để tạo cú hích cho phát triển công trình xanh; cần tổ chức phân hạng công trình xanh để có ưu đãi tài chính cũng như ghi nhận trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp một cách tương xứng; cần có hình thức truyền thông rộng rãi hơn để không chỉ doanh nghiệp mà cả người dân cũng nhận thức được sự cần thiết của việc phát triển công trình xanh; cần có hệ thống pháp lý hoàn chỉnh để hướng dẫn, quản lý, đánh giá cho cả một quy trình phát triển xanh từ lựa chọn địa điểm, quy hoạch, thiết kế, thi công đến vận hành công trình.
Ecopark là KĐT xanh có quy mô lớn nhất miền Bắc với tổng diện tích lên tới 500ha. |
Tham dự Tọa đàm, ông Đỗ Hữu Nhật Quang - Giám đốc kinh doanh Greenviet cho biết, hiện nay, đã có những công trình xanh tiên phong, chi phí và lợi ích của công trình xanh đã được kiểm chứng, đã xuất hiện những chuỗi công trình xanh; sự cạnh tranh giữa chủ đầu tư bắt đầu xuất hiện; sự quan tâm của các cơ quan quản lý nhà nước. Tuy nhiên Việt Nam cũng gặp phải một số khí khăn đó lkaf các chủ đầu tư lớn chưa sẵn sàn phát triển công trình xanh; tư vấn thiết kế và nhà thầu chưa quan tâm đúng mức; chi phí tư vấn, xây dựng tăng thêm chưa được hiểu đầy đủ; sự quyết liệt từ cơ quan quản lý.
Ông Đào Xuân Lai, đại diện UNDP đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam nói chung và Bộ Xây dựng nói riêng trong phát triển công trình xanh, đồng thời cho biết, thời gian tới, UNDP sẽ tiếp tục đồng hành với Chính phủ Việt Nam xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách về phát triển công trình xanh.
Tọa đàm Phát triển đô thị xanh, công trình xanh, công trình hiệu quả năng lượng là một trong những sự kiện kết thúc chuỗi hoạt động Tuần lễ công trình xanh Việt Nam năm 2020. Tuần lễ đã thu hút sự tham dự của hơn 600 đại biểu tham dự với hy vọng sẽ mở ra một giai đoạn phát triển công trình xanh, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, hướng tới phát triển bền vững./.