Tỉnh Quảng Ninh: Có vi phạm Luật cạnh tranh khi ưu ái doanh nghiệp?

09/10/2014 00:00

(TN&MT) - Nếu hàng chục ngân hàng thương mại khác không được ưu ái của địa phương, phải chăng họ cũng buộc phải đứng ngoài xem người khác “làm ăn” cho dù Luật...

(TN&MT) - Dư luận đã từng một phen ồn ào với việc ra văn bản hô hào tiêu thụ bia ở Nghệ An, nay càng ngạc nhiên hơn với việc tỉnh Quảng Ninh sẵn sàng ưu ái doanh nghiệp bằng việc yêu cầu các đơn vị, cơ quan dùng dịch vụ trả lương qua tài khoản của một Ngân hàng thương mại. Việc này nếu tiếp diễn tương tự ở các tỉnh thành khác, ở các lĩnh vực khác thì rất có thể sẽ thành tiền lệ xấu trong khi Luật Cạnh tranh đang có hiệu lực thi hành.  
   
Ưu ái bằng dịch vụ trả lương qua tài khoản?
   
  Tháng 2/2012, một chương trình hợp tác giữa UBND tỉnh Quảng Ninh với ngân hàng Techcombank đã được khởi động, theo đó, tỉnh này tạo điều kiện “để Techcombank huy động các dòng tiền từ nguồn của tỉnh quản lý và các quỹ nhàn rỗi của tỉnh (trong đó có nguồn tiền lương của các cơ quan, đơn vị, địa phương thuộc tỉnh) để Techcombank sử dụng hiệu quả, trên cơ sở đó có các chương trình tài trợ lại cho tỉnh để lập các quy hoạch chiến lược và thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh”.
   
   
Đại diện Techcombank và chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh tại lễ tiếp nhận tài trợ  - Nguồn: báo Quảng Ninh
   
  Triển khai chủ trương trên, mặc dù đã có nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương của tỉnh Quảng Ninh quán triệt thực hiện việc trả lương qua tài khoản do Techcombank cung cấp. Tuy nhiên bên cạnh đó thì vẫn có nhiều đơn vị chưa thực hiện chủ trương này. Chính vì thế, tháng 7/2013, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Văn Thành ký ban hành văn bản số 3945/UBND-TM3  yêu cầu các Sở, ban, ngành; UBND các huyện, thị, thành phố phải “tăng cường hợp tác” với Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank).
   
  Văn bản số 3945/UBND-TM3 đã dẫn yêu cầu Sở Tài chính phải “tham mưu cho UBND tỉnh để mở các tài khoản tại Techcombank, gửi các quỹ tài chính của tỉnh của các cơ quan, đơn vị thuộc tỉnh …tạo điều kiện cho Techcombank mở rộng hoạt động cung ứng dịch vụ và quản lý phát huy hiệu quả, giới thiệu các chủ đầu tư dự án, các DN thực hiện các dự án trên địa bàn, khuyến khích vay vốn ngắn hạn, trung hạn tại Techcombank để đầu tư”.  Các Sở, ban, ngành cũng phải “chủ động đề xuất và triển khai các biện pháp thiết thực để làm phog phú thêm quan hệ hợp tác có hiệu quả với Techcombank; tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục hành chính để giúp Techcombank mở rộng phạm vi hoạt động, loại hình dịch vụ trên địa bàn tỉnh”.
   
  Ngoài ra, văn bản còn nhấn mạnh, “đối với địa bàn nơi có Chi nhánh Techcombank, trong tháng 8/2013 xem xét, lựa chọn và sử dụng dịch vụ thanh toán tiền lương qua ngân hàng do hệ thống Chi nhánh, Phòng Giao dich thuộc Techcombank cung cấp”.
   
   
Văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh Quảng Ninh.
   
  Hơn một năm sau, ngày 18/8/2014, UBND tỉnh Quảng Ninh ban hành tiếp văn bản số 4507/UBND-TM3 về việc sử dụng dịch vụ trả lương của Techcombank gửi thủ trưởng các Sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND các TP Hạ Long, Cẩm Phả, Uông Bí và Móng Cái. Nội dung công văn nêu rõ “Để đảm bảo chương trình hợp tác giữa tỉnh Quảng Ninh với ngân hàng Techcombank được triển khai hiệu quả, UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị địa phương (nơi Techcombank có mạng lưới) thụ hưởng ngân sách trong tỉnh triển khai ngay chủ trương trên để góp phần tập trung, huy động nguồn lực cho Techcombank để phát huy hiệu quả, làm cơ sở để tiếp tục triển khai các chương trình tài trợ lớn cho tỉnh trong năm 2014 và các năm tiếp theo”. Kèm theo văn bản này còn có Phụ biểu, nêu rõ danh sách gần 100 đơn vị dự toán cấp tỉnh “chưa sử dụng dịch vụ trả lương qua tài khoản do Techcombank cung cấp”.
   
  Ngày 9/9/2014, UBND TP Hạ Long cũng phải ra văn bản số 3634/UBND “yêu cầu các cơ quan, đơn vị, UBND các phường thuộc TP Hạ Long thực hiện sử dụng dịch vụ trả lương qua tài khoản do Techcombank cung cấp” và “báo cáo kết quả trước ngày 15/10/2014”. Văn bản này “điểm danh” 96 đơn vị “chưa sử dụng dịch vụ trả lương qua Techcombank”, trong đó có Văn phòng Thành ủy Hạ Long, 19/20 UBND các phường của Hạ Long, 21 trường mầm non, 17 trường tiểu học, 19/20 trường THCS do các đơn vị này đã sử dụng dịch vụ của các nhà cung cấp khác như Ngân hàng TMCP Công Thương, Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam, Ngân hàng TMCP Đông Á, Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển, Ngân hàng TPCP Quốc tế Việt Nam, Ngân hàng TMCP Quân Đội hoặc…chi trả lương bằng tiền mặt. 
   
   
Văn bản chỉ đạo của UBND thành phố Hạ Long.
   
Có vi phạm Luật Cạnh tranh ?  
   
  Các doanh nghiệp khi tham gia vào nền kinh tế thị trường đều phải chấp nhận sự cạnh tranh khốc liệt và tuân thủ luật chơi một cách công khai, minh bạch nên chuyện “thiên vị” của tỉnh Quảng Ninh đối với Techcombank có thể được xem là thiếu “công bằng”. Bởi chính văn bản số 4507/UBND-TM3 đã “giải thích” cho điều này khi chỉ đạo “yêu cầu các cơ quan, tổ chức phải sử dụng dịch vụ với doanh nghiệp được chỉ định” trong khi dịch vụ trả lương qua tài khoản không phải là “hàng hoá, dịch vụ thuộc lĩnh vực độc quyền nhà nước” hoặc “trong trường hợp khẩn cấp theo quy định của pháp luật”.
   
  Hơn nữa, văn bản số 3945/UBND-TM3 cũng “bật mí” rằng Techcombank đã “tài trợ toàn bộ kinh phí và giúp tỉnh làm việc với McKinsey tổ chức lập Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; tham gia tài trợ kinh phí tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư Quảng Ninh năm 2012; đang chuẩn bị tài trợ kinh phí lập quy hoạch du lịch và nguồn nhân lực của tỉnh…”. Văn bản số 4507/UBND-TM3, mô tả chi tiết các khoản tài trợ Quảng Ninh đã nhận được:  67 tỷ đồng năm 2012, 70 tỷ đồng năm 2013 và cam kết 100 tỷ đồng năm 2014.
   
  Bên cạnh đó, bản thân các doanh nghiệp đều phải chịu sự điều chỉnh bởi Luật Cạnh tranh – được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XI, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 03/12/2004, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2005 . Và khi mà Luật Cạnh tranh vẫn còn có hiệu lực thì phải xem xét các văn bản nêu trên của tỉnh Quảng Ninh có phải là quá ưu ái cho doanh nghiệp?.  Cuối cùng, câu hỏi đặt ra là nếu hàng chục ngân hàng thương mại khác không được ưu ái của địa phương, phải chăng họ cũng buộc phải đứng ngoài xem người khác “làm ăn” cho dù Luật Cạnh tranh vẫn có hiệu lực?.
   
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc. 
   
   
        
Luật sư Tạ Anh Tuấn, trưởng văn phòng luật sư Bách Gia luật cho biết: Việc UBND tỉnh Quảng Ninh ban hành một loạt văn bản "ép" các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức phải sử dụng dịch vụ trả lương qua tài khoản của ngân hàng Techcombank đã vi phạm nghiêm trọng Luật Cạnh tranh - được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XI, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 03/12/2004, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2005, cụ thể: 
        
Theo Điều 6 của Luật Cạnh tranh, cơ quan quản lý nhà nước không được thực hiện những hành vi sau đây để cản trở cạnh tranh trên thị trường: “1. Buộc doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, cá nhân phải mua, bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ với doanh nghiệp được cơ quan này chỉ định, trừ hàng hoá, dịch vụ thuộc lĩnh vực độc quyền nhà nước hoặc trong trường hợp khẩn cấp theo quy định của pháp luật; 2. Phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp; 3. Ép buộc các hiệp hội ngành nghề hoặc các doanh nghiệp liên kết với nhau nhằm loại trừ, hạn chế, cản trở các doanh nghiệp khác cạnh tranh trên thị trường; 4. Các hành vi khác cản trở hoạt động kinh doanh hợp pháp của doanh nghiệp.”
        
    
   
Mạnh Hưng
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tỉnh Quảng Ninh: Có vi phạm Luật cạnh tranh khi ưu ái doanh nghiệp?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO