Triển khai các nhiệm vụ, dự án
Trong xu thế phát triển, các nguồn thải thải ra LVS luôn có sự biến động khá lớn. Để duy trì chất lượng nước và ngăn ngừa ô nhiễm, Bộ TN&MT đã đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, tập trung vào các cơ sở xả thải lớn. Phối hợp với các địa phương đầu tư các trạm quan trắc môi trường nước mặt tự động. Đến nay, 17 điểm quan trắc nước mặt tự động đã và đang được thi công, lắp đặt và vận hành thử nghiệm, bao gồm 9 trạm trên hệ thống sông Đồng Nai (Đồng Nai 6 trạm, Bà Rịa - Vũng Tàu 3 trạm) và 8 trạm trên LVS Nhuệ - sông Đáy (Nam Định 4 trạm, Hà Nam 4 trạm). Đồng thời, tập trung điều tra, thống kê các nguồn thải vào lưu vực sông, từ đó, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu đầy đủ để có thể đưa ra những số liệu phục vụ công tác quản lý.
Bộ đã đề ra tiến độ cụ thể, đến năm 2020, các tỉnh, thành phố thuộc các lưu vực sông phải xây dựng danh mục chính thức các nguồn thải (nước thải); đề xuất kế hoạch quản lý, xử lý cho từng năm và giai; rà soát, lựa chọn một số nguồn thải chính gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng để công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng; hàng năm, kiểm điểm, đánh giá tình hình quản lý, xử lý các nguồn thải chính đã được thống kê, rút tên khỏi danh sách hoặc bổ sung thêm các nguồn thải mới trong danh sách, tiếp tục lựa chọn các nguồn thải chính gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng để công bố và giám sát xử lý.
Ngoài ra, các Bộ, ngành, địa phương cũng có những động thái để bảo vệ môi trường sông. Cụ thể, Bộ Xây dựng chỉ đạo, tổ chức hướng dẫn triển khai Quy hoạch hệ thống thoát nước và xử lý nước thải khu vực dân cư, khu công nghiệp thuộc 3 LVS đến năm 2030. Quy hoạch quản lý chất thải rắn 3 LVS đến năm 2030; Bộ GTVT tăng cường quản lý công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, phòng ngừa ô nhiễm môi trường trong giao thông thủy nội địa và hàng hải, thực hiện các dự án nạo vét luồng đường thủy nội địa, luồng hàng hải và khu neo đậu tránh bão tại LVS… Các địa phương đẩy mạnh đầu tư hệ thống thoát nước và xử lý nước thải đô thị, giúp nâng cao tỷ lệ các khu đô thị có hệ thống xử lý nước thải tập trung, góp phần cải thiện chất lượng nước trên các LVS.
Xây dựng nhóm giải pháp
Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cho biết, thời gian gần đây, công tác bảo vệ môi trường nhất là BVMT các LVS đã chuyển từ thế bị động sang chủ động. Tới đây, Bộ sẽ tổ chức công bố Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia năm 2018 Chuyên đề về “Môi trường nước các lưu vực sông”. Báo cáo sẽ cung cấp một cách nhìn tổng quan về chất lượng nước trên các LVS chính, đánh giá các nguyên nhân chủ yếu gây ô nhiễm và suy thoái nguồn nước trong thời gian qua, cũng như đưa ra những khuyến nghị, giải pháp cho các vấn đề này trong thời gian tới.
Bà Lê Hoàng Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Quan trắc Môi trường Miền Bắc (đơn vị được giao xây dựng báo cáo) cho biết: Việc xây dựng và hoàn thiện Báo cáo được Bộ quan tâm, chỉ đạo sát sao.
Trong cuộc họp gần đây, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân đã chỉ đạo đơn vị phải xây dựng các nhóm các giải pháp tổng thể để bảo vệ và quản lý tổng hợp môi trường nước; nhóm các giải pháp cụ thể cho các LVS theo vùng địa lý và nhóm giải pháp ưu tiên thực hiện để khắc phục và xử lý triệt để các điểm nóng về ô nhiễm môi trường nước, giám sát các vấn đề môi trường xuyên biên giới và ứng phó hiệu quả diễn biến biến đổi khí hậu để giảm thiểu tác động tới môi trường nước các LVS.
“Báo cáo sẽ dành một chương cho những thách thức và giải pháp. Ngoài ra, còn có các nội dung về tổng quan về các LVS của Việt Nam và sức ép lên môi trường nước các LVS; nguồn gây ô nhiễm môi trường nước các LVS; diễn biến chất lượng môi trường nước các LVS; tác động của ô nhiễm môi trường nước mặt các LVS; quản lý môi trường nước các LVS” - bà Anh nhấn mạnh.
Được biết, để nâng cao hiệu quả quản lý môi trường nước trên các LVS, Bộ TN&MT đã tập trung xây dựng và hoàn thiện các văn bản pháp lý. Hệ thống tổ chức, phân công trách nhiệm quản lý môi trường LVS từ cấp Trung ương, liên vùng, liên tỉnh, liên ngành và cấp địa phương cũng được rà soát, điều chỉnh qua từng giai đoạn để đáp ứng yêu cầu đặt ra. Các nội dung về quy hoạch tài nguyên nước các LVS, đầu tư tài chính cho bảo vệ và kiểm soát ô nhiễm, xử lý chất thải cho tới việc sử dụng các công cụ quản lý như đánh giá tác động môi trường, cấp phép sử dụng nguồn nước, xả nước thải và nguồn tiếp nhận, các công cụ kinh tế, thanh tra kiểm tra, quan trắc giám sát môi trường nước… cũng tiếp tục được đẩy mạnh hơn và đạt được nhiều kết quả tích cực so với giai đoạn trước.