Nước về bản, người dân mừng hụt
Mèo Vạc đã từng được biết đến là vùng đất khát của tỉnh Hà Giang. Trước thực tế ấy, nhiều dự án, chương trình tìm kiếm nguồn nước của Trung ương và địa phương đã được đầu tư để giúp bà con nơi đây giải cơn khát. Trong số đó có chương trình tìm kiếm nguồn nước dưới đất tại thị trấn Mèo Vạc do Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra Tài nguyên nước miền Bắc (thuộc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra Tài nguyên nước Quốc gia – Bộ TN&MT) thực hiện. Có thể nói, đây là địa bàn khó khăn nhất trong việc tìm kiếm nguồn nước. Song với sự tâm huyết, nỗ lực không mệt mỏi, các kỹ sư địa chất thủy văn Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Bắc đã tìm ra nguồn nước vào năm 2003 và 2007. Đây được đánh giá là một trong 10 sự kiện của Bộ Tài nguyên và Môi trường, còn người dân thôn bản cảm thấy vô cùng vui và hạnh phúc đón nguồn nước mới. Có nước, bà con không phải đi vài cây số, những em nhỏ không phải nghỉ học để đi nửa ngày đường lấy nước.
Khoan thăm dò tìm kiếm nguồn nước dưới đất |
Song niềm vui ấy dường như chỉ tồn tại trong thời gian rất ngắn. Do nguồn nước sâu lại không được đầu tư máy bơm đặc chủng nên năm 2008, máy bơm nước đã bị hỏng và kéo theo hệ lụy không hút được nước để cấp cho đồng bào. Trước nhu cầu bức xúc về nguồn nước, trong một dự án tiếp theo, năm 2012, Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Bắc lại một lần nữa về Mèo Vạc. Lần này, các kỹ sư Liên đoàn đã tìm ra 5 lỗ khoan với trữ lượng >1.000 m3/ngày, đủ để cấp nước cho >10.000 hộ dân. Song từ khi bàn giao cho địa phương quản lý đến nay, qua hai lần Nhà nước đánh giá, địa phương đón nhận, nguồn nước vẫn “nằm im dưới lòng đất”, chưa được khai dẫn phục vụ cấp nước cho bà con.
Đây chỉ là một ví dụ điển hình về sự lãng phí trong số rất nhiều chương trình tìm kiếm nguồn nước mà các kỹ sư địa chất thủy văn của Trung tâm Quy hoạch và Điều tra Tài nguyên nước Quốc gia thực hiện ở nhiều vùng, miền khác nhau trên cả nước. Ở nhiều địa phương, sau khi tìm kiếm, kiến nghị về khai dẫn nguồn nước đến người sử dụng vẫn chỉ nằm trên giấy. Trong khi vào mùa khô người dân ở chính địa phương đó phải mua nước với giá “cắt cổ” 150.000 đồng/m3.
Nhiều bất cập từ chương trình tìm kiếm nguồn nước
ThS. Triệu Đức Huy, Phó Liên đoàn trưởng Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra Tài nguyên nước miền Bắc cho biết: Việc điều tra, tìm kiếm nguồn nước để cung cấp nước sinh hoạt ở các vùng cao, vùng khan hiếm nước đã được Chính phủ quan tâm triển khai thực hiện từ những năm 90 của thế kỷ trước. Đến nay, các công trình đó đã mang lại những hiệu quả nhất định nhưng tình trạng thiếu nước vẫn xảy ra thường xuyên, nhất là vào mùa khô hạn.
Theo Trung tâm Quy hoạch và Điều tra Tài nguyên nước Quốc gia, từ cuối những năm 1990 tới nay trên toàn quốc đã thực hiện một số các dự án (đề án) phục vụ cho cấp nước sinh hoạt ở các vùng khan hiếm nước cho 338 vùng, trên diện tích 11.256 km2. Đã thi công 841 lỗ khoan, trong đó có 617 lỗ khoan có lưu lượng hút nước thí nghiệm từ 1m3/h, tổng trữ lượng đã điều tra, đánh giá 185.994 m3/ngày. Tất cả các lỗ khoan có chất lượng nước hợp vệ sinh đã bàn giao cho các địa phương quản lý, khai thác sử dụng. Ngoài ra, bàn giao 221 công trình cấp nước (lỗ khoan, máy bơm, nhà trạm, bể hoặc bồn chứa nước) cho địa phương quản lý, khai thác phục vụ cấp nước sinh hoạt.
Theo nhận định của các chuyên gia, đa số các lỗ khoan nghiên cứu địa chất thuỷ văn đã đáp ứng được nhu cầu cấp bách về nguồn nước sinh hoạt ở các vùng đặc biệt khó khăn. “Tuy nhiên, do nhiệm vụ trước đây mới chỉ dừng lại ở mục tiêu chính là tìm ra nguồn nước, xác định trữ lượng, chất lượng và định hướng khai thác như thế nào rồi bàn giao cho địa phương quản lý, mức độ đầu tư cho công tác cấp nước sạch đến người dân là rất ít” – ông Triệu Đức Huy chia sẻ.
Nguồn nước đã được khơi thông xây dựng thành trạm cấp nước như ở Đồng Văn |
Được biết, có rất nhiều vùng sau khi thi công đã tìm ra nguồn nước có giá trị nhưng không được khai dẫn tới các hộ dân nên chưa phát huy được hiệu quả. Vẫn biết, nếu đầu tư thêm nguồn kinh phí để đơn vị thi công thực hiện việc xây dựng mạng khai dẫn đơn giản (nhà bao - máy bơm - đường ống - bể trung tâm) thì hiệu quả sẽ lớn hơn rất nhiều. Song điều đó không phải địa phương nào cũng làm được.
Bên cạnh đó, phải kể đến là do chưa có sự lồng ghép và kết hợp chặt chẽ với các chương trình mục tiêu khác như 134, 135, Chương trình cấp nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn. Một số công trình cấp nước được đầu tư xây dựng từ các Chương trình khác được đầu tư khá quy mô, công nghệ hiện đại nhưng do không có số liệu điều tra, đánh giá về nguồn, do biến đổi khí hậu nên về mùa khô không có nước.
Một bất cập nữa được kể đến là, công tác điều tra, tìm kiếm về nguồn do Bộ TN&MT đảm nhiệm, còn công tác xây dựng công trình cấp nước do Bộ NN&PTNT đảm nhiệm nên chưa có sự phối hợp thống nhất….
Cơ hội để người dân được dùng nước sạch
Theo nhận định của các chuyên gia tài nguyên nước, mặc dù các chương trình tìm kiếm nguồn nước dưới đất trước đây đã được triển khai ở nhiều vùng khó khăn nhưng người dân vẫn chưa có cơ hội được tiếp cận nguồn nước sạch.
Chương trình “Tìm kiếm nguồn nước dưới đất để cung cấp nước sinh hoạt ở các vùng cao, vùng khan hiếm nước” về cơ bản sẽ khắc phục được các nguyên nhân tồn tại trước đây, và kỳ vọng sẽ đem lại nguồn nước cho người dân vùng khó khăn một cách hiệu quả bền vững. Việc xây dựng hệ cấp nước tập trung cho các điểm tập trung dân cư ở các vùng núi cao, vùng khan hiếm nước là rất cần thiết, nhưng phải lưu ý đến nguyên tắc phát triển bền vững “làm tới đâu, chắc tới đó” vừa bảo đảm lượng nước và an toàn về vệ sinh môi trường, sử dụng mô hình công nghệ phù hợp với trình độ quản lý của nhân dân, đồng thời phải giải quyết những vấn đề “hậu đầu tư”. Bên cạnh việc hỗ trợ đào tạo người quản lý vận hành công trình, trang bị phương tiện cần thiết. Đây là điều kiện “cần và đủ” để những hệ thống cấp nước sử dụng có hiệu quả lâu dài. Điều đó cũng đồng nghĩa người dân miền núi được giảm bớt thời gian và sức lực vì không phải đi lấy từng gùi nước để chống chọi với cái nắng oi bức của vùng cao khi mùa khô đến.
Trước đây, do chưa có sự phối hợp đồng bộ của các cơ quan từ Trung ương đến địa phương nên hiệu quả của các chương trình phần nào giúp việc giải khát cho đồng bào nhưng mục tiêu cuối cùng sử dụng bền vững nguồn nước chưa đạt được. Vì thế, chương trình này phải đổi mới cách làm, cách tư duy và có sự đột phá trong cách thực hiện. Đặc biệt, trách nhiệm của các Bộ TN&MT, NN&PTNT và KH&CN được phân công cụ thể và có sự phối hợp trong từng dự án cụ thể.
“Để làm được điều đó, phần điều tra về nguồn phải được đánh giá tốt dựa trên cơ sở nhu cầu thực tiễn của địa phương và điều kiện có thể tìm ra nguồn nước. Mặt khác, cơ sở hạ tầng và điều kiện cung cấp nước phải đảm bảo, ở điểm tập trung dân cư. Những địa phương bức xúc sẽ triển khai trước và đặc biệt khi tìm ra nguồn nước địa phương phải khai dẫn và cam kết có đơn vị chuyên cung cấp nước sử dụng hiệu quả” – ông Triệu Đức Huy nói. Bởi lẽ, theo ông Huy, chương trình tìm kiếm nguồn nước muốn thành công phải đạt được 3 yếu tố, đó là đánh giá được về nguồn, khi có nguồn nước phải chuyển giao cho đơn vị chuyên cung cấp và kinh doanh nước sạch và phải được người dân đón nhận.
Ông Triệu Đức Huy cũng kiến nghị nên chăng xã hội hóa cho tư nhân được quyền khai thác với cơ chế chuyển nhượng quyền khai thác và có sự khống chế trong một thời gian nhất định.
Hiện tại, Bộ TN&MT đang phê duyệt đề cương chi tiết thực hiện dự án số 1 đánh giá về nguồn ngay trong năm 2015. Theo đó, giai đoạn 1 (2015 – 2017) thực hiện ở những vùng có nhu cầu cấp bách về nguồn nước và có đủ điều kiện để thực hiện thành công các mô hình cấp nước an toàn và bền vững cho nhân dân. Giai đoạn 2 (2017 – 2020) sẽ tiếp tục triển khai ở các vùng còn lại. Trên cơ sở đó, Bộ NN&PTNT sẽ lựa chọn các mô hình thí điểm phê duyệt dự toán xây dựng công trình cấp nước sạch, đề ra lộ trình bàn giao cho địa phương. Bộ KHCN nghiên cứu công nghệ hiện đại ứng dụng triển khai tại các mô hình để khai thác các công trình cấp nước một cách hiệu quả nhất.
Chương trình điều tra, tìm kiếm nguồn nước dưới đất để cung cấp nước sinh hoạt ở vùng núi cao, vùng khan hiếm nước được thực hiện trên địa bàn 44 tỉnh phân bố rải rác trên 1.333 vùng được xác định là các khu vực núi cao và khan hiếm nước. Quy mô cấp nước ở mỗi vùng từ 1.000 đến 15.000 người với tiêu chuẩn cấp nước là 80l/người/ngày. Phân chia từng khu vực cụ thể như sau: - Khu vực Bắc Bộ: 617 vùng (16 tỉnh: Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Bắc Giang, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Phú Thọ, Tuyên Quang, Hà Giang, Ninh Bình, Hòa Bình, Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La). - Khu vực Bắc Trung Bộ: 119 vùng (4 tỉnh: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị). - Khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên: 401 vùng (12 tỉnh: Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông). - Khu vực Nam Bộ: 196 vùng (12 tỉnh: An Giang, Bạc Liêu, Bến Tre, Cà Mau, Đồng Tháp, Kiên Giang, Long An, Sóc Trăng, Tây Ninh, Trà Vinh, Vĩnh Long, Bình Phước). (Nguồn: Trung tâm Quy hoạch và Điều tra Tài nguyên nước Quốc gia) |
Minh Trang