Tại hội nghị “Liên kết phát triển các khu kinh tế (KKT) và khu công nghiệp (KCN) tại Vùng kinh tế trọng điểm (KTTĐ) miền Trung” đang diễn tại TP. Huế (tỉnh Thừa Thiên Huế), nhiều ý kiến đã được đề xuất, thảo luận đề tìm sợi dây liên kết, nâng tầm kinh tế các tỉnh miền Trung Việt Nam trong thời gian tới...
Nhiều tiềm năng, lợi thế
Theo tìm hiểu, Vùng KTTĐ miền Trung được thành lập năm 2008, gồm 5 tỉnh, thành phố: Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, với diện tích tự nhiên là 27.881 km2 chiếm 8,45% diện tích cả nước; dân số khoảng 6,5 triệu người, chiếm trên 7% dân số cả nước, có điều kiện thuận lợi hình thành một hành lang kinh tế, thương mại quan trọng kết nối Bắc- Nam và là cửa ngõ ra biển của tuyến hành lang kinh tế Đông- Tây, nối Myama, Lào, Campuchia với đường hàng hải quốc tế qua Biển Đông và Thái Bình Dương.
Hiện nay, Vùng KTTĐ miền Trung có 4 khu kinh tế ven biển gồm Chân Mây- Lăng Cô (Thừa Thiên Huế), Chu Lai (Quảng Nam), Dung Quất (Quảng Ngãi), Nhơn Hội (Bình Định) và 19 KCN được Thủ tướng cho phép thành lập, chiếm 5,8% số KCN được cấp phép của cả nước và khoảng 45,2% số KCN của 14 tỉnh miền Trung.
Hội đồng Vùng KTTĐ miền Trung thông tin rằng, tính đến cuối năm 2016 các KKT, KCN trong Vùng đã thu hút được hơn 1.280 dự án, với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 500 ngàn tỷ đồng, vốn đầu tư thực hiện hơn 210 ngàn tỷ đồng (chiếm 42% tổng vốn đầu tư đăng ký), thu ngân sách khoảng 36-40 ngàn tỷ đồng. Qua đó, vùng KTTĐ miền Trung đã phần nào trở thành một trong nhưng trọng điểm thu hút dự án đầu tư trong và ngoài nước, góp phần quan trọng vào việc nâng cao giá trị sản xuất công nghiệp, thương mại quốc tế, giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu kinh tế của các địa phương thuộc Vùng và cả nước.
Tuy nhiên hiện nay theo nhận định của nhiều chuyên gia và từ thực tế, thì dù các KKT, KCN vùng KTTĐ miền Trung có tạo thêm năng lực sản xuất mới, nhưng chưa tạo ra bước đột phá trong phát triển công nghiệp, phần lớn thu hút vào các KKT, KCN trong Vùng là các ngành thâm dụng lao động, sử dụng nhiều nhiên liệu, năng lượng, ít công nghệ cao, như: dệt may, da giày, sản xuất sản phẩm nhựa, vật liệu nung, chế biến nông - lâm - thủy sản... Cơ cấu ngành nghề này làm cho chất lượng, tốc độ phát triển các KKT, KCN của Vùng không cao.
Mặt khác, các KKT, KCN khu vực miền Trung có tiềm năng, lợi thế tương đối giống nhau, nhưng chưa có những phân tích sâu nhằm đưa ra cơ chế phân công thu hút, phát triển hợp lý, tạo nên lợi thế tổng thể của toàn vùng. Ngược lại, đang có sự thu hút đầu tư theo hướng cạnh tranh tràn lan trên tất cả các lĩnh vực, tại tất cả các địa phương, làm triệt tiêu lợi thế lẫn nhau và làm lệch lạc định hướng khai thác tiềm năng sẵn có vào phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương trong Vùng.
“Đã tròn 10 năm thành lập Vùng KTTĐ miền Trung, các địa phương trong Vùng cần cùng nhau nhìn lại mô hình liên kết phát triển Vùng. Đặc biệt, trong lĩnh vực phát triển các KKT, KCN để xem xét, đề xuất một mô hình liên kết có tính tiên tiến, sáng tạo và liên kết bền vững, khắc phục tình trạng không gian kinh tế bị chia cắt bởi địa giới hành chính, làm cho vùng KTTĐ miền Trung thực sự phát huy được thế mạnh, tiềm năng của mình...”- ông Ngô Đông Hải, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhận định.
Tìm hướng đi bền vững...
Tại Hội nghị, Tiến sĩ Trần Đình Thiên- Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, đã đến lúc cần đặt vấn đề một cách thẳng thắn và gay gắt về liên kết của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. “Các KKT và KCN nằm trong Vùng KTTĐ miền Trung cơ bản giống nhau về địa hình và lợi thế, vì vậy mỗi địa phương nên chọn một lợi thế để tạo thành điểm chung cho vùng. Muốn phát triển vùng phải đảo ngược tư duy, mỗi địa phương phải chọn cho mình một chiến lược phát triển, phải để nhà đầu tư chọn mình chứ mình đừng chọn nhà đầu tư. Để làm được điều đó, các địa phương phải chọn cho mình một thế mạnh riêng chứ không cạnh tranh theo kiểu bên được bên mất, phải tuân thủ 2 nguyên tắc chung đó là phân bổ nguồn lực dựa trên nguyên tắc thị trường và tận dụng lợi thế để tạo ra lợi thế”- Tiến sĩ Thiên nói.
Tiến sĩ Dương Đình Giám- Hội Khoa học kinh tế Việt Nam đề xuất một số giải pháp nhằm tăng cường liên kết phát triển các KKT và KCN tại Vùng KTTĐ miền Trung như: Tăng cường liên kết, nâng cao hiệu quả của hệ thống các KKT, KCN trong vùng; thúc đẩy, nâng cao khả năng cạnh tranh và thu hút đầu tư của các KKT, KCN; tổ chức, quản lý và thực thi các chính sách hỗ trợ cho các KKT, KCN (như hoàn thiện các quy định về quản lý, xây dựng bộ máy quản lý năng động và hiệu quả, kiểm soát chặt chẽ vấn đề môi trường)...
Còn theo PGS.TS Bùi Quang Bình- Trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng, giải pháp để thúc đẩy liên kết vùng trong phát triển kinh tế Vùng KTTĐ miền Trung là: Cần thiết phải có cơ quan quản lý vùng hay xây dựng các mô hình thể chế quản trị vùng (hội đồng vùng) phù hợp với nhu cầu thực tiễn. Đây là việc cần thiết vì sự đa dạng; Phải điều chỉnh và xây dựng cơ sở pháp lý cho sự hoạt động của cơ quan quản lý Vùng KTTĐ miền Trung; Bảo đảm điều kiện cơ chế và nguồn lực để thực hiện vai trò chức năng của cơ quan này; Hoàn thiện và nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch phát triển KCN và KKT; Phân cấp hợp lý và minh bạch. Liên kết vùng phát triển KCN và KKTchỉ có thểthực hiện được khi có quá trình phân cấp hợp lý giữa cơ quan quản lý vùng và địa phương giữa Nhà nước và thị trường...
Phó Trưởng Ban quản lý KKT Dung Quất và các KCN Quãng Ngãi Đàm Minh Lễ thì cho rằng, để phát huy tiềm năng và liên kết phát triển vùng, phải có cơ chế điều phối, quản trị vùng; xây dựng cơ chế chính sách thích hợp, thúc đẩy liên kết để tạo điều kiện phát triển nhanh hơn cho các địa phương. Mặt khác, phải tập trung các nguồn lực để đầu tư, phát triển hạ tầng kinh tế- xã hội, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông trong vùng như xây dựng các con đường ven biển, mở rộng các sân bay và các tuyến đường cao tốc trong vùng...
“Vấn đề ô nhiễm môi trường cũng đang trở nên mối quan tâm của chính quyền địa phương và người dân, khi mà tại một vài nhà máy đi vào hoạt động có xảy ra vấn đề môi trường ở mức độ nhất định. Công tác quản lý môi trường trong KKT, công tác thanh tra xử lý vi phạm hành chính đối với các lĩnh vực trong KKT chưa được quy định rõ ràng, dẫn đến việc quản lý của các Ban Quản lý KKT giảm hiệu lực đáng kể, không đủ sức răn đe đối với các dự án vi phạm...”- TS Phan Thị Sông Thương, Viện KHXH vùng Trung Bộ nhấn mạnh tại Hội nghị.
Được biết, kết quả của các ý kiến tại Hội nghị sẽ được Hội đồng Vùng KTTĐ miền Trung hoàn thành báo cáo đề xuất điều chỉnh cơ chế, chính sách phát triển các khu kinh tế và công nghiệp thuộc Vùng, trình Thủ tướng xem xét, quyết định...
|