Tại buổi Tọa đàm trực tuyến “Tìm giải pháp thúc đẩy công nghệ thu phí không dừng” diễn ra sáng nay (13/5), ông Nguyễn Viết Huy, Phó Vụ trưởng Vụ Đối tác công tư, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho biết, theo kế hoạch trước đây, Chính phủ chốt thời điểm 31/12/2019 phải hoàn thành dự án. Tuy nhiên, do một số nguyên nhân chủ quan, khách quan, Bộ GTVT đã báo cáo Thủ tướng gia hạn đến 31/12/2020.
Bất cập từ hình thức thu phí mới
Ông Huy cho hay, đến thời điểm 31/12/2019, Bộ GTVT đã hoàn thành giai đoạn 1, cụ thể là 40 trạm. Giai đoạn 2 của dự án có 33 trạm. Theo kế hoạch, sau khi Thủ tướng điều chỉnh Quyết định 18, liên danh nhà đầu tư giai đoạn 2 sẽ thành lập được doanh nghiệp dự án để sắp tới ký hợp đồng triển khai các trạm này. Hiện công tác khảo sát, thiết kế 33 trạm này đã được hoàn thành, khi thành lập được doanh nghiệp dự án sẽ tổ chức thi công ngay.
Mô hình trạm thu phí tự động không dừng |
Đánh giá tổng thể khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân dẫn đến việc triển khai tiến độ thu phí tự động không dừng chưa đạt như mong muốn, ông Tô Nam Toàn, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ, môi trường và Hợp tác quốc tế, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho rằng, nguyên nhân khách quan trước hết là do hình thức thu phí tự động không dừng rất mới với Việt Nam, mới về cả công nghệ, mô hình quản lý và hình thức triển khai. Cho nên, khi đưa vào triển khai có một số vấn đề chưa phù hợp với thực tiễn, dẫn đến bất cập đòi phải tháo gỡ.
Mặt khác, thời gian qua, việc thực hiện miễn giảm phí đường bộ dẫn đến doanh thu các dự án BOT bị sụt giảm 30 - 50%. Từ đó, phương án tài chính thu phí không dừng không đạt được như ban đầu, khiến nhà tài trợ tín dụng lo ngại, làm chậm tiến độ của dự án.
Hơn nữa, dự án của VEC và các dự án giai đoạn 2 khi triển khai vẫn còn nhiều vướng mắc về nguồn vốn, đấu thầu thành lập doanh nghiệp dự án.
Trong khi đó, thói quen sử dụng tiền mặt của người dân vẫn còn. Điều này dẫn đến việc sử dụng dịch vụ thu phí không dừng còn hạn chế. Nhiều trạm thu phí tại địa phương khi triển khai, lắp 2 làn rồi mới chỉ đạt 10 - 20% phương tiện sử dụng. Chúng tôi cũng đặt câu hỏi là làm thêm có lãng phí hay không?
“Chúng ta đầu tư rất nhiều, nhưng làn 1 dừng thì ùn tắc, làn không dừng lại vắng tanh”, ông Toàn nói và cho biết, mặc dù Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Bộ GTVT, đơn vị thu phí BOT đã truyền thông rất nhiều, nhưng vẫn chưa thay đổi được thói quen của người dân.
Còn về chủ quan, ông Toàn cho rằng, hình thức hợp đồng BOO trong đầu tư dự án thu phí không dừng là hình thức mới. Đây là hợp đồng 3 bên, giữa cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, nhà đầu tư thu phí tự động không dừng và nhà đầu tư BOT. Ngoài ra, còn liên quan nhiều đối tác như đơn vị phát hành thẻ… nên rất phức tạp. Khi đàm phán hợp đồng, liên quan nhiều đối tác khó khăn, mất nhiều thời gian.
Một nguyên nhân nữa là trình tự thủ tục trong đầu tư rất phức tạp, để đảm bảo được đúng các quy định và hài hòa lợi ích nhiều bên mất rất nhiều thời gian. Trong khi công chức không được phép làm trái với quy định nhà nước. Do vậy, quá trình rà soát, điều chỉnh, đàm phán phương án tài chính cho các dự án này rất khó khăn.
Nỗ lực tìm giải pháp
Để thúc đẩy thu phí không dừng, ông Hồ Trọng Vinh, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Thu phí tự động VETC cho biết, năm 2015, nói đến thu phí tự động, nhiều người chưa hiểu. Giờ nhiều người hiểu nhưng có thể chưa hiểu hết. Thực tế này có thể xuất phát từ công tác truyền thông chưa hiệu quả, chưa đúng đối tượng nhưng phần nhiều là do thói quen sử dụng tiền mặt của người dân.
Trong kế hoạch của VETC với Bộ GTVT và Tổng cục Đường bộ Việt Nam, hiện chúng ta đang cố gắng triển khai và đưa vào vận hành thu phí không dừng tuyến cao tốc Pháp Vân - Ninh Bình 25/5 tới đây và cao tốc Hà Nội - Hải Phòng dự kiến đưa vào tháng 6 năm nay. Hy vọng rằng, trong tháng 6 tới đây, mọi vấn đề trên 2 tuyến này sẽ được giải quyết vì các xe hay ùn tắc thu phí đầu Pháp Vân - Cầu Giẽ.
“Hiện chúng tôi đang nỗ lực tăng cường truyền thông đến các khách hàng có thể tham gia”, ông Vinh nói.
Về giải pháp thúc đẩy thu phí không dừng, ông Vinh cho rằng, thói quen sử dụng tiền mặt chưa thể thay đổi ngay, phải từ từ. Đồng thời, phải có lộ trình khi triển khai các làn ETC, cần có quy định không cho xe không ETC vào, để khách hàng phải thấy quyền lợi sử dụng thẻ ETC không bao giờ ách tắc.
Đối với việc tại sao khách hàng đi mà không trừ tiền trực tiếp từ tài khoản của ngân hàng mà lại phải chuyển vào tài khoản ETC. Chia sẻ từ kinh nghiệm của nước ngoài, ông Vinh cho biết, tài khoản ngân hàng khi xe đi qua trạm, sẽ không đủ thời gian để trừ trực tiếp từ hệ thống ngân hàng để kiểm tra số dư. Vì điều kiện xe đi qua trạm chỉ 0,02 giây không đủ thời gian truy nhập nhiều lớp bảo mật của ngân hàng.
Do vậy, giải pháp của VETC là liên kết với ngân hàng để ngân hàng tự động trừ một số tài khoản dư nào đó để phục vụ cho việc chủ tài khoản sử dụng thẻ ETC. Mục tiêu phải triển khai để tạo thuận lợi cho cả người sử dụng và cho ngân hàng.
“Mấu chốt” hoàn thành thu phí không dừng trong năm 2020?
Khẳng định dự án thu phí tự động không dừng là dự án quan trọng của Bộ GTVT, ông Nguyễn Viết Huy nhấn mạnh, trước mắt, Bộ GTVT ưu tiên chỉ đạo hoàn thành các trạm thu phí ở cửa ngõ Thủ đô và các trạm lớn như trạm ở Pháp Vân - Cầu Giẽ và Cầu Giẽ - Ninh Bình, tháng 5 phải hoàn thành thu phí không dừng. Trạm Hà Nội - Hải Phòng xong trong tháng 6. Các trạm còn lại của dự án giai đoạn 2 phải hoàn thành trong năm 2020.
Thời gian tới, khi sửa đổi Quyết định 07 mà Bộ GTVT đang trình Thủ tướng, sẽ có một số giải pháp quan trọng để thúc đẩy tiến độ dự án.
Liên quan việc gắn thẻ trên phương tiện giao thông. Trước đây, gắn thẻ miễn phí, nhưng không có chế tài. Theo quyết định mới, sau 31/12/2021, nếu chủ phương tiện mới gắn thẻ sẽ phải mất phí. Phương tiện không dán thẻ hoặc không đủ tiền, trước đây có thể đi vào làn ETC, sau này sẽ chỉ cho đi vào làn hỗn hợp ngoài cùng, cấm vào làn ETC.
Quyết định 07 sửa đổi cũng bổ sung thêm trách nhiệm của một số cơ quan QLNN, cụ thể là NHNN về quản lý dòng tiền. Ví dụ như lãi, tại sao chủ phương tiện nộp tiền vào lại không được hưởng lãi?
Làm sao để hoàn thành dự án thu phí không dừng trong năm này, ông Huy cho rằng, giải pháp mấu chốt là phải giải quyết việc giảm doanh thu của các nhà đầu tư BOT. Bộ GTVT đề xuất phải tăng phí theo lộ trình đã quy định trong hợp đồng. Thứ hai, các ngân hàng phải cơ cấu lại nợ của nhà đầu tư BOT, làm sao để các nhà đầu tư BOT yên tâm phối hợp với các cơ quan của nhà nước để triển khai thu phí không dừng.