.Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh phát biểu tại Hội thảo
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng cho biết: Trong giai đoạn 2011-2016, ngành chăn nuôi của Việt Nam tăng trưởng bình quân đạt xấp xỉ 4,5-5%/năm và chiếm 30 - 32% giá trị trong ngành nông nghiệp. Giai đoạn tiếp theo, Chính phủ đang đẩy nhanh việc thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, và nhiệm vụ của ngành chăn nuôi là tập trung nâng cao giá trị gia tăng, phát triển sinh kế cho người dân, đặc biệt chú trọng bảo vệ môi trường và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Phát triển nông nghiệp nông thôn bền vững chính là mấu chốt triển khai Kế hoạch hành động quốc gia cho việc thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững của Việt Nam.
“Các quốc gia và các tổ chức trong khu vực Đông Nam Á cần tìm ra những cơ hội mới trong ngành chăn nuôi nói riêng và nông nghiệp nông thôn nói chung, tăng cường hợp tác giữa nhằm giải quyết các khó khăn và thách thức chung. Chúng tôi mong tiếp tục nhận được sự hợp tác và hỗ trợ của các đối tác phát triển, các nhà tài trợ và các cơ quan liên quan để phát triển ngành chăn nuôi hiệu quả hơn góp phần thực hiện thành công mục tiêu phát triển thiên nhiên kỷ", ông Doanh nhấn mạnh.
Theo ông Nguyễn Thanh Sơn – Viện trưởng Viện Chăn nuôi, chăn nuôi đóng vai trò quan trọng trong việc trực tiếp đạt được 10/17 mục tiêu phát triển bền vững. Viện trưởng kỳ vọng xác định được các giải pháp thúc đẩy sự phát triển của ngành chăn nuôi và tìm ra phương thức hợp tác, tìm kiếm nguồn lực thực hiện để góp phần đạt được các mục tiêu phát triển bền vững ở cấp khu vực và quốc gia. Điều này đòi hỏi sự tham gia tích cực của tất cả các bên, một sự kết nối mật thiết các mối quan hệ hợp tác quốc tế, quan hệ đối tác giữa các chính phủ, các nhà tài trợ, các tổ chức nghiên cứu và khu vực tư nhân.
Ông Jimmy Smith, Tổng Giám đốc của Viện Nghiên cứu Chăn nuôi Quốc tế đánh giá, chăn nuôi có vai trò thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo thêm thu nhập, cải thiện an ninh lương thực, dinh dưỡng và sức khoẻ cho con người. Các quốc gia cần tăng cường cải thiện các hệ thống chăn nuôi quy mô vừa và nhỏ bằng cách trực tiếp hoặc gián tiếp. Hoạt động nghiên cứu, phát triển và hỗ trợ chính sách có thể giúp các hệ thống sản xuất chăn nuôi quy mô vừa và nhỏ của khu vực chuyển đổi thành các hệ thống lương thực năng động, hiệu quả, tạo ra nhiều cơ hội việc làm hơn…
Các đại biểu tham dự Hội thảo
Tại hội thảo, đại diện từ các quốc gia đã trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm, kết quả nghiên cứu đánh giá về thực trạng phát triển ngành chăn nuôi trong khu vực Đông Nam Á; các ưu tiên và định hướng đầu tư phát triển chăn nuôi của một số nước cũng như xác định những ưu tiên cho phát triển bền vững ngành này. Trong đó bao gồm phương thức hợp tác và tìm kiếm nguồn lực để thực hiện các giải pháp…
Phương Linh