Tìm giải pháp đột phá bảo vệ môi trường trong thập niên tới

Tống Minh| 15/11/2019 21:30

(TN&MT) - Từ khi thực hiện Chiến lược Bảo vệ môi trường (BVMT) quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, đến nay, công tác bảo vệ môi trường đã có những chuyển biến tích cực. Bước sang giai đoạn 2021 – 2030, cần tập trung nghiên cứu, xem xét các giải pháp đột phá cho BVMT.

Đây là ý kiến của Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân tại Hội thảo tham vấn báo cáo đánh giá kết quả thực hiện Chiến lược BVMT quốc gia đến năm 2020 và đề cương Chiến lược giai đoạn 2021 – 2030.

Tham dự Hội thảo có ông Axel Neubert –Trưởng đại diện Quỹ Hanns Seidel Foundation, ông Nguyễn Văn Tài – Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) cùng đại diện lãnh đạo Viện Chiến lược, Chính sách TN&MT, các nhà khoa học, chuyên gia từ các tổ chức trong và ngoài nước.

Toàn cảnh Hội thảo

Nhiều chuyển biến tích cực

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cho biết, ngày 05 tháng 9 năm 2012, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 1216/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược BVMT quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, trong đó đề ra 06 quan điểm; các mục tiêu tổng quát và mục tiêu cụ thể đến năm 2020; 4 nhóm định hướng các nội dung, biện pháp bảo vệ môi trường và 6 nhóm giải pháp tổng thể.

Từ khi Chiến lược ra đời đến nay, công tác bảo vệ môi trường đã có những chuyển biến tích cực. Hệ thống chính sách, pháp luật và hệ thống cơ quan quản lý về BVMT đã từng bước được kiện toàn. Nhận thức về BVMT của các cấp, các ngành, cộng đồng đã có chuyển biến mạnh mẽ. Chính phủ đề ra quan điểm không đánh đổi môi trường lấy các mục tiêu tăng trưởng kinh tế.

 “Tuy nhiên nhiều mục tiêu đặt ra về BVMT chưa đạt được. Môi trường ở một số nơi tiếp tục bị ô nhiễm, suy thoái, ảnh hưởng tới môi trường và cuộc sống của nhân dân”, Thứ trưởng thẳng thắn chỉ rõ.

Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân phát biểu chỉ đạo

Theo Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân, trước tình hình phát triển mới trên thế giới và của đất nước, chuẩn bị bước vào thập niên thứ 3 của thế kỷ 21, việc nhìn nhận, đánh giá lại tình hình thực hiện Chiến lược BVMT quốc gia là rất quan trọng và cần thiết, nhằm đề ra những mục tiêu, định hướng cụ thể cho công tác BVMT ở nước ta trong thời kỳ mới, giai đoạn 2021-2030.

Trình bày cụ thể kết quả thực hiện Chiến lược BVMT quốc gia đến năm 2020, TS.Nguyễn Trung Thắng – Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách TN&MT thông tin, hơn 7 năm qua, Việt Nam đã chú trọng xây dựng, hoàn thiện pháp luật, thể chế quản lý, tăng cường thực thi pháp luật về BVMT. Đó là sự ra đời của Luật BVMT năm 2014 (hiện đang được sửa đổi, hoàn thiện) và 8 luật liên quan, 37 Nghị định và 24 Quyết định phê duyệt, hệ thống quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tiếp tục được hoàn thiện. Tổ chức bộ máy quản lý Nhà nước về BVMT tiếp tục được kiện toàn, nguồn nhân lực về BVMT tiếp tục được phát triển.

Đặc biệt, nguồn lực đầu tư cho BVMT ngày càng gia tăng. Năm 2012, Nhà nước đã đầu tư 9.7772 tỷ đồng, đến năm 2019, con số này là 20.442 tỷ đồng, đạt 1,25% tổng chi ngân sách. Nguồn thu từ thuế BVMT tăng từ 11.849 tỷ đồng năm 2013 đến 44.666 tỷ đồng năm 2017, tăng 4 lần sau 4 năm.

Ts.Nguyễn Trung Thắng trình bày Đánh giá thực hiện Chiến lược BVMT quốc gia đến năm 2020

Với sự đầu tư đó, đến nay, việc cải thiện môi trường đã có những kết quả đáng khích lệ. Vấn đề môi trường trong các khu công nghiệp, khu chế xuất đã được giải quyết với 88% tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt yêu cầu về môi trường, tăng gần 60% so với năm 2010. Tỷ lệ khu công nghiệp được lắp đặt thiết bị quan trắc tự động, trực tuyến đạt trên 42%. 57,2% số xã đạt tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới. Tỷ lệ thu gom chất thải rắn đô thị đã tăng lên 86% so với năm 2012 là 82-84%. Tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải nguy hại đạt 75%, tăng so với năm 2020 là 65%. Tỷ lệ chất thải y tế được phân loại, xử lý đạt 98%, tăng so với năm 2010 khoảng 75%.

Cùng với đó, trong cải tạo, phục hồi môi trường các khu vực bị ô nhiễm, suy thoái, đến năm 2019, đã hoàn thành xử lý 32,4 ha đất ô nhiễm tại sân bay Đà Nẵng; hoàn thành công tác chôn lấp, cô lập hơn 7.5000 m3 đất ô nhiễm dioxin tại sân bay Phù Cát (Bình Định). Diện tích rừng ngập mặn tăng thêm 18.100 ha từ năm 2010 đến nay. Độ che phủ rừng đạt 41,65%, tăng so với năm 2012 (39,5%). Hoạt động giảm phát thải khí  nhà kính đạt kết quả đáng ghi nhận, khi tiết kiệm được 5,65% năng lượng giai đoạn 2011 – 2015, năng lượng mặt trời có bước phát triển mạnh, đạt 4.500 MW năm 2019…

Vẫn còn nhiều gam màu xám trong bức tranh môi trường

“Phải nhìn nhận khách quan rằng, bức tranh môi trường của nước ta, bên cạnh những gam màu sáng nổi bật thì vẫn còn những gam màu tối, xám. Phải làm sao để những gam màu sáng ấy nhân dần lên, lan tỏa rộng hơn trong giai đoạn tới”, Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Văn Tài chia sẻ.

TS.Nguyễn Văn Tài - Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (thứ ba từ phải sang) phát biểu 

Cơ sở của đánh giá này xuất phát từ kết quả đánh giá của Viện Chiến lược, Chính sách TN&MT. Theo TS. Nguyễn Trung Thắng, bên cạnh những kết quả khả quan, việc thực hiện Chiến lược BVMT quốc gia đến năm 2020 cùng còn nhiều hạn chế. TS.Nguyễn Trung Thắng chỉ ra rằng, Việt Nam chưa ngăn chặn được việc phát sinh các nguồn gây ô nhiễm mới, trong khi các nguồn hiện có chưa được kiểm soát hoàn toàn.

Việc xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng chậm so với yêu cầu. Ô nhiễm môi trường tại các cụm công nghiệp, các lưu vực sông, làng nghề chưa được kiểm soát. Thống kê cho thấy, 84,2% cụm công nghiệp và 12,5% khu công nghiệp chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung; 87,5% nước thải sinh hoạt đô thị chưa được xử lý. Việc quan trắc nước thải tự động trực tuyến từ các khu công nghiệp, cụm công nghiệp chưa đạt yêu cầu.

Bên cạnh đó, quản lý chất thải rắn vẫn còn yếu kém, chưa phân loại tại nguồn, chủ yếu xử lý bằng chôn lấp không hợp vệ sinh. Tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt nông thôn chưa cao, còn 36,5% chưa được thu gom. Nhiều sự cố về môi trường như Formosa, Apatit Lào Cai, Rạng Đông, nhà máy nước sông Đà…xảy ra trong khi công tác ứng phó còn lúng túng, thụ động.

Chỉ ra nguyên nhân của các hạn chế này, theo TS.Nguyễn Trung Thắng, bên cạnh những nguyên nhân khách quan, còn do việc tổ chức thực thi pháp luật về BVMT chưa nghiêm, sự phối hợp giữa các bên liên quan trong BVMT còn chưa hiệu quả. Cho đến nay, chưa có trường hợp vi phạm pháp luật BVMT nào bị xử lý trách nhiệm hình sự…

Bước sang giai đoạn mới 2021 – 2030, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cho rằng, Chiến lược BVMT giai đoạn 2021-2030 cần xác định quan điểm môi trường là nền tảng cho phát triển kinh tế - xã hội. Chú ý tạo lập và phát triển “sân chơi“ cho các hoạt động BVMT, đó là thị trường cho các hàng hóa và dịch vụ BVMT. Nguồn lực tài chính cho BVMT cần được chú ý nhiều hơn, bao gồm cả từ phía Nhà nước và từ phía xã hội, trong đó nguồn ngoài nhà nước được định hướng trở thành nguồn chủ yếu. Đặc biệt, cần nghiên cứu, xem xét các vấn đề đột phá cho BVMT trong 10 năm tới.

Theo Đề cương Chiến lược BVMT quốc gia giai đoạn 2021 – 2030:

Mục tiêu đến năm 2030, ngăn chặn được xu hướng ô nhiễm, suy thoái môi trường, từng bước cải thiện chất lượng môi trường và giải quyết các vấn đề môi trường bức xúc.

Ngăn chặn sự suy giảm của đa dạng sinh học; nâng cao năng lực, từng bước chủ động thích ứng BĐKH, thúc đẩy nền kinh tế các-bon thấp, hướng tới đạt được các mục tiêu phát triển bền vững 2030 của đất nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tìm giải pháp đột phá bảo vệ môi trường trong thập niên tới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO