Tìm giải pháp “cứu” Quỹ tín dụng nhân dân Hậu Giang

04/10/2013 00:00

(TN&MT)- Phó Chủ tịch Thường Trực UBND tỉnh Hậu Giang Nguyễn Liên Khoa vừa chủ trì cuộc họp tìm giải pháp “cứu” Quỹ tín dụng nhân dân Hậu Giang...

   
(TN&MT)-  Mới đây, Phó Chủ tịch Thường Trực UBND tỉnh Hậu Giang, Nguyễn Liên Khoa đã chủ trì cuộc họp tìm giải pháp “cứu” Quỹ tín dụng nhân dân (TDND) Hậu Giang đang bên bờ vực vỡ nợ.
   
  Theo ông Trần Quốc Hà, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Hậu Giang: Quỹ tín dụng nhân dân Hậu Giang được thành lập năm 2008, với vốn điều lệ trên 14 tỷ đồng. Hiện nay, tổng dư nợ của Quỹ này trên 49 tỷ đồng, trong đó, dư nợ tiền gửi của nhân dân là 33 tỷ đồng với 318 hộ. Gần hai năm nay, Quỹ TDND Hậu Giang nằm trong diện kiểm soát đặc biệt của Ngân hàng Nhà nước, vì hoạt động không minh bạch, kém hiệu quả, bất cân đối, nợ xấu tăng cao. Nguyên nhân là do lãnh đạo Quỹ này cho vay lĩnh vực bất động sản bị đóng băng, nuôi cá tra thua lỗ… chưa thu hồi vốn được, dẫn đến mất khả năng chi trả tạm thời. Vì thế, mấy ngày qua, nhiều người dân đến đòi rút tiền gửi lại, thậm chí khoản nợ tiền lãi của nhiều hộ dân đã nhiều tháng qua, Quỹ này cũng không có khả năng chi trả.
   
Người dân tập trung trụ sở Quỹ tín dụng nhân dân Hậu Giang rút tiền nhưng phải ra về tay không.
Ảnh: KIẾN HÒA
    
   
  Vấn đề hiện nay là cần sớm có nguồn vốn để chi trả, nhằm củng cố lại niềm tin của nhân dân. Hiện Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam (tiền thân là Quỹ tín dụng Trung ương) đã đồng ý cho Quỹ TDND Hậu Giang vay 20 tỷ đồng để chi trả cho dân. Về chi trả sẽ có hai phương án: chi trả tiền lãi và vốn tiền giử đến kỳ hạn. Trường hợp người dân yêu cầu rút tiền gửi chưa đến kỳ hạn theo hợp đồng, chấp nhận bỏ lãi suất thì vẫn giải quyết. Tuy nhiên, theo ông Trần Quốc Hà, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Hậu Giang nếu khách hàng ồ ạt rút tiền thì dù ngân hàng lớn cũng không thể đủ khả năng chi trả. Trong khi Quỹ TDND Hậu Giang chỉ là mất khả năng chi trả tạm thời. Hơn nữa, hơn hai phần ba số khách hàng có số tiền giử dưới 50 triệu đồng trở xuống có mua bảo hiểm tiền giử, nên dù Quỹ này có vỡ nợ vẫn đảm bảo quyền lợi cho người dân (vì tổ chức bảo hiểm sẽ chi trả). Do đó, bà con cần bình tỉnh, không nên nóng vội, càng rút sẽ càng khó, gây thiệt hại cho cả các bên, mà nên cùng nhau vượt qua khó khăn này.
   
  Phó Chủ tịch Thường Trực UBND tỉnh Hậu Giang, Nguyễn Liên Khoa, chỉ đạo: Nhằm giảm áp lực lo lắng của người dân, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tại Hậu Giang cần tính toán kỹ phương án chi trả và sớm tổ chức chi trả cho dân trong ngày 4-10. Qua đó, cần giải thích cho người dân hiểu rõ tình hình hoạt động của Quỹ này. Đồng thời, cần tiếp tục giám sát và có biện pháp chấn chỉnh nhằm giúp cho Quỹ TDND Hậu Giang hoạt động hiệu quả hơn, củng cố lại niềm tin đối với người dân.
   
P.Dũng
   
   
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tìm giải pháp “cứu” Quỹ tín dụng nhân dân Hậu Giang
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO