Tiếp tục phát triển, đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư

Thúy Hằng| 10/12/2019 13:41

(TN&MT) - 60 năm qua, Ngành Đo đạc và Bản đồ Việt Nam đã có nhiều công trình, dự án đóng góp vào công cuộc phát triển đất nước nói chung và Ngành Tài nguyên và Môi trường nói riêng.

Để bạn đọc có cái nhìn toàn diện về chặng đường 60 năm, phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường đã phỏng vấn Tiến sỹ Hoàng Ngọc Lâm - Cục trưởng Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam. 

PV: Thưa Cục trưởng, ông cho biết những thành tựu nổi bật của Ngành Đo đạc và Bản đồ Việt Nam trong 60 qua?

Cục trưởng Hoàng Ngọc Lâm:

Trước hết, phải khẳng định, từ khi hình thành cơ quan bản đồ đầu tiên, Ngành Đo đạc và Bản đồ Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước giao, đáp ứng yêu cầu bảo vệ và phát triển đất nước.

Trong giai đoạn từ năm 1959 đến năm 1974, Ngành Đo đạc và Bản đồ đã sản xuất các tài liệu đo đạc - bản đồ cơ bản, trong đó, nổi bật là hoàn thành và chính thức công bố đưa vào sử dụng Hệ quy chiếu và Hệ toạ độ HN-72.

Từ năm 1974 - 1994, thành quả chủ yếu của Ngành là hoàn chỉnh hệ thống tọa độ, độ cao, trọng lực quốc gia thống nhất cả nước, hiện chỉnh và chuyển sang hệ tọa độ HN-72 cho hệ thống bản đồ địa hình UTM tỷ lệ 1/50.000 do quân đội Mỹ thành lập phủ trùm cả nước, đo vẽ bản đồ địa hình tỷ lệ 1/25.000 và 1/10.000 phủ trùm một số khu vực kinh tế quan trọng, thành lập các loại bản đồ chuyên ngành phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ đất nước. Hoàn thành bộ bản đồ địa giới hành chính theo Chỉ thị 364/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Tiến sỹ Hoàng Ngọc Lâm - Cục trưởng Cục Đo đạc bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam. Ảnh: Hoàng Minh

Giai đoạn 1994 - 2002, ngành đã xây dựng và ban hành hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật, quy phạm, định mức phục vụ quản lý Nhà nước đối với đo đạc và bản đồ địa chính. Xây dựng và trình Chính phủ đưa vào áp dụng hệ quy chiếu và hệ tọa độ Quốc gia VN-2000. Hoàn thiện hệ thống tọa độ, độ cao quốc gia; hoàn thành bộ bản đồ địa hình tỷ lệ 1/50.000 dọc biên giới Việt Nam - Lào, Việt Nam - Trung Quốc, phục vụ kịp thời việc ký kết Hiệp ước về biên giới giữa nước ta với Lào và Trung Quốc. Cũng trong giai đoạn này, lần đầu tiên Ngành đã hoàn thành và xuất bản Atlát quốc gia; ứng dụng thành lập bản đồ địa hình bằng công nghệ số; thực hiện việc đo vẽ bản đồ địa hình đáy biển khu vực ven bờ và Vịnh Bắc Bộ phục vụ phân định Vịnh Bắc Bộ giữa Việt Nam - Trung Quốc.

Từ năm 2002 - 2009, Ngành xây dựng và trình ban hành Nghị định số 12/NĐ-CP về hoạt động đo đạc và bản đồ phục vụ quản lý Nhà nước và tổ chức triển khai hoạt động đo đạc và bản đồ. Hoàn thành và công bố mạng lưới địa chính cơ sở và hệ thống bản đồ địa hình tỷ lệ 1/50.000 Hệ VN-2000 phủ trùm toàn quốc vào năm 2004. Tăng cường cơ sở hạ tầng thu nhận, xử lý dữ liệu; triển khai ứng dụng công nghệ mới đo đạc và bản đồ. Xây dựng và trình ban hành Chiến lược phát triển ngành Đo đạc và Bản đồ Việt Nam đến năm 2020.

Từ năm 2009 đến nay, Ngành đã hoàn thành nhiệm vụ chủ trì xây dựng và trình Luật Đo đạc và bản đồ được Quốc hội Việt Nam thông qua ngày 14/6/2018 và có hiệu lực từ ngày 1/1/2019. Hoàn thành 2 dự án quan trọng liên quan đến thành lập cơ sở dữ liệu nền thông tin địa lý tỷ lệ 1/10.000 gắn với mô hình số độ cao phủ trùm cả nước và cơ sở dữ liệu nền thông tin địa lý tỷ lệ 1/2.000, 1/5.000 các khu vực đô thị, khu công nghiệp, khu kinh tế trọng điểm phục vụ quy hoạch và phát triển kinh tế - xã hội; hoàn tất xây dựng hệ thống thông tin địa danh của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Cùng với đó, tiếp nhận và vận hành trạm thu ảnh vệ tinh do Chính phủ Pháp hỗ trợ năm 2009, chủ động thu nhận, cung cấp ảnh viễn thám phục vụ phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh. Hoàn thiện mạng lưới trọng lực quốc gia phục vụ cho đo đạc trọng lực chi tiết, phục vụ thăm dò, điều tra tìm kiếm khoáng sản. Chính xác hóa mô hình GEOID địa phương trên lãnh thổ Việt Nam góp phần thúc đẩy ứng dụng xác định độ cao bằng công nghệ định vị vệ tinh (GNSS). Tổ chức triển khai và cơ bản hoàn thành dự án xây dựng mô hình số độ chính xác cao khu vực ven biển phục vụ ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Xây dựng và đưa vào sử dụng mạng lưới trạm định vị vệ tinh quốc gia VNGEONET với số lượng 65 điểm trong giai đoạn đầu để làm khung tham chiếu cho hệ tọa độ động quốc gia, cung cấp dịch vụ xác định tọa độ, độ cao phủ kín toàn quốc. 

Hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu nền thông tin địa hình cơ bản phục vụ quy hoạch, phát triển kinh tế - xã hội và giám sát TN&MT Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào; tăng cường năng lực cho Cục Bản đồ Quốc gia Lào; tăng cường mối quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa hai nước Việt Nam Việt Nam và Lào.

Phối hợp với Bộ Ngoại giao và các Bộ, ngành, địa phương liên quan hoàn thành tốt nhiệm vụ phân giới cắm mốc các tuyến biên giới trên đất liền với các nước láng giềng Trung Quốc, Lào, Campuchia góp phần quan trọng vào xây dựng biên giới chung hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.

Những thành tựu trên đã được Nhà nước ghi nhận bằng các phần thưởng cao quý đối với ngành Đo đạc và Bản đồ Việt Nam.

PV: Trong giai đoạn tới, Ngành Đo đạc và Bản đồ Việt Nam tập trung vào những nhiệm vụ trọng yếu nào, thưa ông?

Cục trưởng Hoàng Ngọc Lâm:

Thời gian tới, để đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong bối cảnh Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Ngành Đo đạc và Bản đồ Việt Nam cần thực hiện tốt các nhiệm vụ sau:

Một là, nhanh chóng rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật lĩnh vực đo đạc và bản đồ, hoàn thiện thể chế; nâng cao hiệu lực, hiệu quả của văn bản quy phạm pháp luật trên cơ sở Luật Đo đạc và bản đồ và các văn bản pháp luật có liên quan.

Hai là, hoàn thiện và hiện đại hóa hạ tầng đo đạc cơ bản để thống nhất sử dụng chung trong toàn quốc. Tập trung hoàn thiện mạng lưới trạm định vị vệ tinh quốc gia phủ trùm toàn quốc và khai thác, sử dụng có hiệu quả trong các hoạt động của các Bộ, ngành, địa phương.

Ba là, xây dựng và hoàn thiện cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia, thành lập hệ thống bản đồ địa hình quốc gia đáp ứng yêu cầu công tác lập quy hoạch,  phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu. Triển khai xây dựng hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia  nhằm cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ phục vụ xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Bốn là, phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, UBND cấp tỉnh nơi có biên giới quốc gia tổ chức tốt đo đạc và bản đồ về biên giới quốc gia.

Năm là, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công tác quản lý, kỹ thuật và nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ trong hoạt động đo đạc và bản đồ.

PV: Để thực hiện thành công những nhiệm vụ của ngành, đáp ứng yêu cầu của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, theo ông, Ngành sẽ có những thuận lợi và khó khăn gì?

Cục trưởng Hoàng Ngọc Lâm:

Trong giai đoạn tới, nhiệm vụ của Ngành Đo đạc và Bản đồ Việt Nam nói chung, của Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam nói riêng hết sức nặng nề.

Chúng tôi có những thuận lợi cơ bản như: có hệ thống pháp luật đầy đủ, tính pháp lý cao; có sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo Bộ TN&MT, sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, đơn vị trong và ngoài Bộ; cán bộ, công chức, viên chức và người lao động có kiến thức, cần cù lao động, có tinh thần phấn đấu vì sự nghiệp phát triển của ngành.

Bên cạnh đó, Ngành cũng phải đối mặt với những thách thức, đó là: sự đầu tư của Nhà nước còn hạn chế, chưa kịp thời để thực hiện các nhiệm vụ trọng điểm, có tính cấp bách; một số Bộ, ngành, địa phương chưa thực sự quan tâm đến lĩnh vực đo đạc và bản đồ, chưa phát huy được hiệu quả các sản phẩm trong quản lý và các hoạt động có liên quan…

Do đó, để làm tốt các nhiệm vụ đặt ra cho Ngành Đo đạc và Bản đồ Việt Nam trong bối cảnh phát triển của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, ngoài sự nỗ lực, cố gắng không ngừng của đội ngũ những người làm đo đạc và bản đồ, chúng tôi mong tiếp tục nhận được sự quan tâm của Chính phủ, sự quan tâm và chỉ đạo của lãnh đạo Bộ TN&MT, sự ủng hộ và phối hợp chặt chẽ của các cơ quan có liên quan đối với Ngành và Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam.

PV: Trân trọng cảm ơn Cục trưởng!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tiếp tục phát triển, đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO