Tiếp tục đổi mới hoạt động Chi hội nhà báo Báo Tài nguyên và Môi trường

Tuyết Chinh - Hoàng Minh| 24/10/2019 11:22

(TN&MT) - Sáng 24/10, tại Hà Nội, Chi hội nhà báo Báo Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội nghị đánh giá 15 năm thực hiện chỉ thị 37-CT/TW về tiếp tục nâng cao vai trò, chất lượng hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam trong thời kỳ đổi mới.

Báo cáo tại Hội nghị, bà Lý Thị Hồng Điệp - Phó Tổng Biên tập Báo Tài nguyên và Môi trường cho biết, sau 15 năm thực hiện các nội dung mà Hội Nhà báo Việt Nam triển khai đến các Chi hội quán triệt Chỉ thị 37-CT/TW của Ban Bí thư, công tác hoạt động của Chi hội Nhà báo Báo Tài nguyên và Môi trường đã có những chuyển biến rõ rệt; góp phần khẳng định vai trò chỉ đạo công tác hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam đối với các chi hội. Qua thực tiễn, vị trí, vai trò của Chi hội cũng được đánh giá cao trong hoạt động của Báo Tài nguyên và Môi trường; phương thức hoạt động cũng được đổi mới, đa dạng, phong phú hơn và thu hút được nhiều hội viên hơn.

Ông Trịnh Xuân Quảng, Phó Vụ trưởng Vụ Thi đua - Khen thưởng và Tuyên truyền phát biểu tại Hội nghị

Trong đó, Chi hội đã tích cực phối hợp với các đơn vị trong Báo tạo mọi điều kiện để các hội viên hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ; bám sát chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước để thực hiện việc tuyên truyền theo đúng tôn chỉ, mục đích và pháp luật.

Với đặc thù hoạt động tuyên truyền trên tờ báo ngành, đến nay, các hội viên đã đóng góp nhiều tác phẩm báo chí chất lượng cao trên các ấn phẩm Báo TN&MT. Chi hội đã góp phần không nhỏ để Báo TN&MT làm tốt công tác tuyên truyền về các hoạt động lớn của ngành tài nguyên và môi trường, nhất là tiến trình sửa đổi Luật Đất đai, Luật Tài nguyên nước, Luật Bảo vệ môi trường, Khí tượng thủy văn... đi vào cuộc sống.

Bà Lý Thị Hồng Điệp - Phó Tổng Biên tập Báo Tài nguyên và Môi trường báo cáo tổng kết 15 năm thực hiện chỉ thị 37-CT/TW 

“Trên cơ sở nòng cốt của Chi hội nhà báo Báo Tài nguyên & Môi trường, Câu lạc bộ Người làm báo tài nguyên và môi trường đã được thành lập vào tháng 6/2015 với gần 200 hội viên là phóng viên, biên tập viên của nhiều cơ quan báo chí viết về lĩnh vực tài nguyên và môi trường”, bà Lý Thị Hồng Điệp nêu rõ.

Tuy nhiên, theo bà Điệp, chất lượng, hiệu quả của Chi hội còn một số hạn chế, chưa thực sự chú trọng đến công tác hội, nội dung sinh hoạt chưa đi vào chiều sâu, chưa thể hiện rõ vai trò chuyên môn của mình trong quá trình hoạt động nghiệp vụ.

Nhà báo Vũ Kim Liên, Trưởng Phòng Phóng viên, Báo TN&MT đặc biệt quan tâm nâng cao phẩm chất, năng lực đạo đức người làm báo 

Trước tình hình đó, để tiếp tục thực hiện Chỉ thị 37-CT/TW, Chi hội nhà báo Báo Tài nguyên & Môi trường xác định nhiệm vụ trọng tâm là tham mưu, tư vấn cho Ban Biên tập nâng cao hơn nữa chất lượng nghiệp vụ của đội ngũ phóng viên, biên tập viên nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới nội dung và hình thức các ấn phẩm của báo.

Cùng với đó, Chi hội sẽ tập trung nâng cao nhận thức chính trị, trách nhiệm xã hội và đạo đức nghề nghiệp cho hội viên; tiếp tục xây dựng Chi hội vững mạnh, là chỗ dựa tinh thần, nơi rèn luyện nhân cách đạo đức hội viên Hội Nhà báo Việt Nam. Tập trung quán triệt, thực hiện các chỉ thị, nghị quyết, pháp luật, quy định đối với người làm báo và nghề báo một cách có trách nhiệm, đạt chất lượng và hiệu quả hơn.

Nhà báo Bùi Thị Nhật Tân, Hội viên Chi hội Nhà báo TN&MT cho rằng, cần cập nhật các xu hướng báo chí hiện đại cho hội viên

Để thực hiện những mục tiêu trên, nhà báo Vũ Kim Liên, Trưởng Phòng Phóng viên, Báo TN&MT cho rằng, việc nâng cao phẩm chất, năng lực đạo đức người làm báo; đặc biệt đối với đội ngũ hội viên Chi hội nhà báo Báo TN&MT tại các văn phòng đại diện, văn phòng thường trú vẫn là mối quan tâm, lo lắng hàng đầu.

Theo nhà báo Vũ Kim Liên, điều cần quan tâm đầu tiên là thường xuyên rèn luyện, bồi dưỡng phẩm chất chính trị và đạo đức người làm báo cách mạng cho đội ngũ phóng viên thường trú. Cần “lượng hóa” những nội dung học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh bằng những việc làm, tiêu chí cụ thể; thường xuyên giám sát, ban hành, điều chỉnh các quy chế, quy định phù hợp, tạo mọi điều kiện cho phóng viên nói chung, phóng viên thường trú nói riêng có điều kiện tốt để công tác, khai thác hiệu quả thông tin.

“Để nâng cao phẩm chất, đạo đức người làm báo thì sự giám sát, phản hồi từ cơ sở, các cơ quan quản lý nhà nước tiếp xúc với báo chí cũng là kênh thông tin quan trọng để đội ngũ người làm báo nắm bắt, điều chỉnh hành vi phù hợp, hợp tác đối thoại thông tin chủ động, minh bạch”, nhà báo Vũ Kim Liên nhấn mạnh.

Toàn cảnh Hội nghị

Liên quan đến vấn đề trau dồi nghiệp vụ, đặc biệt là cập nhật các xu hướng báo chí hiện đại cho hội viên, nhà báo Bùi Thị Nhật Tân, Hội viên Chi hội Nhà báo TN&MT kiến nghị, Hội Nhà báo và các Chi hội chú trọng đào tạo để phóng viên của mình nắm bắt được các kỹ năng của tất cả các loại hình báo chí. Phóng viên cũng cần được đào tạo cách làm báo hiện đại như phương pháp làm báo trên nền thiết bị mới (máy tính bảng, điện thoại thông minh...).

Phát biểu tại Hội nghị, ông Trịnh Xuân Quảng, Phó Vụ trưởng Vụ Thi đua - Khen thưởng và Tuyên truyền khẳng định, nghề làm báo là một nghề khá đặc thù, tư cách đạo đức nghề nghiệp người làm báo giữ vai trò hết sức quan trọng. Các phóng viên, biên tập viên phải làm sao giữ vững đạo đức nghề nghiệp, đưa thông tin kịp thời, chính xác và minh bạch. Chi hội cũng nên quan tâm đến công tác dân vận, tuyên truyền, khen thưởng; có chính sách khen thưởng phù hợp để khích lệ, khen thưởng kịp thời các phóng viên, nhà báo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tiếp tục đổi mới hoạt động Chi hội nhà báo Báo Tài nguyên và Môi trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO