Trước đó ngày 27/2, Báo Điện tử Tài nguyên và Môi trường đăng tải bài viết: “Quảng Trị: Nghi vấn mở đường qua rừng đặc dụng để vận chuyển gỗ?”, phán ánh về việc cá nhân trúng thầu dự án thanh lý rừng JBIC ngang nhiên mở đường đi qua rừng đặc dụng và Khu bảo tồn thiên nhiên ĐaKrông để vận chuyển gỗ. Không chỉ vậy người dân địa phương còn cho rằng việc đánh giá giá trị rừng không đúng với thực tế, mập mờ trong quá trình đấu giá.
Người dân cho rừng việc đánh giá, thẩm định giá trị rừng của gói thầu thấp hơn nhiều so với khối lượng gỗ trong rừng JBIC. |
Rừng trồng Dự án JBIC được thực hiện vào năm 2003, 2005, mục đích ban đầu là trồng rừng phòng hộ đầu nguồn lưu vực sông Thạch Hãn tại xã Ba Lòng (thuộc các tiểu khu 827, 833B; gồm 105 lô; tổng diện tích 310,8 ha) và xã Hải Phúc (thuộc các tiểu khu 847, NTK; gồm 55 lô; tổng diện tích 197,3 ha), huyện ĐaKrông.
Năm 2007, thực hiện việc rà soát, chuyển đổi ba loại rừng, toàn bộ diện tích rừng trồng JIBIC trên địa bàn 02 xã Ba Lòng và Hải Phúc thuộc đối tượng rừng phòng hộ chuyển sang rừng trồng sản xuất theo Quyết định số 855/QĐ-UBND ngày 27 tháng 04 năm 2007 của UBND tỉnh Quảng Trị về việc Phê duyệt kết quả rà soát, quy hoạch 3 loại rừng tỉnh Quảng Trị. Năm 2008, Ủy ban nhân dân tỉnh đã bàn giao cho UBND các xã Ba Lòng và Hải Phúc tất cả các diện tích rừng trồng JIBIC trên địa bàn để quản lý.
Diện tích rừng thanh lý tại xã Ba Lòng và Hải Phúc chỉ một cá nhân trúng thầu. |
Ngày 20/4/2018 UBND huyện Đakrông có Tờ trình số 41/TTr-UBND gửi UBND tỉnh Quảng Trị, Sở NNPTNT về việc xin chủ trương thanh lý rừng trồng JBIC. Ngày 28/5/2018, UBND tỉnh Quảng Trị có Công văn số 2118/UBND-NN, Đồng ý để UBND xã Hải Phúc và Ba Lòng lập hồ sơ thiết kế khai thác thanh lý rừng trồng dự án JBIC. Sở Nông nghiệp và PTNT thẩm định (Báo cáo số 396/BC-SNN ngày 25/12/2018) và UBND tỉnh Quảng Trị nhất trí (Văn bản số 5985/UBND-NN ngày 28/12/2018).
Khối lượng kiểm tra, khảo sát thanh lý rừng JBIC được xác định tại Xã Ba Lòng là 116,9 ha/310,8 ha, tổng trữ lượng 10.993,5 m3, tổng sản lượng: 9.344,6 m3 (gỗ: 7.695,5 m3, củi: 1.649,1 m3). Tại xã Hải Phúc diện tích rừng có trữ lượng gỗ khai thác: 99,4 ha/ha197,3 ha, tổng trữ lượng: 8.254,8 m3; tổng sản lượng: 7.016,6 m3 (gỗ: 5.778,4 m3, củi: 1.238,2 m3).
Mở đường lớn qua rừng đặc dụng. |
Việc đấu giá thanh lý diện tích rừng trồng JBIC được hoàn thành vào tháng 12/2019. Tuy nhiên, điều khiến dư luận bất ngờ về việc đấu giá diện tích rừng tại 2 địa phương này chỉ có một cá nhân trúng thầu. Giá trúng gói thầu không cao hơn bao nhiêu so với giá khởi điểm: tại xã Ba Lòng diện tích rừng có trữ lượng gỗ là 116,9 ha, giá khởi điểm hơn 2,2 tỷ đồng đấu, giá trúng thầu hơn 2,4 tỷ đồng; còn tại xã Hải Phúc diện tích rừng có trữ lượng gỗ khai thác thấp chỉ 99,4 ha, giá khởi điểm 2,2 tỷ đồng nhưng giá trúng thầu cũng chỉ hơn 2,4 tỷ đồng. Người dân cho rằng việc đấu giá thấp gây thất ngân sách nhà nước và không đúng với thực tế.
Trao đổi với PV về vấn đề này, bà Nguyễn Hồng Phương – Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị, cho biết: "Vấn đề báo nêu chị cũng chưa biết, không thấy anh em báo cáo về sự việc này. Thứ nhất việc rừng ở Ba Lòng, Hải Phúc trước đây anh Hòe (ông Hồ Xuân Hòe – Giám đốc Sở NNPTNT Quảng Trị- PV) đã có chỉ đạo xử lý rồi, trước đây khi UBND tỉnh, Tỉnh ủy yêu cầu giải trình về sự việc khi có thông tin phản ánh, cũng thành lập đoàn liên ngành có các sở, ban, ngành kiểm tra tình hình".
"Còn bây giờ chị sẽ tổ chức thành lập đoàn, ra soát lại, các vấn đề về thực trạng sẽ thông tin phản hồi lại cho báo. Sẽ giao cho Chi cục kiểm lâm thành lập đoàn rà soát, kiểm tra lại tất cả, kể cả đường tuần tra qua rừng đặc dụng mà báo nêu tại Khu bảo tồn thiên ĐaKrông. Thứ hai nữa là sẽ tổ chức kiểm tra, thẩm tra lại phương án khai thác theo như hồ sơ ban đầu, nếu ban đầu qua sông chi phí khác nhưng vận chuyển bằng đường bộ thì chi phí nó sẽ khác hơn nhiều. Vận chuyển qua sông nó cao nên dẫn đến giá trị thanh lý sẽ giảm xuống, cái này sẽ cho bộ phận chuyên môn kiểm tra lại. Chị sẽ cho tổ chức kiểm tra ngay và trả lời báo sau hai ngày", bà Nguyễn Hồng Phương cho biết thêm.
Báo Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục thông tin về sự việc này!