Cụ thể, ngày 01/11/2022, ông Phạm Hồng Sơn, Phó chủ tịch UBND huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An đã ký Quyết định số 5340/QĐ-UBND về việc xử phạt vi phạm hành chính. Đơn vị bị xử phạt là Công ty Cổ phần Khoáng sản Đông Á (địa chỉ tại Biệt thự 106, Khu biệt thự Phú Thọ, xã Nghi Phú, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An). Công ty này là doanh nghiệp hiện đang khai thác đá trắng tại mỏ đồi Con Trâu, thuộc xã Tân Xuân, huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An.
Theo đó, Công ty Cổ phần Khoáng sản Đông Á bị UBND huyện Tân Kỳ xử phạt hành chính vì 4 hành vi vi phạm. Cụ thể như sau:
Hành vi thứ nhất là lấn 10.800 m2 đất đồi núi chưa sử dụng tại khu vực nông thôn (Công ty sử dụng đất tại 02 khu vực: Khu vực 1 diện tích 7.800 m2, khu vực 2 diện tích 3.000 m2 thuộc địa bàn xã Tân Xuân, huyện Tân Kỳ để phục vụ mục đích hoạt động khoáng sản như làm đường, làm bãi tập kết sản phẩm, bãi thải khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho thuê đất). Thời điểm vi phạm là từ tháng 11 năm 2021. Vi phạm quy định tại Điểm đ Khoản 1 Điều 14 Nghị định số 91/2019/NĐ-CP ngày 19/11/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai. Hành vi này bị mức phạt 100 triệu đồng và buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp do hành vi vi phạm gây ra là 72 triệu đồng.
Hành vi thứ 2 là chiếm 2.560 m2 đất đồi núi cha sử dụng tại khu vực nông thôn (Công ty sử dụng 2.560 m2 thuộc địa bàn xã Tân Xuân, huyện Tân Kỳ để làm Văn phòng mỏ, nhà ở cán bộ, công nhân của Công ty nhưng chưa được nhà nước cho thuê đất). Thời điểm vi phạm từ tháng 6 năm 2020. Vi phạm quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 14 Nghị định số 91/2019/NĐ-CP ngày 19/11/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai. Hành vi này bị xử phạt 20 triệu đồng và buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp do hành vi vi phạm gây ra là 34,133 triệu đồng.
Hành vi thứ 3 là lập không đầy đủ sổ sách, chứng từ, văn bản, tài liệu có liên quan để xác định sản lượng khai thác thực tế hàng năm. Vi phạm quy định tại Điểm d Khoản 4 Điều 40 Nghị định 36/2020/NĐ-CP ngày 24/3/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản, được sửa đổi, bổ sung tại Điểm c, Khoản 17 Điều 2 Nghị định số 04 /2022/NĐ-CP ngày 06/01/2022 của Chính phủ sửa đổi bổ sung một số điều về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai; tài nguyên nước và khoáng sản. Hành vi này bị xử phạt với số tiền 80 triệu đồng.
Hành vi thứ 4 là không lắp đặt trạm cân nơi vận chuyển khoáng sản ra khỏi mỏ để theo dõi, lưu trữ thông tin liên quan đến khai thác khoáng sản bằng phương pháp lộ thiên. Vi phạm quy định tại Điểm d, Khoản 2 Điều 40 Nghị định 36/2020/NĐ-CP ngày 24/3/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản, được sửa đổi, bổ sung tại Điểm a, Khoản 17 Điều 2 Nghị định số 04 /2022/NĐ-CP ngày 06/01/2022 của Chính phủ sửa đổi bổ sung một số điều về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai; tài nguyên nước và khoáng sản. Hành vi này bị xử phạt với số tiền 80 triệu đồng.
Như vậy, với 4 hành vi vi phạm hành chính nêu trên, Công ty Cổ phần Khoáng sản Đông Á do ông Hoàng Trọng Diên làm Tổng giám đốc đã bị xử phạt với tổng số tiền lên đến 386.133.000 đồng (Ba trăm tám mươi sáu triệu, một trăm ba mươi ba nghìn đồng).
Liên quan đến mỏ đá đồi Con Trâu tại xã Tân Xuân, huyện Tân Kỳ. Báo Tài nguyên và Môi trường vừa có bài "Khốn khổ sống cạnh mỏ đá đồi Con Trâu". Nội dung bài báo phản ánh, tại mỏ đá đồi Con Trâu có đến 2 doanh nghiệp là Công ty CP Nam Trung Nghệ An (có địa chỉ tại xã Nghĩa Mỹ, TX. Thái Hoà, tỉnh Nghệ An) và Công ty Cổ phần Khoáng sản Đông Á (địa chỉ tại Biệt thự 106, Khu biệt thự Phú Thọ, xã Nghi Phú, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An) được cấp phép khai thác khoáng sản từ nhiều năm nay.
Trong quá trình khai thác, các doanh nghiệp này đã làm cho cuộc sống của người dân ở các xóm Đồng Nang (xã Hạ Sơn, huyện Quỳ Hợp) và xóm Xuân Yên (xã Tân Xuân, huyện Tân Kỳ) bị ảnh hưởng.
Cụ thể, người dân xóm Đồng Nang phản ánh hiện tượng rung lắc, thậm chí nứt nẻ nhà của do quá trình nổ mìn với khối lượng lớn để khai thác đá từ mỏ đá đồi Con Trâu. Còn người dân xóm Xuân Yên thì phản ánh quá trình khai thác đá tại đồi Con Trâu các chủ doanh nghiệp đã lấn ra ngoài khu vực đất mỏ, đất thuê. Ngoài ra quá trình khai thác đất đá còn tràn xuống gây ảnh hưởng đến cây keo người dân tồng. Mặt khác, đất đá thải còn tràn xuống các khe suối, đồng ruộng những lúc trời mưa lụt gây bồi lấp, ô nhiễm môi trường khiến người dân bức xúc.
Liên quan đến mỏ đá đồi Con Trâu nói trên, ngày 01/3/2011 Bộ trưởng Bộ Công thương đã ban hành Quyết định số 0908/QĐ-BCT bổ sung Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng nhóm khoáng chất nguyên liệu đá vôi trắng (đá hoa), felspat, cao lanh và magnezit Việt Nam đến năm 2015, có xét đến năm 2025.
Theo đó, bổ sung điểm mỏ đá vôi trắng tại khu vực đồi Con Trâu, xã Tân Xuân, huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An có diện tích 8,69 ha vào Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng nhóm khoáng chất nguyên liệu đá vôi trắng (đá hoa), felspat, cao lanh và magnezit Việt Nam đến năm 2015, có xét đến năm 2025.
Năm 2014, theo quyết định 1939/TTg-TKN của Thủ tướng Chính phủ, Công ty CP Nam Trung Nghệ An được cấp phép khai thác đá vôi trắng tại mỏ đá đồi Con Trâu với tổng diện tích trên 3,6 hecta; thời gian khai thác là 25 năm.
Vào tháng 5/2014, Chính phủ cũng đã có chủ trương cấp phép hoạt động khai thác khoáng sản đá hoa trắng ở khu vực đồi Con Trâu cho Công ty Cổ phần Khoáng sản Đông Á.
Mỏ đá đồi Con Trâu được biết đến như một trong những mỏ đá có trữ lượng lớn, chất lượng ổn định nhất khu vực, được nhiều chuyên gia nước ngoài đánh giá cao. Tuy nhiên, trong quá trình khai thác mỏ thì doanh nghiệp đã gây ra nhiều hệ luỵ cũng như để tồn tại nhiều vi phạm, bất cập là điều khó có thể chấp nhận được.
Báo TN&MT sẽ tiếp tục thông tin.