Tiếp bài “Huyện chây ì trả nợ, nhà thầu bức xúc”: Chủ đầu tư có vô trách nhiệm?

Đình Tiệp| 10/05/2021 10:41

(TN&MT) - Nhà thầu chưa được thanh toán hàng tỷ đồng tiền công nợ khối lượng hoàn thành đã nghiệm thu và tiền chủ đầu tư tạm ứng của nhà thầu để chi trả công tác giải phóng mặt bằng…suốt gần 10 năm nay. Tuy nhiên, lãnh đạo huyện này lại tỏ thái độ vô trách nhiệm khi muốn “nhà thầu phải tự thân vận động”…

Nhà thầu “gõ cửa” khắp nơi

Trong nhiều năm qua, nhà thầu thi công công trình đường giao thông cứu hộ, cứu nạn Hồng Sơn, huyện Đô Lương, Nghệ An đã phải gõ cửa nhiều nơi mong sớm được giải ngân nguồn vốn để tiếp tục thi công các hạng mục còn lại của dự án nhưng với thái độ tắc trách, thờ ơ của cơ quan có thẩm quyền khiến dự án đến nay vẫn còn dang kéo dài gần 10 năm qua.

Công trình đường giao thông cứu hộ, cứu nạn Hồng Sơn, huyện Đô Lương, Nghệ An

Như Báo Tài nguyên và Môi trường đã phản ánh ở bài trước, công trình đường giao thông cứu hộ, cứu nạn Hồng Sơn do UBND huyện Đô Lương làm chủ đầu tư, được triển khai thi công từ năm 2011, có tổng chiều dài 4,421km (chưa kể các hạng mục cầu, cống…), tổng nguồn vốn đầu tư hơn 43 tỷ đồng.

Đây được xem là tuyến đường giao thông cấp bách để giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra cho người dân địa phương mỗi khi mùa mưa bão đến. Vì vậy, các công đoạn, thời gian thi công cũng được đốc thúc triển khai ngay sau khi hợp đồng ký kết giữa chủ đầu tư và nhà thầu có hiệu lực.

Theo hợp đồng ký kết giữa Liên danh công ty CP đầu tư hợp tác kinh tế Việt Lào - Công ty CP Công nghiệp và xây dựng Miền Bắc (nay là Công ty Cổ phần VILACONIC) với Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Đô Lương thì tiến độ thực hiện dự án nói trên là 18 tháng.

Tuy nhiên, trong quá trình thi công, mặc dù công việc triển khai xây dựng các hạng mục như hoàn thành nền đường của 03/04 tuyến, 03 cầu chính và một số cống thoát nước đã vượt quá khối lượng nhưng nguồn vốn giải ngân thì vẫn “bặt vô âm tín”.  

Ông Nguyễn Hữu Duyên – Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần VILACONIC cho biết, dự án nói trên được đơn vị thi công hoàn thành cơ bản 72% giá trị khối lượng công trình nhưng nhà thầu chỉ được thanh toán hơn 25/43 tỷ đồng (khoảng 58%).

Cụ thể là, nhà thầu đã triển khai xây dựng được khối lượng theo giá trị hợp đồng ước tính hơn 31 tỷ đồng nhưng mới chỉ được giải ngân 25.730.000.000 đồng.

Chưa kể, gần 600 triệu mà UBND huyện Đô Lương đã xin ứng của nhà thầu thi công từ năm 2012 để chi trả tiền giải phóng mặt bằng nhưng đến nay vẫn chưa trả.

Giấy đề nghị tạm ứng tiền GPMB của chủ đầu tư với nhà thầu

Mặt khác, với số tiền gần 7 tỷ đồng đáng ra nhà thầu thi công phải được giải ngân do thi công hoàn thành vượt quá khối lượng nhưng đến nay chủ đầu tư vẫn chưa có động thái gì thêm.

Ông Bùi Đăng Thu – Chủ tịch UBND xã Hồng Sơn cho biết, trong suốt quá trình thi công, nhà thầu đã cố gắng hoàn thành, đảm bảo chất lượng tiến độ công trình đường cứu hộ, cứu nạn trên địa bàn.

Công trình cũng có ý nghĩa rất quan trọng đối với địa phương trong việc giảm thiểu tối đa rủi ro về con người, phá thế cô lập mỗi khi mùa mưa lũ đến. Từ ngày nhà thầu thi công con đường này, việc đi lại của người dân thuận tiện hơn rất nhiều.

Vậy nhưng, do nguồn vốn giải ngân không được kịp thời nên các hạng mục như thảm nhựa chưa được triển khai. Chúng tôi đề nghị được các cấp có thẩm quyền sớm quan tâm, bố trí nguồn vốn để tuyến đường giao thông cứu hộ, cứu nạn được hoàn thành như mong đợi của bao thế hệ người dân địa phương.

Chủ đầu tư thờ ơ, vô trách nhiệm?

Theo ông Hoàng Văn Hiệp - Chủ tịch UBND huyện Đô Lương – đại diện cho đơn vị chủ đầu tư dự án xây dựng đường giao thông cứu hộ, cứu nạn xã Hồng Sơn được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt từ năm 2011 thì việc tìm nguồn vốn để giải ngân phải do doanh nghiệp (nhà thầu) tự đi tìm.

Giấy chuyển tiền của nhà thầu cho chủ đàu tư "vay" để GPMB

Nghĩa là, theo cách hiểu thông thường thì nhà thầu các công trình xây dựng sử dụng nguồn vốn ngân sách đều phải “tự bơi”, “tự thân vậ động” chứ chủ đầu tư (huyện Đô Lương) không thể lo thay được?!.

Với cách trả lời của vị chủ tịch huyện này khi làm việc với các phóng viên báo chí xung quanh câu chuyện vì sao một dự án công trình giao thông mang tính cấp bách, cứu hộ, cứu nạn nhưng bị rơi vào dang dở do nhà thầu không được bố trí nguồn vốn giải ngân số tiền thanh toán vượt quá khối lượng hoàn thành gần 10 năm khiến dư luận không khỏi bất ngờ.

Bởi tại sao cả một công trình mang tính cấp thiết như vậy mà chủ đầu tư lại đá quả bóng trách nhiệm về phía nhà thầu thi công là phải tự đi tìm nguồn vốn?

Công trình dự án đường vượt lũ, cứu nạn, cứu hộ nêu trên có ý nghĩa lịch sử đối với địa phương và đã được ghi nhận trong sách "Lịch sử Đảng bộ và Nhân dân xã Hồng Sơn 1930 - 2013"

Trong khi đó, đại diện phía nhà thầu thi công lại cho rằng, suốt gần 10 năm qua, họ đã phải “gõ cửa” nhiều cơ quan có thẩm quyền từ huyện đến tỉnh nhưng chỉ nhận về mình là thái độ thờ ơ, vô trách nhiệm. Chính vì vậy, câu chuyện đi “đòi tiền” chủ đầu tư để được tiếp tục thi công, hoàn thiện tuyến đường giao thông cứu hộ, cứu nạn xã Hồng Sơn cứ luẩn quẩn mà không nhận được kết quả như mong đợi.

“Từ năm 2015 đến nay, khi khối lượng công trình đơn vị chúng tôi đã hoàn thành cơ bản 72% giá trị khối lượng hoàn thành (tương đương với hơn 31 tỷ đồng) nhưng nhà thầu chỉ được thanh toán hơn 25/43 tỷ đồng theo cách nhỏ giọt.

Còn lãi số tiền hơn 6 tỷ đồng từ đó đến nay chúng tôi không được thanh toán hết khiến nhà thầu thi công không thể có vốn để duy trì phương tiện, vật liệu, nhân lực tái khởi động để hoàn thiện công trình.

Với từng đó số tiền (hơn 6 tỷ đồng) mà chủ đầu tư (UBND huyện Đô Lương) đang nợ nhà thầu từ năm 2015 đến nay, chúng tôi phải chịu lãi suất thuần (gần 10%/năm) vay ngân hàng đã lên tới hàng tỷ đồng rồi. Lãi mẹ đẻ lãi con do ngân sách nhà nước nợ doanh nghiệp, ai chịu trách nhiệm đây trong bối cảnh dịch bệnh do COVID -19 đang hoành hành hiện nay? ” – ông Nguyễn Hữu Duyên, Phó Tổng giám đốc Cty CP VILACONIC bức xúc.

Cũng theo đại diện của nhà thầu thi công thì ngoài số tiền nợ khối lượng hoàn thành công trình thì từ năm 2012, ông Võ Văn Ngọc – Phó Chủ tịch UBND huyện Đô Lương kiêm Chủ tịch Hội đồng GPMB (nay ông Võ Văn Ngọc đã chuyển công tác, giữ chức Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Nghệ An) ký văn bản xin tạm ứng 02 lần với số tiền gần 600 triệu đồng nhưng đến nay qua mấy nhiệm kỳ vẫn chưa thanh toán.

Tuy nhiên con đường hiện còn dang dở do nguyên nhân chủ đầu tư "nợ dai như đỉa"

Được biết, trước thực trạng này, UBND huyện Đô Lương đã có văn bản mời đại diện đơn vị thi công đến trực tiếp làm việc và có đưa ra phương án sẽ chuyển phần khối lượng còn lại của công trình vào chương trình bê tông hóa xây dựng nông thôn mới xã Hồng Sơn trong năm 2021 này.

Tuy nhiên, thời hạn nào UBND tỉnh Nghệ An và các cơ quan có thẩm quyền sẽ thanh toán tiền nợ cho nhà thầu thi công vẫn chưa có văn bản trả lời chính thức.

Đặc biệt, có hay không câu chuyện về việc “quả bóng” trách nhiệm tìm nguồn vốn giải ngân công trình đầu tư công là trách nhiệm của nhà thầu như lời của ông Hoàng Văn Hiệp – Chủ tịch UBND huyện Đô Lương đang khiến dư luận, người dân bức xúc?.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tiếp bài “Huyện chây ì trả nợ, nhà thầu bức xúc”: Chủ đầu tư có vô trách nhiệm?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO