Tiếng còi tàu đêm Ba mươi

Hồ Huy| 22/01/2023 01:16

(TN&MT) - Xứ lạ. Đêm Ba mươi. Đêm cuối năm. Đêm chập choạng trong ánh đèn sân ga.

Đêm trốn tìm trong tiếng còi tàu mê mải. Đêm hành khất hơi ấm quê hương. Ôi thương ôi nhớ. Có nhớ thương nào hơn đêm Ba mươi?
Ấy là một đêm Hua Lamphong. Hua Lamphong hay còn gọi là Bangkok Train Station (Trạm xe lửa Bangkok), là đầu mối giao thông đi lên phía Bắc, sang phía Đông, Đông Bắc và xuống phía Nam Thái Lan. Lối kiến trúc mái vòm, giao thoa giữa văn hóa người Ý và văn hóa Phục Hưng, thật là một nơi lý tưởng cho những tâm hồn ưa hoài cổ...

aasfsa.jpg

Tết lần đầu xa nhà, Tết lần đầu xa quê, Tết đầu tiên xa đất mẹ, những khói nhang trầm mặc đâu đó đã bay lên trong tâm tưởng từ độ Ông Táo chầu trời. Đêm Ba mươi nay càng thêm mê man nhớ mùi khói nhang. Có lẽ, muốn biết trái tim một người đàn ông sắt đá đến đâu thì hãy đặt họ vào trong một đêm Ba mươi nơi chân trời góc bể.
Trước khi dừng chân ở Bangkok Train Station, tôi đã len lỏi qua một khu chợ. Chỉ biết đi và cứ đi, làm sao đó để đôi chân không cảm giác đói đất, con mắt không cảm giác đói nước và đôi bàn tay không còn cảm giác đói đôi bàn tay. Nhưng lòng vòng mãi ở khu chợ, tôi mới hiểu mình không phải đến đây để mua vài thứ đồ ăn vặt như những ngày thường. Tôi chỉ kịp nhận ra mình đang thèm nghe tiếng Việt khi người chủ cửa hàng mời vọng: “Bánh chưng mới luộc nè mấy chú”. Người đàn bà mà tôi thấy khách mua hay gọi là “chị Bé” nhỏn nhẻn nụ cười làm cho Samsen - khu chợ người Việt trên đất Thái bỗng trở nên gần gụi như mấy cặp bánh chưng còn đang ủ khói.
Đêm không đói, đêm chỉ nhớ nhà, đêm đã ậm òa ở đâu đây hồn sông thế núi. Đêm thèm nghe một tiếng thở sâu của mẹ. Nào hành nào hẹ, nào bẹ dưa chua, nào nồi nước lá mùi già, nào bóng cha trong bụi mưa sau ngõ...
Từ những cầu tàu bến cảng, anh công nhân đã lên ca từ lâu, từ những nẻo đường vắt qua Samsen khu chợ, từ những ô cửa kính màu đen mái vòm Hua Lamphong… mà tôi cứ ngỡ, mình sắp lên chuyến tàu về quê hương.
Cuộc đời hữu duyên đã mang tôi gắn liền vào những chuyến tàu. Những tiếng còi tàu luôn là thanh âm khắc khoải, buồn có, vui có, mơ hồ cũng có. Nhưng bạn phải chờ đến đêm Ba mươi mới hiểu được còi tàu là thứ âm thanh khiến lòng dạ con người ta run rẩy thế nào.
Xưa nay, người ta vẫn mặc định âm thanh của còi tàu từ những chuyến tàu đang suỳnh suỵch trên đường ray kia là tín hiệu của âm thanh tiễn biệt, sến sẩm và ủy mị. Nhưng ở vào chiều kích không gian khác, ở vào nỗi hình dung khác, những hồi còi tàu kia lại như đang nồng nhiệt no nê hối thúc: “Nhanh đi! Lên tàu đi!”. Chao ôi là khát vọng trở về.
Lòng tự dưng nhớ, cũng một đêm cuối năm, từ ga Diêu Trì, một trong những ga lớn khá nổi tiếng thuộc Bình Định, tôi xuyên qua vô số sắc màu để về ga cuối là Nam Định. Con đường thì dài, đoàn tàu thì dài mà thời gian cứ lao đi vùn vụt. Qua ô cửa là màu đêm, qua ô cửa là nụ nắng, qua ô cửa là dáng hình non sông xứ sở, phía trước con tàu là hai tiếng quê hương...
Người ta xa lạ, người ta khác quê, người ta trẻ - già, người ta lớn - bé, đều hỏi thăm nhau bằng những nụ cười. Vui mắt nhất là tré - hẳn là tré cũng lên tàu từ ga Diêu Trì. Tré là món ăn được chế biến từ hỗn hợp thịt đầu heo, tai heo, riềng, ớt, tỏi, mè, muối, thính… sau đó gói trong lá ổi, bọc quanh lá chuối và được bao bọc bằng một lớp rơm dày, nhìn từa tựa, nhìn ngồ ngộ như những cái cán chổi rơm quê mùa. Người ở xa từ Quy Nhơn trở về ai ai cũng lắc lẻo mang theo những bó tré vàng rơm rạ để ăn chơi chơi ngày Tết.
Ngồi nhìn những bó tré đung đưa, lắc lư theo thân tàu, tôi lại chạnh lòng nhớ một Quy Nhơn đã ở phía sau. Những hồi còi tàu dài ngân lên, lòng rung lên, nhớ người Thị Nại, nhớ người Eo Gió, nhớ dốc Mộng Cầm... Hướng về phía bỏ lại sau lưng sao thấy tiếng còi tàu trôi nhanh, những toa tàu đi nhanh. Hướng về phía trước đang đợi mong trở về, sao thấy tiếng còi tàu đi chậm, những toa tàu đi chậm, dọc ngang ngang dọc xốn xáo chỉ bởi hai tiếng đi hay về, chia tay hay đoàn tụ mà thôi.
Đứng trên sân ga của “nhà người ta”, nhiệt độ mùa Đông ở Bangkok chẳng khác mấy mùa hè miền Bắc Việt Nam mà lòng tôi hun hút gió lùa. Những dải thanh âm của đoàn tàu khắc khoải tần số nhớ thương chờ đợi.
Về thôi. Về với quê hương. Nhắm mắt lại và mường tượng. Con tàu lao đi, hồi còi lao đi, quê nhà đêm Ba mươi gần lại. Tôi như thấy mình đang ở trên những toa tàu đêm Ba mươi về xứ sở. Thêm một sân ga, thêm hai sân ga, thêm ba sân ga... Thêm nhiều bó tré, thêm nhiều bông mai, thêm nhiều hoa đào, thêm nhiều mắt biếc môi tươi...
Xuân đã đến đấy ư? Tết đã kề đấy ư? Người đã về đấy ư? Và những tiếng còi tàu đã cười đấy ư? Sao tiếng còi tàu đêm Ba mươi như là tiếng gọi về của mẹ?.q

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tiếng còi tàu đêm Ba mươi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO