Dựng Trạm BTS sát đường cứu hộ "độc đạo"
Trong đơn thư gửi báo Tài nguyên và Môi trường, 102 hộ dân ở xóm 15, thôn Thủy Hưng, xã Đông Hưng (huyện Tiên Lãng, TP. Hải Phòng) lo lắng trình bày: Ngày 1/7/2015, Chi nhánh Vitetel TP. Hải Phòng khởi công xây dựng Trạm BTS, với cột ăng ten dây, cao 42,2m, tại thôn Thủy Hưng, xã Đông Hưng. Địa điểm đặt trạm nằm trong vườn nhà ông Nguyễn Văn Chĩnh, cách mép đường liên xã khoảng 10m, cách đường điện cao thế 110Kv khoảng 15m.
Trao đổi với các nhà báo, nhân dân thôn Thủy Hưng lo lắng trước việc xây dựng Trạm BTS gần đường hộ đê. |
Ông Nguyễn Bá Phong, nhà đối diện nhà ông Chĩnh, cho hay: “Tôi rất lo lắng, mất ăn mất ngủ từ khi cột BTS dựng lên. Việc xây dựng trạm BTS trong khu dân cư vốn đã không hợp lý vì sóng di động ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Trạm lại đặt ngay dưới đường điện cao thế, lỡ xảy ra gãy đỗ, đứt đường dây điện thì rất nguy hiểm?”.
Điều khiến 102 hộ dân thôn Thủy Hưng ở gần địa điểm xây trạm BTS lo lắng là trạm nằm sát đường liên xã; đây là con đường độc đạo dẫn ra Đê biển III, tuyến đê trọng điểm quốc gia phòng chống lụt bão. Địa điểm lắp đặt trạm chỉ cách Đê biển III chỉ khoảng 800m.
Ông Nguyễn Văn Nhâng, Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh thôn Thủy Hưng, cho biết: “Nếu xảy ra bão lụt, trạm BTS gãy đổ, chặn mất đường cứu hộ cứu nạn thì ai chịu trách nhiệm? Cơn bão số 8 năm 2012 cũng đã làm gãy đổ 2 trạm BTS ở xã Vinh Quang và xã Tây Hưng nên ai dám chắc chắn xây trạm BTS ở Đông Hưng sẽ không gãy đỗ khi bão vào?”.
Thiết nghĩ, những lo lắng của nhân dân thôn Thủy Hưng, xã Đông Hưng không phải không có cơ sở. Bởi, cứ vào mùa bão lũ, xã Đông Hưng cũng như những xã ven biển của huyện Tiên Lãng thường xuyên đối diện với những rủi rõ vô cũng lớn, không thể lường trước.
Trưởng thôn Thủy Hưng Nguyễn Thế Chu chỉ dẫn ý nghĩa then chốt của tuyến đường liên xã trong Sơ họa bản đồ rủi ro thiên tai của thôn Thủy Hưng. |
Gần đây nhất, cơn bão số 1 vừa xảy ra, dù chỉ “sượt” qua địa bàn huyện Tiên Lãng nhưng đã gây thiệt hại hàng chục tỷ đồng cho nhân dân địa phương. Thống kê mới nhất của UBND huyện Tiên Lãng cho thấy, bão số 1 đã nhấn chìm 5.459ha lúa mới cấy. Đáng kể nhất là bão đã làm trên 70% diện tích hoa màu của huyện Tiên Lãng (400ha) bị thiệt hại; gần 120 nghìn cây ăn quả bị gãy đổ. Ngoài ra, trên địa bàn huyện đã có 2 trang trại bị tốc mái; diện tích nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại nặng nề: 387,2ha bị thiệt hại dưới 30%; 192ha bị thiệt hại từ 30 đến 50%; 10ha bị thiệt hại từ 50 đến 70% và 6,5ha bị thiệt hại trên 70%. Hiện tại cơn bão số 2 ở biển Đông đang tiến vào đất liền, người dân xã Đông Hưng đang hoang mang với ẩn họa mang tên BTS ven đường độc đạo phòng lũ đê biển.
Mập mờ cấp phép xây trạm BTS
Một vấn đề đáng quan tâm là, việc chính quyền địa phương cấp phép để doanh nghiệp xây Trạm BTS trong khu dân cư, người dân không được biết, không được bàn. Khi biết Trạm được xây dựng sát đường cứu hộ cứu nạn, gần lưới điện cao thế, người dân kiến nghị thay đổi địa điểm, thậm chí sẵn sàng hiến đất, hiến công, nhưng vẫn không được chấp thuận.
Cột BTS đặt ngay trong vườn nhà ông Nguyễn Văn Chĩnh, sát đường trục ra tuyến đê biển |
Đáng nói hơn, việc cấp phép và thi công Trạm BTS ở thôn Thủy Hưng có rất điểm nghi vấn. Ngày 15/6/2015, Phòng Kinh tế và Hạ tầng thuộc UBND huyện Tiên Lãng cấp Giấy phép số 22/2015/GPXD cho Chi nhánh Viettel Hải Phòng xây dựng trạm thông tin di dộng BTS loại 1 trong khuôn viên hộ ông Nguyễn Văn Chĩnh, thôn Thủy Hưng, xã Đông Hưng, huyện Tiên Lãng.“Đường liên xã là tuyến đường hộ đê, có bão lụt thì đây là tuyến đường duy nhất để cứu hộ cứu nạn. Nhân dân trong thôn đã nhiều lần đề nghị xã Đông Hưng, huyện Tiên Lãng cũng như chủ đầu tư xem xét di chuyển địa điểm xây dựng đặt trạm sang chỗ khác xa dân cư, đảm bảo an toàn đường hộ đê và lưới điện, nhân dân sẽ tình nguyện hiến đất, hiến công để xây dựng trạm ở vị trí khác; nhưng đến nay vẫn không được giải quyết”, ông Chu nói.Ông Nguyễn Thế Chu, Trưởng thôn Thủy Hưng, khẳng định: Là Trưởng thôn nhưng khi Trạm BTS được thi công, ông không được biết, không được bàn.
Giấy phép do ông Vũ Đức Cảnh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Tiên Lãng ký. Nhưng trong Giấy phép lại không có con dấu xác nhận của UBND huyện Tiên Lãng (!?).
Cột BTS cách mép tuyến đường độc đạo ra Đê biển III khoảng 10m, cách đường điện cao thế 110Kv khoảng 15m. Người dân lo ngại, cột BTS sẽ là hiểu họa khi xảy ra thiên tai. |
Quá trình tìm hiểu vụ việc, một vấn đề khiến chúng tôi hoài nghi tính cầu thị của UBND huyện Tiên Lãng trong việc giải quyết đơn thư kiến nghị của nhân dân. Đó là: Sau khi một số cơ quan báo chí phản ánh những khuất tất trong việc xây dựng Trạm BTS ở thôn Thủy Hưng, UBND huyện Tiên Lãng đã có Công văn số 1491/UBND-TCD, ngày 15/12/2015 phúc đáp báo đài. Trong đó, UBND huyện Tiên Lãng khẳng định: “Các hộ dân đã hiểu rõ, nhất trí tạo điều kiện giúp đỡ các đơn vị xây dựng cột phát sóng Viettel, đến nay đã hoàn thành đưa vào sử dụng”.
Nhưng theo tìm hiểu của phóng viên, đến thời điểm này (01/8/2015) nhân dân thôn Thủy Hưng vẫn không đồng thuận việc xây Trạm BTS ngay sát đường cứu hộ cứu nạn, gân lưới điện cao thế. Trong 102 hộ dân xóm 15 thì hiện vẫn có 84 hộ ký vào đơn đề nghị di dời trạm phát sóng.
Vậy thực hư của vấn đề này là như thế nào? Đề nghị các cơ quan liên quan của TP. Hải Phòng cần sớm làm rõ để trả lời dư luận.
Trong quá trình xác minh vụ việc, nhân dân xã Đông Hưng và xã Tây Hưng cũng phản ánh thêm, việc chi trả tiền hỗ trợ thiệt hại do bão lũ gây ra của UBND huyện Tiên Lãng chưa được minh bạch. Cụ thể, sau cơn bão số 8 năm 2012, hàng trăm hộ dân ở xã Đông Hưng và xã Tây Hưng được ngân sách Nhà nước hỗ trợ để qua cơn khốn khó. Tuy nhiên, hiện nay, các hộ dân được hỗ trợ đang có đơn thư gửi các cấp ngành, địa phương, phản ánh những sai phạm của lãnh đạo 2 xã này trong việc chi trả kinh phí hỗ trợ. Đơn thư đã được gửi đi nhiều nơi, nhiều lần, nhưng cũng như những khiếu nại, tố cáo liên quan đến việc chi trả tiền hỗ trợ di giãn dân, sai phạm trong quản lý đất đai… đến nay, UBND huyện Tiên Lãng vẫn chưa có trả lời xác đáng.
Báo điện tử Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục theo dõi để thông tin đến bạn đọc trên những số báo tiếp theo.
Bài & ảnh: Xuân Vũ – Sỹ Hào