Tiền Giang: Xem xét đối với các bến bãi kinh doanh VLXD trên tuyến đường Đông Kênh Năng

Bạch Thanh| 08/01/2021 19:32

(TN&MT) - Từ phản ảnh của Báo điện tử TN&MT việc các bến bãi kinh doanh vật liệu xây dựng (VLXD) tại xã Tân Lập 1, huyện Tân Phước (Tiền Giang) gây bức xúc trong dư luận; mới đây, các cấp, các ngành chức năng tỉnh Tiền Giang đã tổ chức họp và đưa ra giải pháp xử lý để giải quyết tình trạng gây ảnh hưởng đến nhân dân trong khu vực.

Người dân nhiều lần gửi đơn “kêu cứu”, nhưng đến nay vẫn chưa được xử lý đến nơi đến chốn

Chỉ đạo kiểm tra, xử lý

Báo điện tử TN&MT ra ngày 27/11/2020 có bài “Tiền Giang: Ai 'chống lưng' để những bến thủy nội địa hoạt động 'chui’?”, nội dung phản ảnh việc suốt thời gian dài, người dân huyện Tân Phước rất bức xúc trước tình trạng các bến thủy nội địa tập kết, kinh doanh cát, VLXD trên đoạn đường Đông Kênh Năng hoạt động “chui”, gây ô nhiễm môi trường, mất an toàn giao thông, làm đảo lộn cuộc sống của người dân xung quanh. 

Qua đó, ngày 07/12/2020, UBND tỉnh Tiền Giang có Văn bản về việc kiểm tra, xử lý, phản hồi thông tin báo chí. Trong đó, giao Sở Giao thông Vận tải (GTVT) phối hợp với UBND huyện Tân Phước kiểm tra thông tin Báo điện tử TN&MT đã phản ảnh. Mới đây, Sở GTVT tỉnh Tiền Giang đã tổ chức cuộc họp với các Sở, ngành và địa phương huyện Tân Phước để thống nhất giải pháp xử lý. 

Kết luật cuộc họp, ông Phan Vĩnh Thanh - Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Tiền Giang đề nghị: UBND huyện Tân Phước yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh VLXD trên đoạn tuyến đường Đông Kênh Năng thực hiện thu dọn VLXD, sửa chữa hoàn trả lại mặt đường nhựa như ban đầu mà Sở GTVT đã thực hiện thi công vào tháng 4/2018. Yêu cầu DNTN Hữu Đức thực hiện di dời bãi VLXD (vi phạm hành lang an toàn cầu Kênh Năng và hành lang bảo vệ ĐT.866B) hiện hữu đến vị trí mới của doanh nghiệp và đảm bảo các điều kiện hoạt động theo quy định. 

Tổ chức lấy ý kiến của 3 doanh nghiệp kinh doanh VLXD còn lại gồm: Công ty TNHH TMDV Đại Phước Thành, Hộ kinh doanh Hoàng Minh và Công ty TNHH Hương An Khang để thống nhất làm đoạn đường tránh từ đường Đông Kênh Năng qua một phần diện tích đất Công ty TNHH Đại Phước Thành và đất công kết nối ra ĐT.878 (đường cặp kênh Việt Kiều) để sử dụng chung phục vụ cho hoạt động vận chuyển kinh doanh VLXD để giải quyết tình trạng gây ảnh hưởng đến các hộ dân tại khu vực. Sớm nghiên cứu lựa chọn địa điểm quy hoạch khu bến thủy nội địa phù hợp để di dời các bến bãi kinh doanh VLXD hoặc có kế hoạch quy hoạch bến bãi tại khu vực hiện hữu. 

Mỗi ngày có hàng chục sà lan có trọng tải hàng trăm tấn neo đậu ngổn ngang bốc xếp cát, đá lên bãi

Lãnh đạo Sở GTVT Tiền Giang cũng giao cho Thanh tra giao thông tăng cường thanh, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý theo quy định các xe vận chuyển, phương tiện bốc xếp VLXD không đảm bảo về đăng ký, đăng kiểm, quá trình hoạt động và vận chuyển không đảm bảo các điều kiện về tải trọng xe, tải trọng đường bộ, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường,... gây ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt của các hộ dân sinh sống tại khu vực. Đồng thời, giao Cảng vụ đường thủy nội địa tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm quy định pháp luật đối với các hoạt động bến thủy nội địa của các bãi VLXD về phạm vi vùng nước neo đậu và điều kiện an toàn, bảo vệ môi trường của phương tiện thủy nội địa.

Tuy nhiên, ông Phan Vĩnh Thanh - Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Tiền Giang cũng cho rằng, việc các bến bãi VLXD phục vụ cho xây dựng Khu công nghiệp Long Giang và các công trình công cộng, hộ nhà dân là rất cần thiết tại khu vực. Do đó, tạm thời Sở GTVT sẽ xem xét tiếp tục cấp giấy phép “neo đậu tạm” cho các bãi VLXD duy trì hoạt động, nhưng sẽ khống chế thời gian hoạt động trong các khung giờ cao điểm để hạn chế mức độ gây ảnh hưởng đến nhân dân khu vực.

Tuyến đường nơi đây đã bị các bãi VLXD “khủng” lấn chiếm, sình lầy gây cản trở lưu thông

Xử phạt hàng chục triệu đồng

Như Báo điện tử TN&MT đã phản ảnh, trên đoạn đường Đông Kênh Năng chỉ khoảng hơn 500m đã có đến 4 doanh nghiệp lập bến bãi tập kết, kinh doanh cát, VLXD. Hàng ngày, xe tải đủ kích cỡ ra vào thường xuyên để chuyên chở VLXD. Mỗi ngày, nơi đây có hơn chục sà lan có trọng tải hàng trăm tấn neo đậu bốc xếp cát, đá lên bãi; hàng trăm lượt xe tải ra vào vận chuyển VLXD đi các nơi. Tuyến đường nơi đây đã bị các đống cát, đá “khủng” lấn chiếm gây cản trở lưu thông. Sau cơn mưa, mặt đường lầy lội, gây ra nhiều vụ tai nạn đáng tiếc. Đặc biệt, khi bốc xếp hàng hóa, các cây cần cẩu đưa ra đưa vào mặt đường không đảm bảo an toàn cho người và phương tiện qua lại. 

Hơn nữa, dù không được cấp phép hoạt động bến thủy nội địa, nhưng các doanh nghiệp này vẫn thản nhiên hoạt động rầm rộ trước sự phẫn nộ của người dân. Trong khi đó, Sở GTVT tỉnh Tiền Giang chỉ cấp phép cho neo đậu tạm thời và chỉ cho phép sử dụng vùng nước bên bờ trái Kênh Năng với chiều rộng 5m tính từ mép bờ tự nhiên trở ra sông, nhưng hiện trạng các ghe tàu, sà lan đậu ngổn ngang, gần như chiếm hết lòng kinh, gây bất ổn về giao thông đường thủy.

Vì không chịu nổi tình trạng tiếng ồn, khói bụi, nên có nhiều hộ dân buộc phải bán hoặc bỏ nhà cửa đi xứ khác sinh sống

Điều đáng nói, đoạn đường Đông Kênh Năng là đất hành lang an toàn giao thông nhưng đã bị các doanh nghiệp lấn chiếm toàn bộ để làm bến bãi kinh doanh VLXD. Những năm qua, người dân đã trực tiếp phản ảnh, đồng thời nhiều lần gửi đơn “cầu cứu” đến các ngành, các cấp trong tỉnh Tiền Giang, nhưng đến nay vẫn chưa được xử lý đến nơi đến chốn. Vì không chịu nổi tình trạng tiếng ồn, khói bụi và nguy cơ tai nạn rình rập, nên đã có ít nhất 10 hộ dân buộc phải bán hoặc bỏ nhà cửa đi xứ khác sinh sống.

Thông tin đến Báo TN&MT, Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Tiền Giang Phan Vĩnh Thanh cho biết, từ năm 2018 đến nay, Cảng vụ Đường thủy nội địa đã thực hiện kiểm tra, phát hiện và xử lý 18 vụ vi phạm hành chính với tổng số tiền xử phạt là 66,5 triệu đồng đối với hoạt động bến thủy nội địa trên đoạn tuyến đường Đông Kênh Năng. Trong đó, vi phạm về khai thác bến thủy nội địa quá thời hạn cho phép 5 vụ, số tiền xử phạt là 16,5 triệu đồng; vi phạm khi đưa phương tiện vào xếp dỡ hàng hóa tại bến thủy nội địa chưa được cấp giấy phép hoạt động 13 vụ, số tiền xử phạt là 50 triệu đồng.

Cũng theo ông Phan Vĩnh Thanh, đến thời điểm hiện tại, Cảng vụ Đường thủy nội địa tỉnh Tiền Giang đang quản lý 324 bến thủy nội địa có phép, 21 bến hoạt động không phép. Trong số 21 bến thủy nội địa không phép, tại TP. Mỹ Tho có 2 bến; Tân Phước 1 bến; Gò Công 9 bến; Cai Lậy 9 bến; trong đó có 7 bến đang xin Sở GTVT tỉnh Tiền Giang cấp phép tạm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tiền Giang: Xem xét đối với các bến bãi kinh doanh VLXD trên tuyến đường Đông Kênh Năng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO