Tiền Giang: Quản lý đất đai hiệu quả để phát triển bền vững

Thanh Bạch (thực hiện)| 13/04/2023 09:08

(TN&MT) - Tỉnh Tiền Giang đã và đang phát huy tối đa các nguồn lực đất đai, quản lý, sử dụng đất hợp lý, hiệu quả, phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Phóng viên Báo TN&MT đã phỏng vấn ông Đoàn Văn Phương - Giám đốc Sở TN&MT Tiền Giang xung quanh nội dung này.

3-1-.jpg

Ông Đoàn Văn Phương - Giám đốc Sở TN&MT Tiền Giang

PV: Xin ông cho biết những điểm nổi bật trong công tác quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn tỉnh Tiền Giang thời gian qua?

Ông Đoàn Văn Phương: Một trong những điểm nổi bật về công tác quản lý nhà nước (QLNN) về đất đai trên địa bàn tỉnh Tiền Giang thời gian qua đó là ý thức chấp hành pháp luật về đất đai, hiệu quả QLNN về đất đai của đội ngũ cán bộ, công chức và viên chức được nâng lên; công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất (QH, KHSDĐ) được thực hiện đầy đủ; công tác kiểm tra, giám sát thực hiện QH, KHSDĐ được tăng cường.

Tỉnh Tiền Giang còn thể hiện sự đổi mới mạnh mẽ và tích cực trong quy định rõ các thủ tục hành chính lĩnh vực đất đai; quy định về diện tích tối thiểu được phép tách thửa đối với từng loại đất trên địa bàn tỉnh; việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất bảo đảm dân chủ, công khai, khách quan, công bằng và đúng quy định của pháp luật.

Các quyền của người sử dụng đất được bảo đảm, minh bạch trong công tác giao đất, cho thuê đất, tạo sự cạnh tranh công bằng trong công tác quản lý, sử dụng đất cũng như tạo thuận lợi trong mời gọi đầu tư, đấu giá quyền sử dụng đất, đưa đất vào sử dụng ngày càng hiệu quả…, góp phần giúp địa phương thực hiện mục tiêu phát triển an sinh xã hội.

Các sở, ngành chức năng và các địa phương cũng đã phối hợp theo dõi, cập nhật biến động giá đất trên thị trường để làm cơ sở đề xuất điều chỉnh bảng giá đất đảm bảo linh hoạt, phù hợp với từng loại đất, các đối tượng sử dụng đất và các trường hợp giao đất, cho thuê đất; đồng thời, có cơ chế xử lý chênh lệch giá đất tại khu vực giáp ranh giữa các địa phương, đô thị và nông thôn, các khu, cụm công nghiệp…

PV: Bên cạnh kết quả đạt được, công tác quản lý đất đai của tỉnh có những vướng mắc, hạn chế nào, thưa ông?

Ông Đoàn Văn Phương: Có thể kể đến những vướng mắc, hạn chế như: nguồn lực đất đai chưa được phát huy đầy đủ; sử dụng đất ở một số nơi còn lãng phí, hiệu quả thấp; nhận thức về chính sách pháp luật đất đai của một bộ phận người dân còn hạn chế; tình hình vi phạm pháp luật như lấn chiếm đất, sử dụng sai mục đích sử dụng đất, chưa đưa đất vào sử dụng... vẫn còn xảy ra.

Bên cạnh đó, công tác lập QH, KHSDĐ chưa đáp ứng được nhu cầu quản lý, các quy hoạch còn chồng chéo; thực hiện thu hồi đất, hồ sơ kiểm kê, áp giá, bồi thường còn thiếu sót dẫn đến người dân vẫn còn khiếu nại khi bị thu hồi đất; thủ tục hành chính về đất đai có nhiều chuyển biến nhưng vẫn còn hồ sơ trễ hạn.

Những hạn chế, vướng mắc như trên đã làm ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của người sử dụng đất; đồng thời, dẫn đến việc sử dụng đất trên địa bàn tỉnh chưa đạt hiệu quả tối đa, nguồn lực đất đai chưa phát huy đầy đủ để trở thành nội lực quan trọng, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

3-2-.jpg

Tiền Giang sẽ phát triển đô thị thông minh, xanh và thân thiện với môi trường

PV: Để góp phần nâng cao hiệu quả quản lý đất đai, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, tỉnh Tiền Giang đề ra những giải pháp nào?

Ông Đoàn Văn Phương: Tỉnh Tiền Giang đang hoàn thiện đồng bộ hệ thống cơ quan quản lý từ cấp tỉnh đến cơ sở, trong đó có cơ quan quản lý đất đai cấp tỉnh, xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý đủ về số lượng và chất lượng, áp dụng công nghệ hiện đại đảm bảo nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý lĩnh vực đất đai.

Xây dựng đề án quản lý đất công phục vụ công tác quản lý đất đai và thu hút đầu tư nhằm phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh; xây dựng hệ thống kiểm kê, thống kê đất đai tự động hóa dựa trên hệ thống hồ sơ địa chính dạng số được cập nhật chỉnh lý thường xuyên, đầy đủ, đảm bảo cung cấp số liệu thống kê, kiểm kê nhanh chóng và chính xác.

Đồng thời, tỉnh Tiền Giang cũng đã hoàn thiện hệ thống QH, KHSDĐ, đảm bảo phân bổ tài nguyên đất đai hợp lý, quản lý và sử dụng đất hiệu quả, đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu sử dụng đất phù hợp với sự chuyển dịch cơ cấu lao động và cơ cấu kinh tế trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh.

Thời gian tới, tỉnh Tiền Giang sẽ hiện đại hóa hệ thống quản lý đất đai thông qua việc xây dựng và áp dụng cơ sở dữ liệu và tích hợp dữ liệu đất đai của tỉnh; tập trung triển khai công tác đo đạc thành lập bản đồ địa chính 3 huyện còn lại để hoàn thiện xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính; tiếp tục hoàn thiện hệ thống bảng giá đất, định giá đất, bản đồ giá đất và các chính sách tài chính đất đai, từ đó, tạo điều kiện thuận lợi cho nguồn lực đất đai tham gia thị trường bất động sản và khai thác hiệu quả tiềm năng về đất đai, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Đặc biệt, tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết của Tỉnh ủy về phát triển kinh tế - đô thị 3 vùng tỉnh Tiền Giang định hướng đến năm 2030, tạo điều kiện để các doanh nghiệp tiếp cận đất đai thuận lợi hơn nhằm tăng hiệu quả thu hút đầu tư vào địa phương. Đồng thời, tỉnh cũng sẽ ưu tiên quỹ đất sạch nhằm phát triển đô thị phù hợp với xu hướng đô thị thông minh, đô thị xanh, thân thiện môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, nâng cao chất lượng sống của người dân địa phương.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tiền Giang: Quản lý đất đai hiệu quả để phát triển bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO