Nâng cao nhận thức
Theo báo cáo mới đây của UBND tỉnh Tiền Giang cho thấy, tính đến cuối năm 2022, dân số trên địa bàn tỉnh là 1.795.000 người. Dân số ngày càng tăng nhanh gây ra áp lực đối với hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị, nông thôn, tác động đến chất lượng môi trường nước thải, khí thải, khói bụi từ các phương tiện giao thông, chất thải từ hoạt động sản xuất công nghiệp, nông nghiệp và trong đời sống sinh hoạt.
Hơn nữa, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Tiền Giang đang trên đà phát triển, đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần của người dân địa phương ngày càng được nâng lên. Cùng với quá trình phát triển đó là một lượng lớn rác thải phát sinh trong sản xuất, kinh doanh. Đáng lưu ý nhất là vẫn còn tình trạng vứt rác bừa bãi ra khu vực công cộng, khu vực ven sông, kênh rạch gây mất mỹ quan và ô nhiễm môi trường.
Đối với lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) vẫn được người dân ưu tiên sử dụng, nên lượng bao bì, chai lọ thuốc BVTV phát sinh ngày càng nhiều. Hiện tại, Tiền Giang đã triển khai các mô hình thu gom vỏ bao gói thuốc BVTV sau sử dụng trên địa bàn tinh. Tuy nhiên, do ý thức về BVMT của một số tổ chức, cá nhân chưa cao, thói quen thải bỏ trực tiếp ngoài đồng vẫn còn, do đó, lượng bao bì, chai lọ thuốc BVMT chưa được thu gom và xử lý triệt để.
Để chấn chỉnh tình trạng này, tỉnh Tiền Giang đã chỉ đạo các Sở, ngành có liên quan và các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức của cộng đồng về BVMT; đồng thời, đẩy mạnh công tác quản lý, kiểm soát chặt chẽ các nguồn thải, ngăn chặn và xử lý kịp thời các đối tượng có hành vi xả thải gây ô nhiễm môi trường theo quy định. Qua đó, từng bước nâng cao nhận thức về BVMT đối với các tổ chức, cá nhân. Đặc biệt, tỉnh Tiền Giang cũng xem BVMT là nhiệm vụ quan trọng, giúp địa phương thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững.
Song song đó, để đảm bảo công tác BVMT gắn với an sinh xã hôi, tỉnh Tiền Giang cũng đã đưa ra nhiều giải pháp tích cực nhằm hỗ trợ các hộ dân nghèo đa dạng hóa các mô hình sinh kế, phù hợp với đặc thù của từng địa phương. Tiền Giang còn xây dựng và nhân rộng những mô hình giảm nghèo nông thôn cũng như tích cực chỉ đạo các địa phương hỗ trợ các hộ nghèo về vốn, kỹ thuật phát triển sản xuất nông nghiệp, giúp người dân có thêm việc làm, thu nhập; đồng thời, huy động các nguồn lực xã hội để phục vụ mục tiêu giảm nghèo bền vững của địa phương.
Hạn chế ô nhiễm
Thời gian qua, các địa phương của tỉnh Tiền Giang đã tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức về BVMT cho nông dân trong sản xuất nông nghiệp. Trong đó, tại huyện Cai Lậy, chỉ tính riêng trong năm 2022, huyện này đã tổ chức thu gom, xử lý khoảng 20 tấn bao bì thuốc BVMT các loại; đồng thời, xây dựng hơn 1.200 bể chứa để vận động nông dân thu gom, xử lý đúng quy định, hạn chế tình trạng vứt bừa bãi bao bì thuốc BVMT đã sử dụng ra ngoài vườn, ruộng và xuống kênh rạch.
Gắn với nhiệm vụ BVMT trên địa bàn huyện, huyện Cai Lậy còn chú trọng công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn với các ngành nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp. Thông qua các lớp dạy nghề này cũng đã giúp người dân nông thôn trang bị kỹ năng, kiến thức để người dân ứng dụng vào thực tế, tạo việc làm, cải thiện đời sống, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững của địa phương.
Để góp phần nâng cao hiệu quả công tác BVMT, hướng tới mục tiêu giảm nghèo bền vững của địa phương, Sở TN&MT tỉnh Tiền Giang vừa phối hợp với Hội Nông dân tỉnh tổ chức tập huấn kỹ thuật lên men phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn cho vật nuôi. Qua đó, người dân nông thôn không chỉ hiểu được những ưu điểm, lợi ích của kỹ thuật lên men mà còn nhận thức được việc làm ý nghĩa này góp phần giảm phát thải khí nhà kính và hạn chế tình trạng đốt rơm rạ hiện vẫn còn xảy ra ở địa phương, vừa giảm thất thoát tài nguyên và vừa hạn chế ô nhiễm môi trường.
Riêng đối với ngành Nông nghiệp, Tiền Giang cũng đã triển khai thực hiện dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững trên địa bàn tỉnh với mục tiêu góp phần cụ thể hóa đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp địa phương, nâng cao hiệu quả canh tác lúa và giảm tác động tiêu cực đến môi trường thông qua việc áp dụng các biện pháp canh tác tiên tiến, thân thiện môi trường và hiệu quả bền vững. Từ dự án trên, đã có hơn 100.000 nông dân được hưởng lợi, hơn 18.000 ha đất canh tác áp dụng các quy trình canh tác tiên tiến, làm giảm phát thải trên 120.000 tấn khí nhà kính...
Ngoài ra, các địa phương trong tỉnh Tiềng Giang cũng đã tổ chức các hoạt động tuyên truyền về công tác BVMT trên địa bàn. Đồng thời, phát động các phong trào làm sạch môi trường tại khu vực nông thôn. Đặc biệt là phong trào “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”. Qua đó, cho thấy việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông thôn đã có bước phát triển khá; góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập đáng kể cho người dân địa phương.