Tiền Giang, Bến Tre: Chủ động ngăn chặn dịch bệnh tả heo châu Phi

14/03/2019 13:10

(TN&MT) - Sau khi dịch bệnh tả heo châu Phi bùng phát ở một số nơi, lãnh đạo hai tỉnh Tiền Giang và Bến Tre đã nhanh chóng chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp với các ngành, các cấp tăng cường triển khai đồng bộ các biện pháp ngăn chặn, tránh mầm bệnh xâm nhập vào địa bàn.

H2
Phối hợp kiểm tra việc vận chuyển heo và sản phẩm từ heo

Theo đó, UBND tỉnh Tiền Giang ban hành quyết định thành lập 03 chốt kiểm dịch động vật tạm thời tại các cửa ngõ, tuyến giao thông huyết mạch để tổ chức kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển heo và sản phẩm từ heo xuất nhập vào địa bàn tỉnh. Thành viên tại chốt kiểm dịch gồm có đại diện Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Cục Quản lý thị trường, Phòng CSGT đường bộ, cùng chính quyền địa phương nơi đặt chốt chặn. Thời gian hoạt động 24/24 giờ trong ngày, kể cả ngày thứ bảy, chủ nhật và ngày lễ.

Chốt kiểm dịch động vật có nhiệm vụ kiểm tra, giám sát các đối tượng vận chuyên, kinh doanh động vật và sản phẩm động vật, tập trung chủ yếu vận chuyển heo và sản phẩm từ heo lưu thông xuất nhập vào tỉnh hoặc quá cảnh ngang tỉnh Tiền Giang và thực hiện xử lý các trường hợp vi phạm (nếu có) trong việc vận chuyển, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật theo quy định pháp luật hiện hành. Sở NN&PTNT Tiền Giang cũng đã tổ chức hội nghị triển khai khẩn cấp các giải pháp ứng phó với bệnh dịch tả heo châu Phi cho hơn 150 cán bộ chăn nuôi, thú ý tại 11 huyện, thành, thị trên địa bàn tỉnh.

Ngoài ra, để chủ động phòng chống dịch bệnh, tỉnh Tiền Giang đề ra các giải pháp đồng bộ như: thông tin diễn biến tình hình dịch bệnh; tổ chức kiểm soát chặt chẽ việc buôn bán, giết mổ, vận chuyển heo, sản phẩm từ thịt heo; tăng cường kiểm dịch tại các cơ sở thu mua heo; thực hiện tiêu độc, sát trùng môi trường chăn nuôi; kiểm tra việc thực hiện cam kết không sử dụng thịt heo không rõ nguồn gốc tại các bếp ăn tập thể, nhà hàng...

H1
Thường xuyên vệ sinh tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi

Tại tỉnh Bến Tre, theo ngành chức năng tỉnh Bến Tre, tính đến thời điểm này trên địa bàn tỉnh cũng chưa xảy ra bệnh dịch tả heo châu Phi. Tuy nhiên, trong tháng 1 vừa qua, toàn tỉnh đã xảy ra 6 ổ dịch lở mồm long móng có gần 150 con mắc bệnh. Gần đây, không ghi nhận các ổ dịch mới phát sinh nhưng tình hình dịch bệnh rất phức tạp khi người dân cố tình giấu thông tin heo chết, vứt xác heo chết xuống sông nên rất dễ bùng phát dịch và gây ô nhiễm môi trường.

Bến Tre có tổng đàn heo khoảng gần 600.000 con, trong đó 02 huyện Mỏ Cày Nam và Mỏ Cày Bắc có số lượng nhiều nhất tỉnh. Trước tình hình dịch bệnh, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bến Tre đã đặt các chốt kiểm soát, kiểm tra chặt chẽ tất cả các chuyến xe vận chuyển heo hơi xuất bán ra ngoài tỉnh và tăng cường kiểm soát các lò giết mổ trên địa bàn.

Các ngành chức năng Bến Tre cũng đã phối hợp cùng nhau lập chốt chặn tại các cửa ngõ như khu vực cầu Rạch Miễu (nối Bến Tre với Tiền Giang), cầu Cổ Chiên (nối Bến Tre với Trà Vinh), khu vực phà Đình Khao (nối Bến Tre với Vĩnh Long)… Chốt có mặt 24/24 giờ để lực lượng CSGT ra hiệu dừng các phương tiện chở heo và các loại gia súc, gia cầm, sau đó cán bộ Thú y kiểm tra và phun thuốc sát trùng trên các phương tiện chở động vật, sản phẩm động vật nhằm đảm bảo an toàn khi nhập vào địa bàn tỉnh.

Trước đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Hữu Lập cũng đã chỉ đạo các ngành, các cấp trong tỉnh nghiêm túc chấp hành và tổ chức thực hiện các văn bản chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh Bến Tre về phòng, chống dịch bệnh lở mồm long móng và triển khai thực hiện khẩn cấp các giải pháp ngăn chặn bệnh dịch tả heo châu Phi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tiền Giang, Bến Tre: Chủ động ngăn chặn dịch bệnh tả heo châu Phi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO