Tích tụ đất đai để nông nghiệp bứt phá bền vững: Ẩn chứa yếu tố chưa bền vững

Thúy Nhi (lược ghi)| 05/03/2020 14:53

(TN&MT) - Các hình thức tích tụ và tập trung ruộng đất còn ẩn chứa các yếu tố chưa bền vững và nảy sinh một số vấn đề mới ở một số địa phương ảnh hưởng đến quá trình này.

Bốn mô hình chưa bền vững

Theo ông Nguyễn Văn Tốn, Vụ Nông nghiệp - Nông thôn, Ban Kinh tế Trung ương, hiện nay, có 4 hình thức tập trung, tích tụ ruộng đất ở nước ta là mô hình liên kết, hợp tác để sản xuất kinh doanh; mô hình chuyển nhượng và nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp; thuê quyền sử dụng đất; góp vốn quyền sử dụng đất để sản xuất kinh doanh. Tuy vậy, các mô hình này còn ẩn chứa các yếu tố chưa bền vững.

Theo đó, về mô hình liên kết, hợp tác để sản xuất kinh doanh, các hộ nông dân có thể trực tiếp, có thể hình thành các hợp tác xã để làm pháp nhân kinh tế đại diện cho các thành viên là người lao động, chủ hộ nông dân, chủ trang trại… ký kết hợp đồng sản xuất, kinh doanh với các doanh nghiệp. Song, thời gian qua, các hợp đồng dễ bị phá vỡ do thị trường đầu ra bấp bênh, nhất là lúc giá nông sản xuống thấp

Về mô hình chuyển nhượng và nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp, số đất nông nghiệp đã được chuyển nhượng có 29% chuyển nhượng trước năm 1994 (năm đầu thực hiện Nghị định 64 của Chính phủ), 41% chuyển nhượng trong giai đoạn 1994 - 2003, 30% chuyển nhượng trong giai đoạn từ 2004 đến nay. Tuy vậy, nhiều hộ có nhu cầu nhượng nhưng không gặp được người có nhu cầu nhận, do khoảng cách địa lý hoặc không có thông tin giao dịch, hoặc có người mong nhận chuyển nhượng.

Thuê quyền sử dụng đất là phương thức tập trung đất đai có nhiều ưu điểm nhất, song, thực hiện mô hình này còn khó khăn là có trường hợp nhà đầu tư không thỏa thuận được với tất cả những người có ruộng đất trong một vùng và rất khó thống nhất về thời hạn thuê đất ổn định để yên tâm bỏ vốn đầu tư hạ tầng.

Hình thức cuối cùng là góp vốn quyền sử dụng đất để sản xuất kinh doanh. Mô hình này đã được áp dụng ở nhiều tỉnh như Sơn La giữa nông dân và Tập đoàn Cao su Việt Nam, trong đó, đất đai được định giá để xác định giá trị vốn góp trong giá trị doanh nghiệp. Tuy vậy, nhìn từ thực tế, nhiều mô hình góp vốn bằng quyền sử dụng đất có thể thấy được những khó khăn và rủi ro cho nông dân nếu việc quản trị không minh bạch, nông dân không được tham gia vào quá trình sản xuất kinh doanh.

Ngoài ra, nguy cơ phá sản, giải thể doanh nghiệp… khiến nông dân không mặn mà với việc góp vốn trong khi chưa thấy rõ lợi ích, nếu tiếp tục sản xuất như hiện nay chỉ có thể duy trì mức sống tối thiểu.

Ảnh minh họa

Chia nhỏ diện tích canh tác ngày càng gia tăng

Theo ông Nguyễn Văn Tốn, hiện, vẫn nảy sinh một số vấn mới ở một số địa phương ảnh hưởng đến quá trình tích tụ, tập trung đất đai là xu hướng chia nhỏ diện tích canh tác tại các hộ nông dân đang ngày càng gia tăng do đặc điểm tập quán, tư tưởng của người dân quyền sử dụng đất được coi là một tài sản có giá trị lâu dài nên thường được các hộ tách sổ, chia nhỏ diện tích cho con cái khi lập gia đình. Do vậy, diện tích canh tác bình quân/hộ ngày càng có xu hướng nhỏ dần, manh mún hơn trước điều này là một khó khăn lớn trong quá trình thực hiện chủ trương đẩy mạnh tích tụ, tập trung ruộng đất.

Bên cạnh đó, phần lớn các mô hình tích tụ ruộng đất đều mới hình thành và phát triển ở quy mô nhỏ, tỷ lệ các doanh nghiệp, trang trại, hộ gia đình có diện tích đất canh tác lớn, tập trung còn rất thấp. Diện tích canh tác nông nghiệp của tỉnh phần lớn vẫn do các hộ gia đình nông dân nắm giữ với quy mô nhỏ lẻ manh mún là chủ yếu. Chí phí đầu tư sau tích tụ khá cao, vượt khả năng của nhiều nông dân, chưa đủ sức hấp dẫn các nhà đầu tư tư nhân vì lãi suất từ sản xuất nông nghiệp thấp, độ rủi ro cao.

Trong điều kiện quỹ đất sản xuất nông nghiệp đã khai thác đến trần (khoảng 10 triệu ha), đều có thể làm là giảm số hộ trực tiếp sản xuất nông nghiệp, muốn tăng quy mô tích tụ ruộng đất cần tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu lao động trong khu vực nông thôn, nông nghiệp; hộ gia đình muốn tích tụ ruộng đất cần phải có vốn, nếu giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất từ 100 - 200.000 VNĐ/m2, để có thêm 1,0 ha, phải có 1 - 2 tỷ VNĐ, vượt quá khả năng của nông đân, vì vậy,  muốn thúc đẩy tích tụ ruộng đất, Nhà nước cần có quỹ phát triển đất và hỗ trợ nông dân vay vốn với cơ chế phù hợp.

Đặc biệt, vẫn còn tâm lý lo ngại tích tụ, tập trung ruộng đất sẽ dẫn đến phân hóa xã hội sâu sắc. Nhiều người vẫn giữ quan điểm “người cày có ruộng”, coi nông nghiệp là sinh kế duy nhất của nông dân.

Cuối cùng là việc tăng hạn mức nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân đến không quá 10 lần hạn mức giao đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân đối với mỗi loại đất cũng đáp ứng được một phần so với yêu cầu của thực tiễn.

Quá trình tích tụ ruộng đất không giống nhau giữa các vùng trong cả nước, do đó, vấn đề cho phép nhận quyền lên đến 10 ha có nơi đáp ứng được yêu cầu như khu vực Đồng bằng Bắc Bộ, Duyên hải miền Trung nhưng lại chưa hợp lý đối với khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ do thực tiễn nhiều hộ nông dân đã tích tụ với diện tích đất sản xuất lớn hơn rất nhiều.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tích tụ đất đai để nông nghiệp bứt phá bền vững: Ẩn chứa yếu tố chưa bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO