Sở hữu đất nông nghiệp bình quân đạt thấp
Theo GS.TS. Đỗ Hoài Nam, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, nước ta có mức bình quân ruộng đất theo đầu người thấp nhất thế giới. Diện tích đất sản xuất nông nghiệp bình quân đầu người ở Việt Nam là 0,25 ha, trong khi đó, trên thế giới là 0,52 ha và trong khu vực là 0,36 ha.
Việc dồn điền, đổi thửa diễn ra rất chậm chạp và không mang lại hiệu quả mong muốn. Sau mỗi hai chục năm, tình trạng phân mảnh lại tăng gấp đôi. Sự phân mảnh còn dẫn đến tình trạng lãng phí đất đai được sử dụng làm ranh giới, bờ bao. Con số này không dưới 4% diện tích canh tác.
Nhà nước đã có nhiều chính sách khuyến khích các doanh nghiệp liên kết với hộ nông dân để hình thành những cánh đồng lớn trên cơ sở tích tụ và tập trung ruộng đất. Luật Đất đai năm 2013 và các văn bản dưới luật đã bước đầu tạo điều kiện thuận lợi hơn, ưu tiên và ưu đãi hơn cho doanh nghiệp khi liên kết với người nông dân xây dựng cánh đồng lớn, thúc đẩy nhanh hơn quá trình tích tụ và tập trung ruộng đất trong nông nghiệp. Nhưng quá trình này vẫn diễn ra rất chậm, không đạt mục tiêu kỳ vọng.
Tích tụ, tập trung ruộng đất không đạt được mục tiêu như kỳ vọng |
Nguyên nhân chính là do chính sách hạn điền hiện hành đang là lực cản cho việc tích tụ và tập trung ruộng đất trong quá trình xây dựng những cánh đồng có quy mô lớn. Những quy định về hạn điền đã hạn chế các doanh nghiệp và người nông dân kinh doanh có hiệu quả hơn muốn mở rộng quy mô canh tác nếu vượt mức trần được phép, bởi lẽ nếu vượt mức hạn điền sẽ phải chịu thêm một khoản thuế lũy tiến không nhỏ.
Trên thực tế, đã có không ít trường hợp “lách luật” bằng cách giả mạo cho nhiều người đứng tên thuê quyền sử dụng đất. Hoạt động mua bán để tích tụ ruộng đất trước năm 2000 diễn ra rất sôi động, sau đó lắng dần. Hiện tượng “đóng băng” ruộng đất xảy ra ở nhiều nơi. Tình trạng phổ biến ở nông thôn, đặc biệt, ở Đồng bằng sông Hồng nhiều nông dân, nhất là nam giới, thanh niên có điều kiện về sức khỏe bỏ làng, bỏ ruộng để tìm kiếm việc làm ở thành phố và các khu công nghiệp. Ruộng đất được phân chia của họ hoặc cho thuê lại, hoặc bỏ hoang.
Cần giải quyết đồng bộ
Để phát triển thị trường thứ cấp về đất nông nghiệp, thúc đẩy quá trình tích tụ, tập trung ruộng đất theo yêu cầu phát triển nền nông nghiệp công nghệ cao, hữu cơ và bền vững, tạo lập vùng sản xuất tập trung hóa, chuyên môn hóa, cơ giới hóa, tự động hóa, quản trị tiên tiến, GS.TS. Đỗ Hoài Nam cho rằng, Nhà nước cần giải quyết tốt một số vấn đề về chính sách như: Tạo điều kiện thuận lợi về thể chế, chính sách và luật pháp cho sự phát triển và quản lý hiệu lực, hiệu quả thị trường quyền sử dụng đất thứ cấp trong nông nghiệp và nông thôn. Phát triển thị trường đất nông nghiệp thứ cấp và mở rộng mức hạn điền một cách linh hoạt cần được xem là hai đột phá rất quan trọng trong chính sách đất nông nghiệp của Nhà nước.
Điều chỉnh chiến lược và quy hoạch phát triển nông nghiệp nói chung, sản xuất lúa gạo nói riêng theo yêu cầu của tái cấu trúc nông nghiệp và nông thôn trên cơ sở định vị lại thị trường xuất khẩu và dưới tác động trực tiếp của biến đổi khí hậu và hội nhập quốc tế. Trên cơ sở này, điều chỉnh một cách cơ bản, thậm chí phải xây dựng mới quy hoạch về đất nông nghiệp nói chung và đất cho sản xuất lúa gạo nói riêng trong bối cảnh phát triển mới với một tầm nhìn 15 - 20 năm.
Nền nông nghiệp Việt Nam được phát triển chủ yếu dựa vào khoảng 10 triệu hộ nông dân cá thể với trên 76 triệu thửa và mảnh ruộng nhỏ lẻ, phân tán. Đây là một trong những trở ngại lớn nhất cho việc phát triển nền nông nghiệp hữu cơ, hiện đại và bền vững trên cơ sở hợp tác, liên kết giữa doanh nghiệp, nhất là các tập đoàn kinh tế, với các hộ nông dân xây dựng cánh đồng lớn, vùng sản xuất tập trung công nghệ cao dưới tác động của thị trường, công nghiệp, hội nhập quốc tế và biến đổi khí hậu.
Đồng thời, cũng trên cơ sở tái cấu trúc các nông, lâm trường cần đẩy nhanh việc chuyển giao đất sử dụng không hiệu quả của các nông, lâm trường hoạt động thua lỗ kéo dài, trong diện giải quyết phá sản cho chính quyền địa phương; giải quyết dứt điểm đất nông lâm trường bị lấn chiếm, sử dụng sai mục đích, nhằm mở rộng không gian và điều kiện, cơ hội và nguồn lực cho các doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào nông nghiệp.
Nâng cao năng lực của các cơ quan quản lý nhà nước về đất đai ở địa phương. Hỗ trợ phát triển cho các hộ nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp đẩy mạnh hợp tác, liên kết trong các dự án phát triển cánh đồng lớn, vùng sản xuất tập trung theo chuỗi giá trị nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường thế giới và trong nước. Hỗ trợ nâng cao năng lực thông tin, phân tích và dự báo thị trường nông nghiệp, trong đó, có thị trường đất đai của các Bộ ngành có liên quan và của địa phương.
Khẩn trương rà soát, bãi bỏ ngay các quy định bất hợp lý, trái luật của các bộ, ngành về điều kiện kinh doanh. Tiếp tục quyết liệt trong cải cách hành chính, đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính theo hướng đơn giản, rõ ràng, minh bạch và bình đẳng về cơ hội tiếp cận cho tất cả các chủ thể kinh doanh trong nông nghiệp, nông thôn nói riêng và trong nền kinh tế nói chung.
Thị trường đất nông nghiệp chưa phát triển lại bắt nguồn từ nguyên nhân bất cập trong chính sách đất nông nghiệp hiện hành. Chính những bất cập này đang trở thành một trong những lực cản thúc đẩy liên kết giữa hàng triệu nông dân cá thể với doanh nghiệp nhằm phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch dưới tác động của biến đổi khí hậu và hội nhập quốc tế.
Ngoài ra, xúc tiến thành lập ngân hàng đất đai để tiến hành các giao dịch mua, bán quyền sử dụng đất trên thị trường đất đai. Ngân hàng mua lại quyền sử dụng đất của những người nông dân muốn bán và bán lại cho các nhà đầu tư theo nguyên tắc thị trường, quan hệ cung - cầu về quyền sử dụng đất ở mỗi vùng, địa phương.