Ông Chu Ngọc Anh đánh giá EVN và các đơn vị quản lý nhà máy thủy điện trên bậc thang sông Đà đã hoàn thành tốt nhiệm vụ quản lý, vận hành công trình, điều tiết hồ chứa. Bên cạnh đó, công tác quan trắc, đo đạc các thông số cho thấy các công trình đang vận hành an toàn và ổn định; công tác phòng chống bão lũ năm nay đã được chuẩn bị chu đáo.
Chủ tịch Hội đồng Tư vấn đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét triển khai hệ thống quan trắc mưa tự động; hướng dẫn việc xây dựng các trạm khí tượng thủy văn chuyên dùng trên lưu vực sông Đà để nâng cao chất lượng dự báo, hỗ trợ ra quyết định trong quá trình quản lý vận hành; đồng thời cần xây dựng các phương án dự báo lũ lớn trong điều kiện không có đầy đủ thông tin về chế độ vận hành của các hồ chứa từ Trung Quốc.
Chủ tịch Hội đồng Tư vấn cũng đề nghị Bộ Công Thương và EVN sớm ban hành Quy trình vận hành đơn hồ của các hồ chứa bởi hiện nay bậc thang thủy điện trên lưu vực sông Đà đã cơ bản hoàn thành (gồm Thủy điện Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình nằm trên dòng chính sông Đà; Thủy điện Huội Quảng - Bản Chát nằm trên sông Nậm Mu, nhánh cấp 1 của sông Đà).
Theo ông Ngô Sơn Hải - Phó Tổng giám đốc EVN, các nhà máy thủy điện trên bậc thang sông Đà đóng vai trò quan trọng trong đảm bảo cung cấp điện cho hệ thống điện quốc gia. Cụ thể, tổng sản lượng điện phát của 5 Nhà máy trong năm 2016 và 6 tháng đầu năm 2017 lần lượt là 24,69 tỷ kWh và 10,09 tỷ kWh, chiếm tỷ lệ tương ứng là 13,5% và 10,57% tổng sản lượng điện sản xuất của toàn hệ thống.
Ngoài ra, các nhà máy thủy điện trên đã cắt nhiều trận lũ có đỉnh lũ lớn, đồng thời cung cấp đủ nước cho nhu cầu của hạ du. Tính riêng 2 tháng đầu năm nay, EVN đã phối hợp với Bộ NN&PTNT, Tổng cục Thủy lợi thực hiện cấp nước từ các hồ thủy điện Hòa Bình, Thác Bà, Tuyên Quang phục vụ sản xuất vụ Đông Xuân cho các tỉnh Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ với tổng lượng nước là 4,67 tỷ m3.
Theo ông Nguyễn Xuân Anh – Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu, đến năm 2017, mạng lưới quan trắc động đất tại các nhà máy thủy điện trên bậc thang thủy điện sông Đà đã có 36 trạm địa chấn có thể đáp ứng được yêu cầu quan trắc động đất, đồng thời cung cấp nguồn số liệu đầy đủ cho các nghiên cứu về địa chấn vùng Tây Bắc. |
Theo Dân Việt