(TN&MT) - Là công trình thủy điện lớn nhất trên địa bàn tỉnh Kon Tum, Dự án thủy điện Thượng Kon Tum được Chính phủ phê duyệt thuộc cấp II, nhóm A, có nhiệm vụ khai thác thủy năng sông Đăk Nghé (thuộc hệ thống sông Sê San) cung cấp điện năng cho lưới quốc gia; đồng thời bổ sung nguồn nước phục vụ dân sinh, nông nghiệp và công nghiệp vùng hạ lưu. Công trình dự kiến sẽ hoàn tất trong năm nay. Thế nhưng, sau gần 5 năm thi công, đến nay công trình này vẫn còn ngổn ngang và không biết bao giờ mới đến ngày phát điện.
Máy móc của nhà thầu trên công trường thủy điện Thượng Kon Tum hầu như “án binh bất động” |
Công trường dang dở vì nhà thầu Trung Quốc
Tháng 9/2009, núi rừng vùng Đăk Tăng (Kon Plông, Kon Tum) vang động, bởi Công ty CP thủy điện Vĩnh Sơn – Sông Hinh (VSH - chủ đầu tư) phối hợp với chính quyền các cấp tỉnh Kon Tum tổ chức lễ khởi công xây dựng công trình thủy điện Thượng Kon Tum.
Không cần phải bàn cãi, Dự án thủy điện Thượng Kon Tum chính thức được khởi động trong niềm hân hoan của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Kon Tum. Ngày đó, ai ai cũng tin rằng, công trình này sẽ sớm hoàn thành và đi vào hoạt động để hòa vào lưới điện quốc gia, điện lưới sẽ được kéo về tận nóc nhà sàn ở những thôn, làng vùng Bắc Tây Nguyên. Tuy nhiên, có mặt tại công trường vào những ngày cuối tháng 7, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng bởi tốc độ thi công theo kiểu...rùa bò của nhà thầu.
Không thể phủ nhận, một số các hạng mục như tuyến áp lực (đập dâng và đập tràn xã lũ), nhà quản lý vận hành, thiết bị cơ điện cơ bản được các đơn vị thi công làm tốt. Còn lại phần lớn các hạng mục đều còn ngổn ngang, dang dở. Hạng mục cửa nhận nước, đường hầm dẫn nước, hầm giao thông chưa hoàn thành. Đây là các hạng mục do Tổ hợp nhà thầu Viện Hoa Đông (Tập đoàn Thủy điện Trung Quốc) và Công ty TNHH Cục Đường sắt Trung Quốc số 18 trúng thầu thi công, với giá trị gói thầu hơn 1.600 tỷ đồng. Với đường hầm dẫn nước dài gần 16km, năm 2011, tổ hợp nhà thầu bắt đầu tiến hành triển khai thi công gói thầu. Đoạn đường hầm có 3km đào bằng phương pháp khoan nổ thủ công, còn lại bằng máy, thời gian thực hiện theo dự kiến là 42 tháng, đến hiện nay mới chỉ có 6km hầm đã đào, còn 10km đường hầm vẫn chưa biết bao giờ thực hiện. Trong khi thực tế tại công trường, công nhân đã dừng thi công mấy ngày nay. Tiến độ thi công này quá chậm trễ so với kế hoạch đề ra.
Máy móc của nhà thầu Trung Quốc trên công trường hầu như “án binh bất động” |
Theo báo cáo của VSH, bình quân mỗi tháng, đơn vị thi công chỉ đào hầm được 91m. Trong khi theo tiến độ dự thầu của tổ hợp nhà thầu, bình quân mỗi tháng đào 530m. Bên cạnh đó, nhiều hạng mục khác cũng chịu chung số phận, như tầng 1 nhà máy mới đào đá được khoảng 70%, tầng 3 đào được 10% so với khối lượng thiết kế ban đầu. Hầm giao thông, thời gian thi công 24 tháng bắt đầu từ đầu năm 2010, nhưng đến nay mới thi công phần đào đường hầm, phần gia cố chỉ đạt khoảng 50% khối lượng công việc… Theo tính toán của chủ đầu tư, riêng việc đào hầm đã chậm gần 2 năm so với tiến độ hợp đồng và chậm hơn một năm so với tiến độ hiệu chỉnh.
Chậm phát điện mỗi năm thất thu hơn 1.000 tỷ
Trong văn bản gửi UBND tỉnh Kon Tum mới đây, ông Võ Thành Trung, Tổng Giám đốc VSH khẳng định: “Chủ đầu tư đã tổ chức nhiều cuộc họp với lãnh đạo cấp cao của tổ hợp nhà thầu. Tổ hợp nhà thầu cũng đã có nhiều cam kết tổ chức lại thi công để đẩy nhanh tiến độ nhưng tình hình thi công vẫn không tiến triển. Nhà thầu cố tình trì hoãn thi công để kéo dài thời gian thực hiện gói thầu, đòi tăng giá xây dựng...”. Theo ghi nhận, từ đầu năm 2014 đến nay, nhà thầu Trung Quốc chỉ làm việc cầm chừng. Không những không có giải pháp để đẩy nhanh tiến độ thi công, mà họ còn đòi bổ sung nhiều chi phí do ảnh hưởng của việc cấp điện thi công. Lấy lý do như rò rỉ nước ngầm; chi phí ảnh hưởng của đường vào công trường; tăng chi phí trượt giá cho những khối lượng thi công không đúng tiến độ…, liên danh nhà thầu Trung Quốc - đơn vị thi công đòi chi phí bổ sung lên đến 800 tỷ đồng, tuy nhiên điều phi lý này không được chủ đầu tư chấp nhận.
Công trình đập dâng vắng bóng lực lượng thi công |
Theo tính toán của cơ quan chức năng tỉnh Kon Tum, với tiến độ thi công kiểu “rỉ rả” này, chắc chắn đến năm 2015, nhà máy không thể nào đưa vào vận hành được, mặc dù theo kế hoạch vào cuối năm 2013, tổ máy số 1 sẽ đi vào hoạt động và phát điện, tổ máy số 2 phát điện vào năm sau đó. Điều này khiến cho nhà máy thất thu từ 1.000 đến 1.200 tỷ đồng mỗi năm vì chậm tiến độ, không đưa được nguồn điện ra thị trường. Không những chủ đầu tư bị thiệt hại mà công tác đền bù giải phóng mặt bằng, ổn định an sinh xã hội cho người dân vùng triển khai dự án cũng bị ảnh hưởng.
Chủ đầu tư hết vốn, tái định cư lâm cảnh bế tắc
Đã gặp “rủi” vì liên doanh nhà thầu nại đủ lý do, nay tình hình thi công trên công trường thủy điện Thượng Kon Tum như “đi vào ngõ cụt” khi chủ đầu tư… hết vốn.
Hạng mục hầm dẫn nước dài 16km, hiện mới chỉ đào được hơn 1/3 chiều dài toàn tuyến |
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Lân, Chủ tịch UBND huyện Kon Plông (tỉnh Kon Tum) cho biết, tiến độ thi công trên công trường thủy điện Thượng Kon Tum hiện rất chậm, đã “lỗi hẹn” hơn 1 năm và chưa biết khi nào mới hoàn thành. Đáng nói là về công tác di dân, tái định canh, tái định cư, đã sát ngày tích nước lòng hồ, song công trường vẫn rất “ngổn ngang”. Theo đó, VSH không có vốn để cung cấp nguồn vốn giải ngân cho các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình như nhà ở, điện, nước.... Đặc biệt, VSH không có vốn chuyển tiền tạm ứng cho các hộ dân tự thực hiện đóng ván làm nhà; chưa chi trả tiền bồi thường bổ sung khu vực lòng hồ và các hạng mục công trình phụ trợ đã được UBND tỉnh Kon Tum phê duyệt, dẫn đến người dân ý kiến, kiến nghị nhiều lần. Hiện nay VSH đã gia hạn thời gian tích nước lòng hồ nên công tác phối hợp của công ty với chính quyền địa phương trong việc xây dựng tái định cư-tái định canh rất thiếu tinh thần phối hợp trong việc thực hiện công tác bồi thường, xây dựng tái định cư-tái định canh.
Trước tình hình này, UBND huyện Kon Plông đã kiến nghị UBND tỉnh Kon Tum chỉ đạo VSH phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương để tập trung giải quyết những tồn tại trong công tác bồi thường, hỗ trợ, xây dựng tái định cư-tái định canh để đảm bảo cơ sở hạ tầng trước khi di dân vào tháng 8/2014; sớm ổn định cuộc sống cũng như cấp đất sản xuất cho người dân. Đồng thời bố trí đảm bảo nguồn vốn trong việc bồi thường, xây dựng tái định cư-tái định canh, trong đó ưu tiên trước các nguồn vốn liên quan đến chi trả và tạm ứng cho người dân.
Bà con dân tộc thiểu số được bố trí tái định cư tại làng Vi Rin, xã Đăk Tăng (Kon Plông, Kon Tum) |
Trước đó, trao đổi với báo chí, ông Huỳnh An, Phó Ban Quản lý Dự án thủy điện Thượng Kon Tum thông tin, đang tiến hành họp thương lượng chấm dứt hợp đồng với Liên doanh nhà thầu Viện Hoa Đông (Tập đoàn thủy điện Trung Quốc) và Công ty TNHH Cục Đường sắt Trung Quốc số 18.
Thủy điện Thượng Kon Tum được khởi công xây dựng ngày 27/9/2009, trên địa bàn huyện Kon Plông (tỉnh Kon Tum), với công suất 220MW, điện lượng trung bình đạt gần 1,1 tỷ kWh/năm và tổng vốn đầu tư 5.744 tỷ đồng. Dự kiến, nhà máy sẽ được hoàn thành trong giai đoạn 2014 - 2015. Tuy nhiên, sau gần 5 năm thi công, mọi thứ vẫn vô cùng dang dở, gặp nhiều điều tiếng. |
Bài & ảnh: Thục Vy