Năm 1972, lãnh đạo từ 113 quốc gia đã tụ họp tại Stockholm, Thụy Điển để tham dự Hội nghị lần đầu tiên của Liên hợp quốc về Môi trường và Con người và đi đến kết luận rằng các hoạt động của con người là yếu tố chính quyết định tương lai của chúng ta. Giờ đây, 50 năm sau Hội nghị Stockholm đầu tiên, thế giới đang phải đối mặt với ba cuộc khủng hoảng toàn cầu bao gồm biến đổi khí hậu, ô nhiễm và mất đa dạng sinh học, bên cạnh các vấn đề nhức nhối khác, bao gồm cả đại dịch COVID-19.
Đại hội đồng Liên hợp quốc đã quyết định tổ chức một cuộc họp cấp cao: “Stockholm+50: Một hành tinh khỏe mạnh cho sự thịnh vượng của tất cả mọi người - trách nhiệm của chúng ta, cơ hội của chúng ta”, để xác định những hành động cấp bách và cụ thể mà con người cần triển khai để bảo vệ hành tinh, xây dựng một nền tảng lâu dài và bền vững, vì một tương lai xanh và toàn diện. Hội nghị sẽ được tổ chức tại Stockholm, Thụy Điển vào ngày 2 và 3/6/2022 bởi Chính phủ Thụy Điển với sự hỗ trợ của Chính phủ Kenya.
Theo ông Hoàng Văn Thức, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, tham dự Hội nghị lần này, Bộ TN&MT mong muốn được tham gia các phiên họp, thảo luận để tiếp thu, học hỏi, tham khảo kinh nghiệm của các quốc gia, đối tác phát triển giải quyết các vấn đề về biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường và đa dạng sinh học.
Từ đó, Việt Nam có cơ hội để đóng góp tiếng nói, ủng hộ và tham gia vào các sáng kiến, nỗ lực quốc gia, khu vực để giải quyết các thách thức toàn cầu hiện nay.
Đồng thời, đây cũng là cơ hội để Việt Nam kêu gọi sự hợp tác và hỗ trợ quốc tế về nguồn lực, công nghệ và phương thức quản lý để giải quyết các thách thức liên quan đến biến đổi khí hậu và môi trường quốc gia.
Cũng theo ông Hoàng Văn Thức, khi tham gia Hội nghị, Đoàn Việt Nam sẽ ưu tiên một số vấn đề như: Thực hiện cam kết ở COP26, kiểm soát ô nhiễm môi trường, quản lý rác thải nhựa và rác thải nhựa đại dương, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, phục hồi hệ sinh thái.
Sau những chia sẻ của ông Hoàng Văn Thức, ông Ola Karlman, Trưởng ban Xúc tiến, Kinh tế và Chính trị, Đại sứ quán Thụy Điển cho biết: Với vai trò là nước chủ nhà tổ chức Hội nghị Stockholm+50 năm nay, Thủy Điển rất vui khi nhận được thông tin về sự chuẩn bị chu đáo của Đoàn Việt Nam tham gia Hội nghị năm nay. Đây là minh chứng rõ ràng cho thấy Việt Nam đã và đang chủ động trong vấn đề ứng phó với biến đổi khí hậu và chuyển dịch nền kinh tế xanh hơn, bền vững hơn.
Có thể thấy, thời gian qua, Chính phủ Việt Nam đã có những cam kết và quyết tâm mạnh mẽ trong bảo vệ tài nguyên, môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, đóng góp vào nỗ lực chung toàn cầu để phát triển nền kinh tế tuần hoàn, hướng tới phát thải ròng bằng không….
Ông Ola Karlman cũng khẳng định, Thụy Điển luôn ủng hộ và tạo điều kiện tốt nhất cho Đoàn Việt Nam khi tham gia Hội nghị Stockholm +50.