Thuỷ điện, mưa lũ tiếp tục làm “nóng” nghị trường Quốc hội

Tuyết Chinh| 05/11/2020 14:36

(TN&MT) - Tại phiên thảo luận về kinh tế - xã hội ở nghị trường Quốc hối, sáng 5/11, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh và nhiều đại biểu Quốc hội tiếp tục tranh luận, giải trình về thủy điện và mưa lũ.

Dự án thuỷ điện vượt quá 10 ha đất cho 1 MW thì không được xem xét

Liên quan đến vấn đề thuỷ điện và tác động môi trường của các dự án này, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho biết, dự án thủy điện nào cũng có mặt tích cực và tiêu cực. Pháp luật Việt Nam đã có quy trình về pháp lý rất bài bản, đảm bảo hiệu quả trong từng dự án.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh ở đây là Luật Đầu tư, báo cáo kinh tế kỹ thuật, báo cáo tác động môi trường. “Đây là những nhân tố cơ bản để giúp cấp có thẩm quyền đánh giá, xem dự án đó, cái nào là chủ đạo, có hiệu quả hay không, tác động tiêu cực còn có những gì”, Bộ trưởng Bộ Công thương nói. Các dự án này phải đảm bảo điều kiện để hạn chế bớt tiêu cực, để khai thác tốt những ưu thế, lợi ích.

Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh. Ảnh: QH

Về quản lý đất rừng tự nhiên, đại diện ngành công thương cho rằng, khi triển khai dự án thủy điện có các khâu rất quan trọng. Đầu tiên là bổ sung quy hoạch, các địa phương có nhiệm vụ tuân theo các thông tư hướng dẫn, như Thông tư 43 của Bộ Công Thương; trong đó nói rõ tiêu chí sử dụng đất thế nào, nếu vượt quá 10 ha đất cho 1 MW thì không được xem xét.

Cũng theo Bộ trưởng Công thương, để bổ sung dự án thủy điện vào quy hoạch, Bộ phải xin ý kiến của rất nhiều bộ, ngành. Sau đó, cấp có thẩm quyền mới phê duyệt dự án đầu tư, quản lý các dự án đầu tư. Căn cứ theo luật định, cơ quan chức năng từ Trung ương đến địa phương kiểm tra việc thực hiện đúng quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, báo cáo đánh giá tác động có vai trò quan trọng, là căn cứ để cơ quan quản lý đánh giá tính khả thi của dự án. Báo cáo này đều được đăng công khai trên cổng thông tin điện tử các cơ quan chức năng.

Đối với thủy điện nhỏ đã hết khấu hao, hết vòng đời của dự án, căn cứ theo Luật Xây dựng, Luật Điện lực, các dự án này phải báo cáo về chất lượng hồ, đập, hướng sử dụng hoặc phải tháo dỡ.

Liên quan vấn đề xử lý các tấm pin quang điện sau khi thủy điện này hết giá trị sử dụng, Thủ tướng đã giao Bộ Khoa học và Công nghệ lập quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng hệ thống xử lý các tấm pin này. “Chỉ khoảng 3% hóa chất của các tấm pin này là có tác động đến môi trường và các chủ đầu tư có trách nhiệm thu hồi, xử lý”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nêu rõ.

Về vấn đề thủy điện ảnh hưởng như thế nào đến lũ bão, ngập lụt, sạt lở, thậm chí là động đất, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, qua 2 lần tham gia cùng đoàn công tác tại Quảng Bình, Quảng Trị và đợt công tác mới đây tại Quảng Nam, Quảng Ngãi có thể khẳng định sạt lở đất gắn chặt với yếu tố thời tiết.

ĐBQH Nguyễn Thanh Hồng (đoàn Bình Dương). Ảnh: QH

Tranh luận với người đứng đầu ngành Công thương, ĐBQH Nguyễn Thanh Hồng (đoàn Bình Dương) cho rằng, ở đâu có nhiều nhà máy thủy điện thì ở đó gắn liền với lũ quét, lũ ống, sạt lở, ngập lụt.

“Chúng ta thường nói gió lũ mưa ngàn, tức nước vỡ bờ, làm nhiều đập thủy điện sẽ khiến nước dâng cao, phải tìm đường thoát, khi ấy sẽ gây ra hậu quả”, ông Hồng nêu quan điểm.

Doanh nghiệp phải đóng phí môi trường trước khi xây thủy điện

Phát biểu tranh luận, đại biểu Dương Trung Quốc (đoàn Đồng Nai) cảnh báo nếu chúng ta không nhìn nhận đúng về câu chuyện thủy điện thì sẽ để lại hậu quả nặng nề trong vài chục năm nữa.

Đồng tình với việc doanh nghiệp tham gia xây dựng dự án thủy điện phải đóng trước một khoản tiền coi như phí môi trường để sau này dừng khai thác còn khắc phục, đại biểu chỉ rõ, nếu dừng khai thác rồi mới phải xử lý, doanh nghiệp sẽ tìm cách thoái thác.

Theo đại biểu Dương Trung Quốc, việc xây dự án thủy điện phải có chế tài, Nhà nước phải nắm đằng chuôi. Còn nhiều doanh nghiệp tìm cách thoái thác, bỏ đi. Yếu tố lợi ích nhóm sẽ để lại nhiều tổn hại cho sau này.

Đại biểu Dương Trung Quốc (đoàn Đồng Nai). Ảnh: QH

Bàn về thuỷ điện, ĐBQH Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) lại cho rằng, mặt tích cực của thủy điện là điều tiết lũ tốt nhưng mặt trái là việc lạm dụng trong xây dựng, lợi dụng địa điểm và quy trình khi đầu tư thủy điện.

“Đáng tiếc rằng một số chủ đầu tư lạm dụng công trình để trục lợi thông qua phá rừng, lấy nguồn gỗ quý của rừng tự nhiên”, đại biểu Vân nói và cho rằng, đánh giá phải khách quan, nhiều chiều và con người chính là chủ thể vi phạm pháp luật do lợi ích nhóm gây ra, xử là xử động cơ mục đích của họ. Không nên vì lũ lụt mà đổ hết cho thủy điện.

Trước tình hình thiên tai bão lũ diễn biến phức tạp, gây thiệt hại lớn do biến đổi khí hậu, ĐBQH Nguyễn Lâm Thành (đoàn Lạng Sơn) đề nghị, cần nâng cấp các quy chuẩn kỹ thuật, văn bản pháp luật, quy hoạch phù hợp liên quan đến phòng chống thiên tai; hỗ trợ cải tạo nhà ở của người dân vùng thoát lũ, xả lũ; sắp xếp bố trí dân cư các điểm có nguy cơ cao, bổ sung nguồn lực trồng rừng và bảo vệ rừng…

Cần chi tiết hóa các bản đồ cảnh báo thiên tai

Bày tỏ lo lắng với những thiệt hại nghiêm trọng về người do lũ lụt ở miền Trung vừa qua, đặc biệt là những thiệt hại do sạt lở đất làm chết hàng chục người, đại biểu Nguyễn Tạo (đoàn Lâm Đồng) cho rằng, việc này có nguyên nhân từ việc bố trí các khu dân cư, các công trình phúc lợi và lực lượng cứu hộ, cứu nạn. Những vùng sâu, vùng xa, còn nhiều khó khăn, việc thực hiện quy hoạch các khu dân cư còn nhiều hạn chế, tồn tại.

Đại biểu Nguyễn Tạo (đoàn Lâm Đồng). Ảnh: quochoi.vn

Đại biểu đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành cần hoàn thành sớm các quy hoạch; chi tiết hóa các bản đồ cảnh báo thiên tai; đẩy mạnh xây dựng các công trình công cộng có tính lưỡng dụng ở khu vực miền núi. Các công trình này cần vừa phục vụ dân sinh, vừa phải phục vụ quốc phòng, an ninh mà vẫn đảm bảo công tác phòng chống thiên tai, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản.

Bên cạnh đó, đại biểu Tạo đánh giá, công tác cứu hộ, cứu nạn trong thời điểm mưa lũ vừa qua bộc lộ nhiều bất cập, chưa đáp ứng kịp thời, hiệu quả trong tình hình hiện nay. Thay mặt cử tri, ông đề nghị cần có lực lượng cứu hộ, cứu nạn độc lập mang tính chuyên nghiệp hơn.

“Nên giao cho lực lượng quân đội làm nòng cốt để đầu tư phương tiện chuyên dụng, kỹ thuật tiên tiến, hiện đại để ứng phó, cứu hộ, cứu nạn lâu dài”, đại biểu đề xuất.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thuỷ điện, mưa lũ tiếp tục làm “nóng” nghị trường Quốc hội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO