Thủy điện Lào Cai: Những "khoảng tối" sau ánh điện

29/08/2018 15:26

(TN&MT) - Không thể phủ nhận việc đóng góp nguồn thuế và điện năng của một số công trình thủy điện trên địa bàn tỉnh Lào Cai trong việc phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh này. Tuy nhiên, gần như đi tới đâu, thủy điện đều mắc phải sự phản đối của cả người dân và chính quyền sở tại. Nguyên nhân vì đâu?. 

Đập thủy điện Tả Thàng – nơi cấm người dân đi qua gây bức xúc kéo dài nhiều năm
Đập thủy điện Tả Thàng - nơi cấm người dân đi qua gây bức xúc kéo dài nhiều năm
 

Những đứa "con cưng" 

Sống ngay dưới chân thủy điện mà không có điện suốt nhiều năm dài, hay việc hiến đất để xây dựng thủy điện nhưng bị thủy điện từ chối không cho đi nhờ và treo biển cấm... là nỗi buồn của một số hộ dân vùng cao thuộc tỉnh Lào Cai.

Theo thống kê của cơ quan chức năng tỉnh Lào Cai thì hiện tại tỉnh này đang có khoảng 80 thủy điện lớn nhỏ đã và đang xây dựng trên địa bàn. Nhẩm tính, Lào Cai có 8 huyện, thành phố, có đến 80 công trình thủy điện lớn nhỏ thì trung bình một huyện sẽ có 10 thủy điện tọa lạc. Không thể phủ nhận những lợi ích mà thủy điện đem lại cho sự an sinh và phát triển kinh tế của tỉnh này. Tuy nhiên, những câu truyện buồn xung quanh thủy điện vẫn còn tiếp diễn.

Trở về quá khứ, câu chuyện cách đây 6 năm, năm 2011 hơn 40 hộ của dân thôn Giàng Trù, xã Nậm Khánh, huyện Bắc Hà dở khóc dở cười khi tự nguyện hiến đất để xây dựng nhà máy thủy điện Nậm Phàng vì tin vào lời hứa sẽ có ánh sáng điện về đến từng nhà. Tuy nhiên, 6 năm sau cả bản làng vẫn không thấy ánh sáng điện đâu mặc dù sống ngay dưới chân thủy điện. Phải đến khi báo chí vào cuộc và các cơ quan chức năng của tỉnh Lào Cai xuống làm việc thì Công ty điện năng Bắc Hà đơn thi công thủy điện Nậm Phàng mới thực hiện lời hứa của mình.  

Tiếp theo là câu chuyện xảy ra tại Nhà máy thủy điện Tả Thàng của Tổng Cty CP Thương mại Xây dựng (Vietracimex). Dự án nằm trên địa phận 3 xã là Gia Phú (Bảo Thắng) và Suối Thầu, Bản Phùng (Sa Pa). Công trình chính thức khởi công tháng 5/2009 và hoàn thành năm 2013 với công suất 60 MW/2 tổ máy vận hành.

Thân đập Thủy điện Tả Thàng nằm chặn ngang suối Ngòi Bo, hai bên là rất nhiều thửa ruộng bậc thang của bà con nông dân, khi người dân đi nhờ qua vai đập, nhà máy đã ngăn cản, thậm chí treo biển cấm. Lý do đưa ra là ảnh hưởng an toàn hồ đập. Người dân kêu đệ đơn lên xã, huyện kiến nghị lên tỉnh. Cơ quan chức năng tỉnh Lào Cai kiểm tra và kết luận, việc đi lại của người dân qua lại hoàn toàn không ảnh hưởng tới vai đập. Tuy nhiên, chủ đầu tư kiên quyết phản đối. Sự việc nhùng nhằng nhiều năm, cho tới hiện tại vẫn chưa được giải quyết xong.

thuy dien 1 2
Đại công trường dự án thủy điện Bản Hồ chưa đền bù cho dân vẫn nghênh ngang xây dựng


Búc xúc gần đây nhất về thủy điện là câu chuyện của Thủy điện Bản Hồ công suất 9MW có địa điểm xây dựng tại xã Bản Hồ, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai do Công ty Cổ phần Công nghiệp Việt Long làm chủ đầu tư được UBND tỉnh Lào Cai phê duyệt Quyết định chủ trương đầu tư ngày 7/3/2018, sau 5 tháng tiếp tục được được UBND tỉnh Lào Cai điều chỉnh chủ trương đầu tư tại Quyết định số 2395/QĐ-UBND, ngày 7/8/2018 nâng công suất lắp máy lên 10MW. Khi triển khai làm dự án thủy điện Bản Hồ, nhà đầu tư không hề thông báo đến chính quyền địa phương, người dân có đất trong phạm vi dự án tố cáo chủ đầu tư thủy điện thu hồi đất chưa đền bù đã cho máy xúc vào làm khiến họ rất bức xúc. Không những thế, chủ đầu tư còn ngang nhiên đào kênh dẫn dòng, đắp quai đê nắn suối Mường Hoa để thi công hố móng. Khoảng 500m3 đất đá bị đổ xuống suối Mường Hoa gây bồi lấp, cản trở dòng chảy, ô nhiễm môi trường. 

Vì sao thủy điện vẫn tiếp tục mọc lên?

Mỗi thủy điện được xây dựng là môi trường bị hủy hoại, đời sống nhân dân bị ảnh hưởng, những vì sao các thủy điện ở Lào Cai vẫn mọc lên như nấm sau mưa?. 

Theo thống kê của cơ quan chức năng tỉnh Lào Cai, hiện có 80 công trình thủy điện vừa và nhỏ với tổng công suất gần 1.200MW. Trong đó, có 44 dự án đã hoàn thành với tổng công suất lắp máy 765,6MW, 18 dự án đã khởi công thi công với tổng công suất lắp máy 246,35MW, 10 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng công suất lắp máy 110,3MW, 8 dự án đang khảo sát lập dự án với tổng công suất lắp máy 69,7MW. Cứ 1MW hòa vào điện lưới là đóng góp vào ngân sách khoảng 1 tỷ đồng. Như vậy, mỗi năm, 44 nhà máy thủy điện nộp ngân sách trên 700 tỷ đồng. Với sự đóng góp không hề nhỏ vào sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh thì việc ưu ái cho các doanh nghiệp khai thác thủy điện là điều đương nhiên mà tỉnh Lào Cai sẽ làm.

Đằng sau những thủy điện mọc lên như nấm là những dòng suối trơ cạn không còn sự sống.
Đằng sau những thủy điện mọc lên như nấm là những dòng suối trơ cạn không còn sự sống


Được biết, chỉ trong có 4 tháng từ 20/4/2018 đến 31/7/2018, tỉnh Lào Cai đã tổ chức tới 2 cuộc họp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp đâu tư xây dựng các công trình thủy điện.Tại các cuộc họp, doanh nghiệp đề xuất tỉnh Lào Cai cần ưu ái tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn, về vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, cấp giấy phép tận thu khoáng sản cát, sỏi dưới lòng hồ, gia hạn thời gian hoàn thành dự án và điều chỉnh thời gian quy định thực hiện trách nhiệm nộp ngân sách với nhà nước…

Và lẽ đương nhiên những đề xuất kiến nghị đó được tỉnh Lào Cai chấp nhận và cho rằng, những đề xuất, kiến nghị nêu trên là rất thiết thực, chính đáng. 

Không những thế tỉnh Lào Cai còn chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp và yêu cầu các cấp, các ngành có liên tập trung giúp đỡ tháo gỡ khó khăn và tạo điều kiện hỗ trợ cho doanh nghiệp. Ngành thuế hướng dẫn doanh nghiệp hoàn thiện thủ tục gia hoãn thời gian chậm nộp và nộp thuế. Ngành ngân hàng, bảo hiểm tạo điều kiện giúp đỡ, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp.

Thậm chí, đại diện nhiều sở ban ngành tỉnh Lào Cai còn có ý kiến cho phép doanh nghiệp vay vốn từ nguồn vốn nhàn rỗi của tỉnh với lãi suất hỗ trợ ưu đãi, thời gian trả nợ từ 3 - 5 năm.

Không thể phủ nhận những đóng góp mà thủy điện mang tới cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Lào Cai. Tuy nhiên, tỉnh Lào Cai cũng cần xem xét cân nhắc, có một quy định hợp lý trong đầu tư và xây dựng thủy điện. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thủy điện Lào Cai: Những "khoảng tối" sau ánh điện
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO