Vùng đất giàu tiềm năng du lịch
Từ Trung tân tỉnh lỵ Xứ Thanh, chúng tôi vượt quãng đường hơn 60km về phía tây, là nơi sinh sống chủ yếu của các dân tộc Thái, Mường, Kinh. Quê hương “Quế ngọc - Châu thường” là vùng đất nổi tiếng địa linh nhân kiệt, con người có truyền thống anh hùng trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm, cần cù, chịu thương chịu khó trong lao động sản xuất.
Được thiên nhiên ban tặng nhiều tài nguyên thiên nhiên quý giá với địa hình đồi núi cao, nhiều khu rừng có cảnh quan đẹp là điều kiện tốt cho việc phát triển du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng.
Một địa điểm du lịch tâm linh nổi tiếng của huyện Thường Xuân phải kể đến đó là đền thờ Cầm Bá Thước ( hay còn gọi là Đền Cửa Đặt) và Bà Chúa Thượng Ngàn. Mùa xuân hàng năm, nơi đây thu hút hàng vạn lượt du khách đến dâng hương, thưởng ngoạn.
Ngay gần đó là công trình thủy điện Cửa Đặt hùng vĩ, mặt hồ rộng 3.300ha với đáy nước trong xanh in bóng núi non tạo nên khung cảnh vô cùng trầm mặc và hữu tình. Du khách đi thuyền hơn 1 giờ đồng hồ thưởng ngoạn cảnh sắc lòng hồ Cửa Đặt, sau đó đi bộ khoảng 300m, Thác Yên hiện ra với những dòng nước trắng xóa như những dải lụa giữa trời, đến đây du khách sẽ như lạc vào xứ thần tiên, chỉ muốn được ở mãi không muốn vể.
Bên cạnh đó, còn có Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên ở thượng nguồn sông Chu, nơi đây được ví như rừng Amazon của Việt Nam bởi có hệ động vật và thảm thực vật đa dạng, phong phú, có nhiều loại được ghi tên trong sách đỏ thế giới..
Hiện nay khu bảo tồn đã xác định các tuyến, điểm và đang triển khai xây dựng, từng bước hoàn thiện hạ tầng phục vụ khai thác, phát triển du lịch sinh thái, gồm: Tuyến du lịch sinh thái trên lòng hồ Cửa Đạt gắn với điểm dừng nghỉ chân thưởng thức ẩm thực ở ngã ba Sông Khao; du lịch sinh thái thác Yên, thác Thiên Thủy; du lịch sinh thái dưới tán rừng nguyên sinh và quần thể cây di sản pơmu, samu…
Du lịch cộng đồng hứa hẹn khởi sắc
Những năm gần đây, huyện Thường Xuân đang mở ra một hướng đi mới cho bộ mặt du lịch của địa phương khi xây dựng các mô hình du lịch cộng đồng. Những bản làng người Thái với những nếp nhà sàn truyền thống, nét văn hóa độc đáo trở thành thế mạnh để địa phương khai thác và phát huy.
Bản Vịn, xã Bát Mọt nằm trong chiến lược phát triển du lịch cộng đồng của huyện trong những năm tới. Cảnh sắc nên thơ, khí hậu mát mẻ khiến nơi này được ví như một Tam Đảo hay Sapa của huyện Thường Xuân. Để đến được đây du khách phải vượt hơn 50k đường rừng với 2 bên đường là những cánh rừng thăm thẳm ngút ngàn và nhưng cung đường đèo uốn lượn quanh co.
Ngoài bản Vịn, du lịch cộng đồng bản Mạ (thôn Thanh Xuân, xã Xuân Cẩm) cũng là một điểm đến thú vị. Chỉ cách thị trấn Thường Xuân chừng 2 km, bản Mạ ở bên kia dòng sông Chu với những mái nhà sàn, những thửa ruộng bậc thang nho nhỏ tạo nên khung cảnh bình yên, trữ tình.
Người đồng bào dân tộc Thái ở đây sống quây quần đoàn kết, hiền hậu và mến khách, đặc biệt đồng bào vẫn còn lưu giữ được nét văn hóa đặc sắc của người Thái như: Hát khặp, múa sạp, cồng chiêng và khua luống. Du khách đến đây, ngoài trải nghiệm cuộc sống hòa mình trong không gian văn hóa người Thái, còn được gia chủ thết đãi nhiều món ngon, là ẩm thực độc đáo của địa phương như: Canh uôi, măng rừng, canh đắng, thịt trâu gác bếp, cá nướng, các loại chẻo. Đặc biệt là các loại đặc sản, như: Cá Mướn, cá Sứt mũi, cá Thiết lình, cá Lăng, cá Leo, Lợn cỏ, Gà đồi... Nhờ mô hình du lịch cộng đồng, người dân trong bản Mạ có công ăn việc làm, thu nhập ổn định từ đó thoát nghèo.
Ông Vi Văn Tiên, trưởng thôn Thanh Xuân cho biết: Nhờ sự hỗ trợ, tạo điều kiện của chính quyền địa phương, bản Mạ có 2 gia đình thực hiện mô hình du lịch cộng đồng. Riêng gia đình ông đã vay vốn để đầu tư cơ sở vật chất để thu hút du khách.
Sau gần 3 năm thực hiện, đến nay gia đình ông đã đón nhiều du khách cả trong và ngoài nước. Thu nhập mỗi tháng dao động từ 20-30 triệu đồng. “Ngày trước chúng tôi chỉ biết đi vào rừng kiếm ăn, từ khi mô hình này đi vào hoạt động, chúng tôi đã có công ăn việc làm, tạo thu nhập đều đặn, đúng là một bước tiến đáng kể. Hiện tại, chúng tôi đang có định hướng tiếp tục đầu tư, mở rộng mô hình này để hướng tới đón lượng du khách lớn hơn”, ông Tiên chia sẻ.
Mặc dù quy mô của mô hình vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ, tuy nhiên, địa phương kì vọng từ những cơ sở ban đầu, những năm tới sẽ tiếp tục mở rộng và phát triển, biến nơi đây thành một điểm du lịch nổi tiếng.
Ông Cầm Bá Đứng, Phó chủ tịch UBND huyện Thường Xuân cho biết: Mặc dù Thường Xuân sở hữu nguồn tài nguyên du lịch tự nguyên sẵn phong phú nhưng đến nay vẫn chưa khai thác tương xứng với tiềm năng. Ngân sách nhà nước cấp cho hoạt động phát triển du lịch còn hạn chế, nhiều quy hoạch được phê duyệt nhưng thu hút được đầu tư như khu du lịch sinh thái bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên, quy hoạch khu đô thị Cửa Đặt.
“Huyện xác định hướng tập trung phát triển chủ yếu là du lịch sinh thái khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên gồm lòng hồ Cửa Đạt và hồ Xuân Minh; du lịch cộng đồng tại 2 địa điểm là bản Vịn, xã Bát Mọt và thôn Thanh Xuân, xã Xuân Cẩm. Trước mắt, huyện sẽ tiếp tục hoàn chỉnh các quy hoạch, đề án nhằm thu hút đầu tư phát triển du lịch theo hướng tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch mà huyện có lợi thế như du lịch tâm linh, lễ hội, du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái. Ưu tiên thu hút các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng du lịch, dịch vụ, khách sạn, các công trình văn hóa…”, ông Đứng nói.