Phát biểu tại Hội thảo, ông Hồ Hồng Hải - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết: Theo số liệu điều tra, thống kê của Bộ Y tế, hiện nay Việt Nam vẫn nằm trong số 15 quốc gia sử dụng thuốc lá cao nhất thế giới, tỷ lệ sử dụng thuốc lá ở Việt Nam giảm chậm và còn cao. Đặc biệt, tỷ lệ sử dụng lá ở các thành phố có xu hướng tăng, nhất là học sinh, sinh viên, giới trẻ.
Khi đó, việc thông tin và quản lý nhà nước đối với các sản phẩm thuốc lá mới này chưa được đồng bộ và hiệu quả; Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá chưa có quy định điều chỉnh đối với thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng. Điều này dẫn đến việc số lượng lớn sản phẩm thuốc lá mới vẫn được đưa vào Việt Nam qua đường nhập lậu, xách tay… Người tiêu dùng có thể dễ dàng mua bất hợp pháp các sản phẩm thuốc lá mới trên Internet, các trang mạng xã hội, Facebook, Zalo cá nhân…
Theo ông Hồ Hồng Hải, đứng trước thực trạng và nguy cơ về tác hại đến sức khỏe con người và các hệ lụy xã hội do sử dụng các loại thuốc lá mới gây ra, Bộ Thông tin và Truyền thông nhận thấy việc thông tin, truyền thông về các vấn đề như: Tác hại của các sản phẩm thuốc lá mới; thực trạng sử dụng và các biện pháp kiểm soát thuốc lá tại Việt Nam, trong đó đặc biệt chú trọng đến cách kiểm soát thuốc lá bằng công cụ tài chính là một trong những chủ đạo để thực hiện mục tiêu giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá tại Việt Nam hiện nay.
Ông Hồ Hồng Hải hy vọng các phóng viên, biên tập viên báo đài Trung ương và địa phương sẽ cập nhật được những thông tin, kiến thức mới, hữu ích về các sản phấm thuốc lá thế hệ mới và biện pháp kiểm soát sử dụng thuốc lá. Qua đó, các phóng viên, biên tập viên sẽ có nhiều tác phẩm báo chí chất lượng để phòng chống tác hại của thuốc lá được diễn ra sâu rộng và hiệu quả hơn nữa.
Trình bày thực trạng sử dụng thuốc lá, tác hại của thuốc lá và mục tiêu giảm sử dụng thuốc lá tại Việt Nam, bà Nguyễn Thị Thu Hương - chuyên gia của Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá (Bộ Y tế) cho hay: Tại Việt Nam, khoảng 40.000 người tử vong/năm vì các bệnh có liên quan đến thuốc lá. WHO dự báo đến năm 2030, sẽ tăng lên tới 70.000 người tử vong/năm nếu các biện pháp phòng chống tác hại thuốc lá hiệu quả không được thực hiện. Trong đó có 25 căn bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá như: đột quỵ, mạch vành, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, ung thư phổi là những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở Việt Nam.
Về các sản phẩm thuốc lá mới, bà Nguyễn Thị Thu Hương cho rằng, theo WHO, thế giới chưa có bằng chứng thuốc lá điện tử giúp cai thuốc mà ngược lại bằng chứng cho thấy người sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng có nguy cơ sử dụng thuốc lá thông thường, nhiều người sử dụng đồng thời cả thuốc lá điện tử và thuốc lá thông thường. Thuốc lá là sản phẩm gây nghiện, thế giới đã mất hàng chục năm chỉ để chống lại các tác hại của thuốc lá thông thường mà kết quả còn chưa được như mong đợi. Nếu cho phép sản phẩm mới này, Việt Nam sẽ phải gánh chịu những hậu quả nặng nề hơn rất nhiều trong tương lai gần.
Chia sẻ về các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới, ông Nguyễn Tuấn Lâm - đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam cho biết: Hiện nay, một số sản phẩm thuốc lá mới như: thuốc lá điện tử có nicotine, thuốc lá nung nóng, nhóm sản phẩm hỗn hợp… Thuốc lá thế hệ mới chứa nhiều chất độc giống như thuốc lá truyền thống, thuốc nung nóng cũng chứa nhiều chất độc giống như khói thuốc lá.
Ông Nguyễn Tuấn Lâm cho rằng, nguy cơ nếu cho phép các loại thuốc lá mới sẽ tăng nhanh tỷ lệ sử dụng thuốc lá mới, dẫn tới nghiện nicotine và sử dụng thuốc lá thông thường ở giới trẻ; gia tăng nguy cơ tổn thương phổi cấp và chấn thương do nổ pin thuốc lá điện tử; nguy cơ lạm dụng ma túy với thuốc lá điện tử… WHO khuyến cáo, hiện tại các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới không được phép nhập khẩu, quảng cáo và bán ở Việt Nam; nên duy trì và tăng cường các quy định luật pháp hiện tại về cấm nhập khẩu và bán để ngăn ngừa sự gia tăng nhanh chóng tỷ lệ sử dụng trong giới trẻ; đồng thời, tăng cường thực thi quy định chống buôn lậu, quảng cáo và bán các sản phẩm này.