Thực thi Nghị định 45 xử phạt vi phạm về môi trường và góc nhìn từ các tỉnh miền Trung: Mục tiêu lớn nhất không phải là xử phạt tối đa

Phạm Oanh| 23/08/2022 14:34

(TN&MT) - Nghị định 45/2022/NĐ-CP của Chính phủ được dự báo là công cụ đắc lực tăng hiệu lực thực thi Luật Bảo vệ môi trường 2020. Hiện các địa phương nói chung, các tỉnh miền Trung nói riêng đang hoàn thiện các bước chuẩn bị để đón nhận và triển khai Nghị định một cách hiệu quả nhất.

Từ ngày 25/8, Nghị định số 45/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực bảo vệ môi trường (BVMT) bắt đầu có hiệu lực với nhiều mức phạt nặng, mang tính răn đe hơn. Để Nghị định đi vào cuộc sống, các địa phương cần tăng cường phổ biến, tập huấn đến đông đảo người dân, doanh nghiệp.

Nhiều điểm mới cần lưu ý

Nghị định số 45/2022/NĐ-CP được xây dựng trên cơ sở kế thừa một số quy định của Nghị định 155/2016/NĐ-CP và Nghị định 55/2021/NĐ-CP, đồng thời có các quy định mới, tương ứng với các quy định trong Luật Bảo vệ môi trường, Nghị định 08/2022/NĐ-CP và Thông tư 02/2022/TT-BTNMT.

Những quy định mới trong Nghị định số 45/2022/NĐ-CP có thể kể đến như: Những hành vi vi phạm liên quan đến việc cấp Giấy phép môi trường; phân loại chất thải sinh hoạt tại nguồn; ứng phó sự cố môi trường; các quy định về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, bảo vệ tầng ô dôn; BVMT di sản thiên nhiên…

anh-hoi-truong.jpg

Những quy định mới trong Nghị định 45/2022/NĐ-CP nói riêng và các văn bản quy phạm pháp luật mới về tài nguyên môi trường nói chung đã và sẽ được phổ biến, tập huấn tại các địa phương.

Đặc biệt, theo ông Phan Tuấn Hùng - Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ TN&MT), một trong những điểm mới quan trọng của Nghị định 45/2022/NĐ-CP chính là các quy định xử phạt vi phạm hành chính về trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất được quy định tại Điều 32 và Điều 33.

Theo đó, các hành vi vi phạm quy định thực hiện trách nhiệm tái chế, xử lý sản phẩm, bao bì của nhà sản xuất, nhập khẩu… Bên cạnh đó, Nghị định số 45/2022/NĐ-CP đã đưa ra các mức xử phạt vi phạm hành chính về BVMT cao hơn các quy định trước đây. Đồng thời, chú trọng vào việc khắc phục hậu quả trong xử lý vi phạm, điển hình như việc buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp sẽ góp phần ngăn chặn hiệu quả tình trạng cố tình vi phạm để trốn đầu tư hoặc chi phí vận hành cho các công trình BVMT.

Nghị định cũng bổ sung một số quy định để đảm bảo hiệu quả thực thi việc xử phạt vi phạm về BVMT trong thực tiễn như quy định về thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính đối với từng hành vi vi phạm, trong đó, quy định cụ thể nhóm hành vi kết thúc, hành vi đang thực hiện. Việc quy định này để phù hợp với quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi, bổ sung năm 2020. Hay như việc bổ sung thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính cho một số lực lượng mới như: Kiểm ngư; cảng vụ hàng không; Cục quản lý môi trường y tế; thanh tra các chuyên ngành: công thương, văn hóa, thể thao và du lịch… nhằm tăng cường tối đa lực lượng tham gia vào việc kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực BVMT, để đạt được các mục tiêu cao hơn của hoạt động xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực BVMT.

Với nhiều điểm mới như trên, Nghị định số 45/2022/NĐ-CP là văn bản quan trọng, quy định mang tính răn đe, xử phạt các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về BVMT, là một trong những biện pháp bảo đảm các quy định được thực hiện một cách nghiêm minh và hiệu quả.

1f746d9ba0bf65e13cae.jpg
Cần đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp về các quy định của pháp luật về BVMT

Tăng cường phổ biến, tập huấn, đưa Nghị định vào cuộc sống

Với khá nhiều điểm mới, việc đưa Nghị định số 45/2022/NĐ-CP vào cuộc sống là thách thức không nhỏ. Ở phương diện quản lý Nhà nước, mục tiêu lớn nhất của Nghị định xử phạt vi phạm hành chính không phải là tìm cách xử phạt tối đa, mà là bảo đảm các quy định của pháp luật được thực thi một cách nghiêm minh.

Chính vì vậy, các địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp biết, hiểu và thực hiện đúng các quy định của pháp luật về BVMT, để hạn chế tối đa các hành vi vi phạm do thiếu hiểu biết hoặc do thiếu các điều kiện để thực hiện đúng các quy định BVMT.

Cùng với đó, cần tăng cường giám sát, kịp thời phát hiện các vi phạm pháp luật về BVMT, kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm để các hành vi vi phạm không tái diễn, bảo đảm tính răn đe nhằm hạn chế tối đa các hành vi vi phạm hành chính.

Hiện Bộ TN&MT đã có nhiều hoạt động thiết thực nhằm phổ biến, tập huấn các văn bản quy phạm pháp luật về TN&MT nói chung và Nghị định số 45/2022/NĐ-CP nói riêng. Bên cạnh việc tổ chức các hội nghị, hội thảo tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật mới của ngành, Bộ còn phổ biến các quy định pháp luật thông qua Cổng thông tin điện tử của Bộ; trả lời các câu hỏi, giải đáp các vướng mắc pháp luật bằng văn bản, thông qua phương tiện truyền thông đại chúng…

Thời gian tới, Bộ TN&MT sẽ tiếp tục tổ chức các hoạt động phổ biến, tập huấn các văn bản quy phạm pháp luật mới của ngành TN&MT cũng như Nghị định số 45/2022/NĐ-CP.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thực thi Nghị định 45 xử phạt vi phạm về môi trường và góc nhìn từ các tỉnh miền Trung: Mục tiêu lớn nhất không phải là xử phạt tối đa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO