Để làm rõ vấn đề này, ngày 28/11/2021, UBND huyện Mèo Vạc đã chỉ đạo các ngành chức năng đi kiểm tra, xác minh cụ thể thì được biết. Cách đập thủy điện Nho Quế 1 khoảng 500m về phía thượng nguồn sông Nho Quế (gần bến thuyền thôn Hấu Chua, xã Giàng Chu Phìn), có xuất hiện vệt nước màu đen kéo dài đến gần hẻm vực Tu Sản (dài chừng 400m, diện tích khoảng 3ha). Vệt nước màu đen không có mùi của dầu, không thấy dầu nổi trên mặt nước và bám vào cây cỏ ven bờ; không thấy có hiện tượng cá chết....
Nước sông khu vực bến thuyền thôn Hấu Chua, xã Giàng Chu Phìn có màu đục nhìn giống vết dầu loang |
Kiểm tra khu vực bến thuyền không có hoạt động sửa chữa máy móc, thuyền chở khách đi lại trên sông cũng rất ít; dọc hai bên bờ sông không có hoạt động khai thác chế biến khoáng sản và các hoạt động có ảnh hưởng đến môi trường, không có hoạt động san lấp hay sạt lở đất.
Qua trao đổi với ông Phạm Quốc Quân (chủ thuyền chở khách) và một số hộ dân sinh sống gần khu bến thuyền thôn Tà Làng, xã Pải Lủng, huyện Mèo Vạc, thì được biết thêm: “Vào năm 2020 cũng xuất hiện vệt nước màu đen trong vài ngày rồi hết nhưng không có mùi dầu”.
Trao đổi với người dân địa phương và kiểm tra toàn bộ lòng hồ thủy điện Nho Quế 1 |
Theo nhận định ban đầu của các ngành chức năng của huyện Mèo Vạc thì việc xuất hiện màu đen trên lòng hồ thủy điện Nho Quế 1 (trông giống vết dầu loang) có thể không do tác động của con người mà là hiện tượng xuất hiện tự nhiên của hoạt động tảo theo mùa. Hiện tượng có đoạn sông màu đen, đoạn sông màu xanh do dòng chảy của sông không đồng đều (có đoạn bị quẩn lại dẫn đến độ đục cao).
Khu vực bến thuyền thôn Tà Làng, xã Pải Lủng và cầu Bản Mồ nước vẫn trong xanh như ngày thường |
Để có cơ sở khoa học khẳng định nước màu đen, ảnh hưởng đến môi trường nước lòng hồ thủy điện Nho Quế 1, huyện Mèo Vạc đã lấy mẫu nước gửi về Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Giang để phân tích đánh giá. Vì vậy, hiện nay chưa cơ sở đánh giá nước màu vàng đen trên lòng hồ thủy điện Nho Quế 1 là vết dầu loang như du khách và người dân phản ánh.