Thực hiện mục tiêu cam kết tại COP 21: Việt Nam ưu tiên sử dụng năng lượng tái tạo

12/01/2016 00:00

(TN&MT) - Hội nghị thượng đỉnh khí hậu thế giới COP 21 đã thông qua Thỏa thuận Paris với sự đồng thuận 195 nước thành viên Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu. Thời gian tới, Việt Nam sẽ làm gì để triển khai thực hiện Thỏa thuận Paris?.  Phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường đã có cuộc trao đổi với GS. Trần Thục - Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn Ủy ban Quốc gia về Biến đổi khí hậu xung quanh vấn đề này.

PV: Ông đánh giá như thế nào về tình hình triển khai các hoạt động ứng phó BĐKH hiện nay của Việt Nam?

GS. Trần Thục: Có thể nói, Việt Nam đã và đang làm tốt các hoạt động ứng phó biến đổi khí hậu. Tính đến thời điểm này, Việt Nam đã làm tốt hơn rất nhiều nước trên thế giới.

Cụ thể, tính đến tháng 6/2015, Việt Nam đã có 254 dự án Cơ chế phát triển sạch (CDM) được Ban Chấp hành quốc tế về CDM (EB) công nhận. Trong tổng 254 dự án, các dự án về năng lượng chiếm 87,6%, xử lý chất thải chiếm 10,2%, trồng rừng và tái tạo rừng chiếm 0,4%, các loại khác chiếm 1,8%. Việt Nam xếp thứ 4 trên thế giới về số lượng dự án, với tổng lượng khí nhà kính tiềm năng giảm khoảng 137,4 triệu tấn CO2 tương đương trong thời kỳ tín dụng. Và số chứng chỉ giảm phát thải được chứng nhận do EB cấp đến nay là trên 12 triệu, đứng thứ 11 trên thế giới.

Thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Đơn cử như: Chương trình Mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả...

Chính phủ đã có các chính sách ưu tiên về phát triển năng lượng tái tạo phù hợp với tiềm năng, điều kiện quốc gia đảm bảo an ninh năng lượng, bảo vệ môi trường. Các chính sách này khuyến khích người dân sử dụng tiết kiệm, hiệu quả trong sản xuất, sinh hoạt thông qua các hoạt động tiết kiệm năng lượng và sử dụng năng lượng tái tạo.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng có nhiều nỗ lực trong bảo vệ rừng, trồng rừng và tái tạo rừng nhằm nâng cao trữ lượng các-bon, giảm phát thải nhà kính. Trong giai đoạn tiếp theo, Việt Nam đang xây dựng và thực hiện các hành động giảm nhẹ phát thải nhà kính phù hợp với điều kiện quốc gia...

GS.Trần Thục - Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn Ủy ban Quốc gia về Biến đổi khí hậu
GS.Trần Thục - Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn Ủy ban Quốc gia về Biến đổi khí hậu

PV: Với 1 nước đang phát triển như Việt Nam, để triển khai thực hiện Thỏa thuận Paris chúng ta cần ưu tiên mục tiêu nào, thưa ông?

GS. Trần Thục: Thỏa thuận Paris đã quy định các nước phát triển phải có mục tiêu giảm phát thải nhà kính một cách rõ ràng, cụ thể và định lượng. Từ nay đến cuối thế kỷ 21, các nước phát triển phải giảm lượng phát thải nhà kính xuống bằng 0.

Còn đối với các nước đang phát triển như Việt Nam, Hội nghị yêu cầu trong thời gian tới, cần phải có kế hoạch phát triển giảm phát thải nhà kính bằng các kế hoạch ngắn hạn, trung hạn và dài hạn cụ thể, rõ ràng.

Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam ưu tiên chuyển đổi nền kinh tế phát thải sang nền kinh tế xanh ít các-bon. Đồng thời, các cơ quan Nhà nước cần ngồi lại xem xét, xác định kế hoạch, chiến lược cụ thể để có giải pháp thích ứng biến đổi khí hậu phù hợp với từng vùng, từng địa phương

Trong giai đoạn tiếp theo, Việt Nam phải cố gắng đạt đỉnh điểm phát thải cao nhất vào năm 2020 và giảm mạnh vào năm 2025, để tiến tới phát thải nhà kính xuống mức bằng 0 trong thế kỷ này.

Báo cáo Đóng góp dự kiến do quốc gia tự quyết định (INDC) đã thể hiện những nỗ lực của Việt Nam về giảm phát thải nhà kính và hoạt động thích ứng biến đổi khí hậu sẽ được thực hiện tại Việt Nam từ nay đến năm 2030.

PV: Trong thời gian tới, Việt Nam chuyển đổi nền kinh tế phát thải sang nền kinh tế xanh ít các-bon chúng ta cần phải làm gì, thưa ông?

GS. Trần Thục: Trong giai đoạn tới, Việt Nam muốn cải tiến kỹ thuật, chuyển nền kinh tế phát thải sang nền kinh tế xanh hơn, cần làm rất nhiều, nỗ lực rất nhiều và có sự đồng lòng từ chính quyền đến địa phương. Tuy nhiên, có một số vấn đề cần được ưu tiên thực hiện như sau:

Thứ nhất, đến thời điểm này, Việt Nam vẫn đang sử dụng nguồn nhiên liệu hóa thạch là chính, phần đóng góp của nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng sạch còn hạn chế. Trong khi đó, Thế giới đang chuyển qua sử dụng hoàn toàn bằng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo. Vì vậy, Việt Nam sớm hay muộn cũng phải phát triển nguồn năng lượng tái tạo để giảm bớt lượng phát thải nhà kính.

Thứ hai, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ, năng lượng cần phải tự nâng cao năng lực, đầu tư nghiên cứu phát triển công nghệ để phát triển ngành năng lượng tái tạo, năng lượng sạch.

Thứ ba, chú trọng vào phát triển năng lượng mặt trời, năng lượng gió. Bởi Việt Nam có rất nhiều tiềm năng để phát triển hai nguồn năng lượng này. Nếu như có công nghệ mới và giá thành rẻ hơn, chắc chắn năng lượng tái tạo, năng lượng sạch có thể thay thế hoàn toàn năng lượng từ hóa thạch.

Thứ tư, Việt Nam muốn tăng độ che phủ rừng lên 45%, cần giai đoạn tới cần phải thiết lập hệ thống quốc gia về kiểm kê khí nhà kính, hệ thống đo đạc, báo cáo và thẩm định các cấp. Đồng thời, áp dụng công nghệ giảm nhẹ phát thải nhà kính trong lĩnh vực lâm nghiệp.

Và từ nay đến năm 2018, Việt Nam cần  nghiên cứu sâu sắc, tập trung mọi nguồn lực có thể để đưa ra chiến lược dài hạn về giảm nhẹ phát thải nhà kính và thích ứng biến đổi khí hậu giai đoạn 2012 - 2030.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Vũ Vân

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thực hiện mục tiêu cam kết tại COP 21: Việt Nam ưu tiên sử dụng năng lượng tái tạo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO