Thúc đẩy vai trò của nữ nghị sĩ trong bảo đảm việc làm và thu nhập cho lao động nữ

Tuyết Chinh| 08/09/2020 16:03

(TN&MT) - Trong khuôn khổ Đại hội đồng Liên nghị viện Hiệp hội các nước Đông Nam Á lần thứ 41 (AIPA 41), chiều 8/9, đã diễn ra Hội nghị Nữ nghị sĩ AIPA (WAIPA), với chủ đề “Tăng cường vai trò của nữ nghị sĩ trong bảo đảm việc làm và thu nhập cho lao động nữ” bằng hình thức trực tuyến.

Hội nghị Nữ nghị sĩ AIPA đã thảo luận và thông qua Nghị quyết thúc đẩy vai trò của nữ nghị sĩ trong bảo đảm việc làm và thu nhập cho lao động nữ.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, Chủ tịch Nhóm nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam Tòng Thị Phóng phát biểu khai mạc Hội nghị WAIPA

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, Chủ tịch Nhóm nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam Tòng Thị Phóng cho biết, thúc đẩy việc làm bền vững và thu nhập tốt hơn cho phụ nữ và nam giới trong môi trường tự do, an toàn, bình đẳng và tôn trọng nhân phẩm là một trong những thước đo sự tiến bộ của một quốc gia, được ghi nhận trong nhiều văn kiện thế giới và khu vực. Chương trình phát triển bền vững thế giới giai đoạn 2015-2030 đặt ra mục tiêu đến năm 2030 đạt được việc làm đầy đủ và năng suất, công việc tử tế cho tất cả phụ nữ và nam giới, trả lương bình đẳng cho những công việc có cùng giá trị.

Mặc dù đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong năm 2020 và những năm trước đây, song những số liệu mới cập nhật cho thấy, vẫn tồn tại sự bất bình đẳng dai dẳng giữa phụ nữ và nam giới trong việc tiếp cận thị trường lao động, tình trạng thất nghiệp và điều kiện làm việc. Đại dịch Covid-19 đã tác động nghiêm trọng đến lực lượng lao động nữ, gần 510 triệu người, tức là gần 40% lao động nữ toàn cầu hiện nay đang làm việc trong những ngành nghề bị ảnh hưởng nặng nề nhất; trong khi lao động nam đang làm việc trong những ngành nghề ít bị ảnh hưởng hơn.

Do đó, việc xóa bỏ khoảng cách giới trong việc làm cần được thảo luận, thống nhất ưu tiên hàng đầu nếu chúng ta muốn đạt được bình đẳng giới và trao quyền cho tất cả phụ nữ và trẻ em gái vào năm 2030.

Với nỗ lực không ngừng nghỉ trong việc cải thiện chính sách, tạo môi trường bình đẳng cho phụ nữ, sự quan tâm của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị, Việt Nam đã ban hành Luật Bình đẳng giới và đạt được những thành tựu về bình đẳng giới, xoá bỏ khoảng cách giới, đặc biệt là lĩnh vực lao động và việc làm.

Toàn cảnh phiên thứ nhất AIPA 41, sáng 8/9

Năm 2019, Luật Lao động được sửa đổi toàn bộ số Luật để những quy định về lao động và việc làm cho lao động nữ tập trung vào việc bảo đảm quyền lợi người lao động và nâng cao năng lực cạnh tranh, chính sách về lao động việc làm, thu nhập đối với lao động nữ. Trong những năm tới, Quốc hội Việt Nam sẽ tiếp tục nỗ lực hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật và tăng cường giám sát về bảo đảm bình đẳng giới được thực hiện thực chất, không ai bị bỏ lại phía sau.

Với việc Nghị quyết Thúc đẩy vai trò của nữ nghị sĩ nhằm bảo đảm việc làm và thu nhập cho lao động nữ được xem xét và thông qua, Phó Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Tòng Thị Phóng mong rằng, các Nghị viện thành viên sẽ hiện thực hoá cam kết toàn cầu.

Hội nghị cũng đã tập trung thảo luận về thu nhập của các Nghị viện thành viên với vai trò phụ nữ trong việc thúc đẩy bình đẳng giới. Đồng thời, đề xuất cơ chế hợp tác Nghị viện ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng trong thúc đẩy thu nhập và việc làm của phụ nữ, nhất là trong bối cảnh chịu tác động nặng nề của đại dịch Covid-19 trên toàn cầu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thúc đẩy vai trò của nữ nghị sĩ trong bảo đảm việc làm và thu nhập cho lao động nữ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO