Đó là khẳng định của Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân tại Hội thảo tổng kết hoạt động KH&CN giai đoạn 2011 - 2020 và định hướng đến năm 2030 của Bộ TN&MT vừa diễn ra tại Hà Nội.
Góp phần quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó BĐKH
Về hoạt động khoa học và công nghệ giai đoạn 2011 - 2021 của Bộ TN&MT, ông Trần Bình Trọng - Vụ trưởng Vụ KH&CN cho biết, 10 năm qua, ngành TN&MT đã triển khai thực hiện nhiều chương trình, đề tài nghiên cứu KH&CN trong tất cả các lĩnh vực, góp phần nâng cao chất lượng công tác điều tra cơ bản, đề xuất các biện pháp nhằm quản lý, bảo vệ, sử dụng tiết kiệm, hợp lý tài nguyên thiên nhiên, BVMT, phòng tránh thiên tai, bảo đảm an toàn cho cộng đồng xã hội, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Theo đó, giai đoạn 2011 - 2020, Bộ TN&MT được giao chủ trì quản lý, thực hiện 3 Chương trình KH&CN cấp quốc gia: “KH&CN phục vụ Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu”, “Nghiên cứu khắc phục hậu quả lâu dài chất độc dacam/dioxin do Mỹ sử dụng trong chiến tranh đối với môi trường và sức khỏe con người Việt Nam”, “KH&CN ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý TN&MT giai đoạn 2016 - 2020”; 15 Chương trình KH&CN trọng điểm cấp Bộ” và nhiều nhiệm vụ độc lập cấp quốc gia và hợp tác nghiên cứu theo Nghị định thư.
Kết quả nghiên cứu của các nhiệm vụ KH&CN thuộc các Chương trình đã đóng góp cơ sở lý luận và thực tiễn phục vụ cho việc sửa đổi Luật Đất đai năm 2003, đề xuất các giải pháp góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật đất đai liên quan đến việc thực hiện các quyền của người sử dụng đất, xây dựng các giải pháp giải quyết một số vấn đề còn bất cập về cơ chế, chính sách đất. Cung cấp cơ sở khoa học phục vụ hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về tài nguyên nước phục vụ quản lý, khai thác, sử dụng, bảo vệ và phát triển bền vững tài nguyên nước quốc gia. Cung cấp các luận cứ khoa học cho việc đề xuất và hoàn thiện khung chính sách, pháp luật, phục vụ trực tiếp cho việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về môi trường như: Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đa dạng sinh học và các văn bản dưới luật, luận cứ khoa học phục vụ xây dựng các Chiến lược, Quy hoạch dài hạn phát triển lĩnh vực môi trường đóng góp cơ sở lý luận và thực tiễn để xây dựng Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; góp phần xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về Đo đạc bản đồ, viễn thám; đề xuất cơ chế quản lý hiệu quả công tác đo đạc và bản đồ, viễn thám từ Trung ương đến địa phương.
Bên cạnh đó, kết quả nghiên cứu khoa học đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng công tác điều tra, đánh giá hiện trạng và tiềm năng tài nguyên thiên nhiên, làm luận cứ cho quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, khai thác khoáng sản, sử dụng tài nguyên nước và BVMT, khí tượng thủy văn, BĐKH, biển và hải đảo, đo đạc và bản đồ, viễn thám phù hợp với tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Cùng với đó, hoạt động KH&CN đã góp phần quyết định trong hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của ngành TN&MT. Theo đó, Bộ TN&MT đã đầu tư đáng kể cho công tác tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật. Đến nay, các lĩnh vực đã xây dựng hệ thống các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật tương đối hoàn chỉnh.
Thông qua triển khai hoạt động KH&CN, ngành TN&MT đã hỗ trợ đào tạo, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ. Trang thiết bị cho KH&CN đã được quan tâm đầu tư, đặc biệt trong giai đoạn 2016 - 2020, đã tập trung hiện đại hóa trang thiết bị, công nghệ trong một số lĩnh vực. Công tác thông tin KH&CN đã được đẩy mạnh, kết quả nghiên cứu KH&CN được phổ biến trên các ấn phẩm trong, ngoài ngành và quốc tế, bước đầu đáp ứng thông tin KH&CN giữa các lĩnh vực. Liên kết trong hoạt động nghiên cứu, triển khai KH&CN có nhiều cải tiến, đẩy mạnh liên kết giữa nghiên cứu và đào tạo cũng như liên kết giữa các lĩnh vực.
Đổi mới đồng bộ, nâng cao hiệu quả ứng dụng công nghệ TN&MT
Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cho biết, triển khai Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động, trong đó, định hướng hoạt động khoa học và công nghệ trong những năm tới là “Phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo nhằm tạo bứt phá nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, trong đó, tập trung phát triển công nghệ ưu tiên có khả năng ứng dụng cao. Xây dựng và tổ chức thực hiện cơ chế thử nghiệm chính sách mới, thúc đẩy triển khai và ứng dụng công nghệ mới, công nghệ số và đổi mới sáng tạo”.
Để đáp ứng yêu cầu theo định hướng đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030, với mục tiêu tổng quát là: Đến năm 2030, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo được phát triển vững chắc, thực sự trở thành động lực tăng trưởng, góp phần quyết định đưa Việt Nam trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; góp phần phát triển toàn diện văn hóa, xã hội, con người, bảo đảm quốc phòng - an ninh, BVMT và phát triển bền vững, nâng cao vị thế và uy tín quốc tế của Việt Nam; tiềm lực, trình độ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đạt mức tiên tiến ở nhiều lĩnh vực quan trọng, thuộc nhóm dẫn đầu trong các nước có thu nhập trung bình cao; trình độ, năng lực công nghệ, đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp đạt mức trên trung bình của thế giới; một số lĩnh vực khoa học và công nghệ đạt trình độ quốc tế.
Về định hướng phát triển khoa học, công nghệ của ngành trong thời gian tới, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân đề nghị, Vụ KH&CN tiếp tục phát huy vai trò thu hút những kinh nghiệm, kiến thúc, sáng kiến của các nhà khoa học trong và ngoài ngành để tham mưu cho Lãnh đạo Bộ nhằm đưa ra những giải pháp quyết liệt cho hoạt động KH&CN của Bộ trong giai đoạn tới nhằm góp phần đổi mới căn bản, toàn diện, thúc đẩy phát triển tiềm lực, nâng cao vai trò đóng góp của KH&CN trong công tác quản lý Nhà nước và điều tra cơ bản về TN&MT, đáp ứng yêu cầu theo các Nghị quyết của Đảng, Chính phủ và Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Định hướng về KH&CN ngành TN&MT giai đoạn đến năm 2030 sẽ tập trung nghiên cứu phục vụ xây dựng, hoàn thiện pháp luật, cơ chế chính sách, chiến lược phát triển, quy hoạch quốc gia, quy hoạch ngành TN&MT, các lĩnh vực chuyên ngành về TN&MT.
Nghiên cứu và phát triển có trọng tâm, trọng điểm các hướng công nghệ ưu tiên nhằm nâng cao trình độ, năng lực công nghệ quản lý, điều tra cơ bản, quan trắc, giám sát về TN&MT; ứng dụng nhằm tiếp thu, nắm bắt, làm chủ công nghệ lõi, công nghệ nguồn nhằm nâng cao chất lượng công tác quản lý Nhà nước và điều tra cơ bản về TN&MT, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước.
Chuyển giao công nghệ, nghiên cứu, ứng dụng có hiệu quả công nghệ tiên tiến xử lý môi trường, giám sát, kiểm soát ô nhiễm môi trường, hỗ trợ giảm thiểu thiệt hại do thiên tai; Đầu tư nghiên cứu khoa học trái đất và khoa học biển; nhận dạng bản chất, nguyên nhân, tác động của thiên tai, quá trình BĐKH ở Việt Nam làm cơ sở khoa học cho việc đề xuất và thực hiện các giải pháp hạn chế, phòng ngừa, thích ứng với BĐKH;...