Kinh tế

Thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam phát triển trong bối cảnh mới

Hoài Thu 01/11/2024 - 14:30

(TN&MT) - Ngày 1/11, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp cùng Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tổ chức Diễn đàn “Nhịp đập kinh tế Việt Nam 2024” (VEP), nhằm điều chỉnh Chiến lược và Chính sách phát triển kinh tế Việt Nam trong bối cảnh tác động ngày càng tăng của biến đổi khí hậu.

Diễn đàn có chủ đề “Định hướng tương lai: Điều chỉnh Chiến lược và Chính sách phát triển kinh tế Việt Nam trong bối cảnh quốc tế mới” do bà Trần Thị Hồng Minh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương và bà Ramla Khalidi - Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam đồng chủ trì.

img_0761.jpeg
Bà Trần Thị Hồng Minh và bà Ramla Khalidi chủ trì Diễn đàn

Bà Trần Thị Hồng Minh cho biết, kinh tế thế giới hiện nay đang có sự chuyển đổi đan xen giữa tự do hóa và bảo hộ, giữa đa phương và song phương, nhất là trong bối cảnh địa chính trị có những diễn biến khó lường. Cùng với đó, đổi mới sáng tạo, tăng cường áp dụng khoa học - công nghệ và bảo vệ môi trường đang trở thành xu hướng tất yếu đối với sự phát triển toàn cầu. Trước bối cảnh này, các quốc gia, trong đó có Việt Nam luôn chú trọng điều chỉnh chiến lược và chính sách nhằm tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, nâng cao vị thế xuất khẩu, khai thác tốt lợi thế thương mại và các dòng vốn đầu tư nước ngoài cho phát triển kinh tế.

Tuy nhiên, 2024 là năm khó khăn với nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh địa chính trị thế giới biến động khó lượng, thiên tai trong và ngoài nước; khu vực kinh tế trong nước vẫn chưa mạnh để hướng ra thị trường quốc tế; cơ cấu chuyển dịch theo hướng hiện đại nhưng chậm hơn so với mong muốn; các tỉnh/ thành có nền kinh tế tiên phong đang chững lại,…

Do đó, giai đoạn 2024 - 2025 là thời gian rất quan trọng, bước vào năm bản lề kết thúc kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 2021- 2025. “Khi chúng ta đang nỗ lực vượt qua bối cảnh toàn cầu ngày càng phức tạp, chúng ta cần phân tích và xây dựng lộ trình hướng tới tương lai, đưa Việt Nam trở thành quốc gia dẫn đầu về công nghệ xanh, đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững”, bà Hồng Minh khẳng định.

Bà Ramla Khalidi - Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam nhấn mạnh tầm quan trọng của chính sách hướng tới tương lai, trong đó, Việt Nam đã xây dựng được những kế hoạch, Chiến lược cụ thể để vượt qua thời kỳ đầy thách thức với tình hình chính trị bất ổn, gia tăng và tác tác động mạnh của biến đổi khí hậu (BĐKH),... Song, Việt Nam cũng cần tăng cường khả năng tận dụng cơ hội đang đến, cùng việc lấy sức mạnh kinh tế, tiến bộ công nghệ và khả năng thích ứng với BĐKH làm trọng tâm.

Bà cho rằng, chúng ta cần khai thác được những khía cạnh mới về kinh tế cùng các chuẩn môi trường thương mại mới để nâng cao khả năng cạnh tranh xuất khẩu; mức độ sẵn sàng trong Chuyển đổi xanh của doanh nghiệp - giúp tận dụng các tiêu chuẩn môi trường trong thương mại toàn cầu và nâng cao hiệu quả, năng suất, tiễn bộ công nghệ của một số ngành công nghiệp chủ lực, cũng như khám phá được những cách thức để thúc đẩy tiến bộ công nghệ, nhằm củng cố hiệu suất kinh tế dài hạn của Việt Nam.

img_0763.jpeg
Toàn cảnh Diễn đàn

Đưa ra dự báo về xu hướng kinh tế trong năm 2025, ông Nguyễn Hữu Thọ - Trưởng ban Ban Phân tích và dự báo kinh tế, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho biết, Việt Nam là nước có nền kinh tế hội nhập sâu rộng với toàn cầu, diễn biến của nền kinh tế thế giới sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến kinh tế Việt Nam 2025. Theo đó, xu hướng thế giới năm 2025 sẽ liên quan nhiều đến địa chính trị, có thể vẫn bất ổn, khó lường, có phần phức tạp hơn, dẫn đến việc giao thương kinh tế với 5 đối tác lớn của Việt Nam sẽ có những thuận lợi và khó khăn đan xen.

Các mặt về khu vực doanh nghiệp, Nhà nước, vốn FDI, thị trường trong nước vẫn chưa có sự tăng trưởng mạnh do còn gặp nhiều vướng mắc về thể chế phát triển, nguồn lực cũng như hạ tầng chưa được tương xứng,… Do đó, để giải quyết những vấn đề nêu trên, việc lập ra các mục tiêu ngắn hạn và trung hạn là vô cùng quan trọng.

Trong đó, cần tăng cường tháo gỡ các rào cản khi xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành Luật đã ban hành trong năm 2023, 2024 theo hướng bỏ các điều kiện, thủ tục kinh doanh để theo sát đúng tín hiệu thị trường và vai trò của thị trường; tăng cường huy động vốn FDI, giảm lãng phí khu vực công, giảm lãng phí khu vực tư và đầu tư phát triển cho cơ sở hạ tầng.

Về mức độ sẵn sàng trong chuyển đổi xanh của doanh nghiệp Việt Nam, bà Phạm Thị Ngọc Thủy - Giám đốc, Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV), Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính cho rằng, tỷ lệ các doanh nghiệp chưa có sự chuẩn bị cho công cuộc này vẫn chiếm đa số (64%). Chỉ có khoảng 16,2% doanh nghiệp đã xác định lĩnh vực ưu tiên, trọng tâm trong việc giảm phát thải hoặc khu vực có thể giảm lượng khí nhà kính; 6,9% doanh nghiệp đã xác định và công bố các mục tiêu giảm phát thải ngắn hạn, trung hạn và dài hạn; 5,5% doanh nghiệp đã thực hiện cắt giảm lượng khí phát thải trong một số hoạt động trọng tâm.

img_0762.jpeg
Bà Phạm Thị Ngọc Thuỷ - Giám đốc, Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV), Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính phát biểu tại Diễn đàn

Lý giải về việc doanh nghiệp chưa sẵn sàng thực hiện chuyển đổi xanh, bà cho biết, các doanh nghiệp hầu như vẫn gặp vướng mắc trong việc áp dụng các giải pháp kỹ thuật cụ thể, phù hợp; chưa có nhân sự chuyên môn về giảm phát thải chuyển đổi xanh; chưa xây dựng được chiến lược giảm phát thải và quan trọng hơn đó là chưa có nguồn vốn để thực hiện giảm phát thải…

Mặc dù hiện nay, những giải pháp bước đầu hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi xanh như tăng cường hợp tác với các tổ chức/ đơn vị tư vấn về các giải pháp kỹ thuật, công nghệ chuyển đổi hay quản trị rủi ro liên quan tới các biến động về cung, cầu, giá cả, xu hướng chuyển dịch chính sách và thuế,…

Tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn cần sự hỗ trợ của Chính phủ trong việc giảm chi phí thực hiện chuyển đổi xanh qua các cơ chế ưu đãi thuế và tín dụng ban đầu hoặc các hình thức hỗ trợ, kết nối thị trường, chuyển giao các công nghệ, mô hình,…; Chính phủ cũng cần sớm ban hành các khung pháp lý mới nền tảng cho chuyển đổi xanh bao gồm: Tín dụng xanh, thị trường carbon bắt buộc và tự nguyện, tiêu chuẩn phân loại,…

Đồng thời, cần thúc đẩy năng lực doanh nghiệp và các bên liên quan trong việc định kỳ thực hiện các chương trình phổ biến chính sách cho doanh nghiệp, địa phương, cũng như triển khai các chương trình khuyến khích, hình thành các giải pháp, sáng kiến gần với mục tiêu phát triển thị trường sản phẩm xanh, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn,…

Tại Diễn đàn, các nhà khoa học và lãnh đạo doanh nghiệp đã cùng chia sẻ những hiểu biết và đóng góp ý kiến để Việt Nam có thể nâng cao năng lực công nghệ, thu hút đầu tư và thúc đẩy chuyển đổi kinh tế xanh bền vững .

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam phát triển trong bối cảnh mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO