Thúc đẩy mua sắm công bền vững và nhãn sinh thái

03/12/2017 00:00

(TN&MT) - Ngày 1/12/2017, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo Tổng kết Dự án “Thúc đẩy tiêu dùng và sản xuất Sản phẩm xanh thông qua mua sắm công bền vững và nhãn sinh thái” (gọi tắt là Dự án SPPEL) hợp phần Việt Nam. Dự án do Tổng Cục Môi trường, Bộ Tài nguyên Môi trường chủ trì và Chương trình môi trường Liên hợp quốc (UNEP) tài trợ.

Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường - Hoàng Văn Thức phát biểu tại hội thảo
Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường - Hoàng Văn Thức phát biểu tại hội thảo

Được biết, Dự án SPPEL được thực hiện từ năm 2014 đến năm 2017 tại Hà Nội và một số tỉnh, thành phố của Việt Nam với nguồn vốn ODA là 248.691 USD và 15.000 USD vốn đối ứng.

Mục tiêu của Dự án SPPEL hợp phần Việt Nam là hỗ trợ các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam xây dựng năng lực và kỹ thuật về xây dựng các chính sách mua sắm công bền vững và nhãn sinh thái; hỗ trợ thực thi các chính sách về mua sắm công bền vững và nhãn sinh thái nhằm đạt hiệu quả tối đa của việc sử dụng hai công cụ này; tạo diễn đàn trao đổi giữa các nhà khoa học, các cơ quan quản lý, khu vực tư nhân về xây dựng chính sách nhằm đảm bảo lồng ghép mua sắm công bền vững và nhãn sinh thái trong quá trình ra quyết định.

Theo các chuyên gia, Dự án đã hoàn thành các báo cáo quan trọng về mua sắm công bền vững và nhãn sinh thái như báo cáo rà soát tình hình thực hiện mua sắm công bền vững tại Việt Nam, báo cáo rà soát pháp lý về mua sắm công bền vững, báo cáo đánh giá SWOT về chương trình  nhãn xanh Việt Nam. Ngoài ra, Dự án SPPEL đã hỗ trợ Chương trình Nhãn xanh Việt Nam xây dựng các bộ tiêu chí cấp nhãn cho các sản phẩm mới, hỗ trợ việc đăng ký là thành viên của Mạnh lưới Nhãn sinh thái toàn cầu (GENICES). Dự án SPPEL cũng đã xây dựng bộ công cụ đào tạo về mua sắm công bền vững và nhãn sinh thái và tổ chức thành công các Khóa đào tạo cho các giảng viên, các cán bộ phụ trách về  mua sắm công, đấu thầu và các doanh nghiệp.

Một trong những sản phẩm quan trọng của dự án đó là dự thảo Kế hoạch hành động về mua sắm công bền vững đã được xây dựng cũng như các tài liệu hướng dẫn về mua sắm công bền vững.

Các đại biểu chụp ảnh tại hội thảo
Các đại biểu chụp ảnh tại hội thảo

Phát biểu tại Hội nghị Tổng kết Dự án SPPEL, ông Hoàng Văn Thức, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường nhấn mạnh “Quá trình triển khai dự án từ năm 2014 đến nay cho thấy, những nỗ lực của các cơ quan hữu quan nhằm thực hiện mua sắm công bền vững tại Việt Nam là rất đáng ghi nhận.” Ông Thức đã đưa ra các dẫn chứng cụ thể về hiệu quả của các Chương trình: Nhãn xanh Việt Nam, nhãn tiết kiệm năng lượng, Dịch vụ du lịch bông sen xanh... Ông cũng cho biết, Việt Nam hết sức quan tâm đến vấn đề Sản xuất và Tiêu dùng bền vững với Chương trình hành động quốc gia về Sản xuất và Tiêu dùng bền vững (SCP) giai đoạn 2010 - 2020  hay Chiến lược Phát triển xanh giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn đến năm 2050 và Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014 - 2020 đã được Chính phủ ban hành và đang trong quá trình tích cực triển khai.

Hiện nay, nhiều tổ chức quốc tế, các nhà tài trợ đa phương và song phương cam kết sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong việc thực hiện mua sắm công bền vững và xây dựng nhãn sinh thái. Đó là tín hiệu rất đáng mừng và cũng chính là thành công của Dự án SPPEL – ông Thức khẳng định.

Linh Anh

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thúc đẩy mua sắm công bền vững và nhãn sinh thái
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO