Thúc đẩy mạnh mẽ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

30/11/2018 17:08

(TN&MT) -Nằm trong chuỗi hoạt động Diễn đoàn Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia, ngày 30/11 tại Đà Nẵng đã diễn ra Diễn đàn đối thoại chính sách cấp cao về Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tham dự diễn đàn.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Diễn đàn
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Diễn đàn

Diễn đàn còn có sự tham dự của lãnh đạo các tổ chức quốc tế lớn như Diễn đàn kinh tế thế giới WEF, Mạng lưới khởi nghiệp toàn cầu (GEN), Chương trình Phát triển Liên Hiệp quốc (UNDP) và lãnh đạo các Bộ KH&CN các nước ASEAN và các Bộ, ngành, địa phương của Việt Nam.

Phát biểu tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, hiện 70% dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Việt Nam có yếu tố nước ngoài; 39/40 quỹ đầu tư mạo hiểm ở Việt Nam là của nhà đầu tư nước ngoài. Dù vậy, không có sự phân biệt các dự án startup ở Việt Nam hay nước ngoài. Quan trọng nhất là các startup cần tìm thấy cơ hội từ những khó khăn, thách thức mà nền kinh tế Việt Nam gặp phải trong quá trình chuyển đổi và đang tăng trưởng.

Ngoài các vấn đề về vốn, hạ tầng, pháp lý, giáo dục, nguồn nhân lực đã được nhiều chuyên gia, doanh nghiệp startup nêu lên, theo Phó Thủ tướng khó nhất là tạo lập một cơ sở dữ liệu lớn và mở cho cộng đồng. Nguồn dữ liệu này được đóng góp từ Chính phủ, doanh nghiệp và đặc biệt là từ người dân, trước hết tập trung vào những lĩnh vực như giáo dục, y tế, du lịch, thanh toán điện từ, nông nghiệp…

“Chúng ta hãy nhìn vào những vấn đề thực tế, người dân muốn gì, doanh nghiệp muốn gì, Chính phủ muốn gì, đó là “bài toán” và khi có “bài toán” nhiều người cùng muốn tìm câu trả lời thì sẽ có ý tưởng, khi ý tưởng đó tốt thì sẽ có khởi nghiệp. Đó cũng là cách tiếp cận mới của Chính phủ”- Phó Thủ tướng phân tích.

Thực tế thời gian qua, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia đang phát triển mạnh mẽ và ngày càng hoàn thiện với hơn 40 quỹ đầu tư mạo hiểm đã có hoạt động tại Việt Nam trong đó có nhiều tập đoàn lớn trong nước đã tham gia vào đầu tư mạo hiểm như FPT, Viettel, Vingroup, CMC…đã có hơn 40 cơ sở ươm tạo (BI), tổ chức thúc đẩy kinh doanh (BA) và 60 khu không gian làm việc chung trên cả nước.

Các đại biểu tại phiên thảo luận diễn đàn đối thoại
Các đại biểu tại phiên thảo luận diễn đàn đối thoại

Các hệ sinh thái khởi nghiệp tại địa phương cũng đã được xây dựng và đạt được một số kết quả đáng ghi nhận như tại các TP. Hà Nội, TP. Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh…v.v. qua đó góp phần thúc đẩy hình thành và phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp đã gọi thành công những khoản đầu tư lớn và đang mở rộng ra thị  trường khu vực và quốc tế như Foody, Kyber Network, Tiki, Sendo

Theo Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh, cũng như nhiều quốc gia khác trên thế giới, Chính phủ Việt Nam đã xác định doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo là đối tượng quan trọng của nền kinh tế, là động lực cho tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững.

“Vai trò của Chính phủ không chỉ là cơ quan hỗ trợ, đồng hành, chăm lo phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, tạo môi trường để có nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo,  Chính phủ còn có vai trò quan trọng trong việc đưa ra các định hướng, chính sách thúc đẩy, kết nối với cộng đồng quốc tế. Đây cũng là xu hướng chung của thế giới tạo điều kiện thuận lợi cho dòng chảy vốn, trí thức, công nghệ được liên tục và hiệu quả”- Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho hay.

Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cũng cho biết, năm 2017, các Bộ trưởng KH&CN ASEAN đã đưa ra tuyên bố chung về đổi mới sáng tạo nhằm thúc đẩy hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Việc tổ chức Diễn đàn chính sách cấp cao lần này là một hoạt động để triển khai tuyên bố chung của các Bộ trưởng ASEAN.

Lễ ký kết các văn bản hợp tác
Lễ ký kết các văn bản hợp tác

Chia sẻ về chính sách và những cơ hội thúc đẩy đổi mới sáng tạo tại Singapore, ông Peter Ong- Chủ tịch Cơ quan hỗ trợ doanh nghiệp Singapore cho biết, Singapore đã tiếp cận, mở cửa và thiết lập quan hệ đối tác để thúc đẩy phát triển khởi nghiệp. Trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp của Singarpore hiện đang là đầu mối hỗ trợ, liên kết khu vực tư nhân và nhà nước để tạo mạng lưới và hạ tầng cho khởi nghiệp.

Đồng thời, Singapore cũng tìm ra nhiều nguồn lực vốn huy động cho khởi nghiệp, thông qua việc kết nối với nhà đầu tư mạo hiểm. Phối hợp liên ngành để tạo ra hệ sinh thái, áp dụng công nghệ mới, mô hình kinh doanh mang lại kinh nghiệm và tri thức. Một hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo không phải tách biệt ra ngoài mà là kết nối với hệ sinh thái toàn cầu, vươn ra với thế giới...

Tại diễn đàn, một số vấn đề cũng đã được các đại biểu trao đổi, thảo luận, thống nhất như chính sách chung, tạo điều kiện thuận lợi cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong tình hình mới, thời cơ mới, vận hội mới theo xu thế hội nhập và cùng phát triển; tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm thu hút nguồn lực quốc tế cho hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; khuyến khích các khu vực kinh tế tư nhân, nguồn lực trong nước tham gia mạng lưới hỗ trợ, cung cấp dịch vụ cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Dịp này cũng đã diễn ra Lễ ký kết các văn bản hợp tác phối hợp giữa Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp KH&CN (Bộ KH-CN) với các cơ quan đối tác như: Cơ quan phát triển doanh nghiệp Singapore (ESG); Cộng đồng hành động vì khởi nghiệp (ACE); Trung tâm khởi nghiệp Thái Lan - Cơ quan đổi mới sáng tạo quốc gia; Trung tâm Phát triển khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo toàn cầu Malaysia; World Startup Festival (WSF); GASEA (Đức). Tập đoàn VNPT cũng đã ký kết hợp tác với EON Reality Inc (Hoa Kỳ).

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thúc đẩy mạnh mẽ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO