Môi trường

Thúc đẩy hợp tác ASEAN về quản lý thiên tai năm 2023

Mai Đan 08/06/2023 - 21:17

(TN&MT) - Theo trình tự luân phiên giữa các quốc gia ASEAN, năm 2023, Việt Nam đảm nhận vai trò Chủ tịch Ủy ban ASEAN về Quản lý thiên tai (ACDM), đăng cai tổ chức Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về Quản lý thiên tai lần thứ 11 và các phiên họp liên quan của ACDM, Trung tâm điều khối khu vực ASEAN về hỗ trợ nhân đạo trong thiên tai (Trung tâm AHA)…

le-trao-tang-hang-cuu-tro-cua-trung-tam-aha-cho-nhan-dan-mien-trung.jpg
Lễ trao tặng hàng cứu trợ của Trung tâm AHA cho nhân dân miền Trung

Các sự kiện của năm Chủ tịch 2023 sẽ được tổ chức vào 2 đợt, tháng 6 (tại Đà Nẵng) và tháng 10 (tại Quảng Ninh). Tới đây, từ ngày 13 - 16/6/2023, Việt Nam sẽ chủ trì phiên họp lần thứ 42 của Ủy ban ASEAN về Quản lý thiên tai (ACDM) và các cuộc họp liên quan.

Việt Nam đã và đang thể hiện tinh thần “chủ động, tích cực và có trách nhiệm” trong hợp tác ASEAN, trong đó quản lý thiên tai là một nội dung quan trọng trong trụ cột Cộng đồng Văn hóa - Xã hội của hợp tác ASEAN.

Việc đăng cai tổ chức diễn đàn lớn về quản lý thiên tai trong khu vực ASEAN là nghĩa vụ của Việt Nam, đồng thời là cơ hội để ta chủ động dẫn dắt, nâng cao hiệu quả, vị thế và thể hiện vai trò của Việt Nam trong hợp tác ASEAN về quản lý thiên tai nói riêng và trong xây dựng Cộng đồng ASEAN và quan hệ giữa ASEAN và các đối tác nói chung.

“Từ ứng phó đến hành động sớm và tăng cường chống chịu: ASEAN hướng đến mục tiêu lãnh đạo toàn cầu trong quản lý thiên tai” là chủ đề do Việt Nam đề xuất và được cơ quan quản lý thiên tai của các quốc gia ASEAN thống nhất lựa chọn cho hợp tác khu vực về quản lý thiên tai năm 2023.

“Hành động sớm” tuy là một khái niệm mới đối với Việt Nam nói riêng, khu vực nói chung, song về bản chất chính là các hoạt động, biện pháp can thiệp ngay trong giai đoạn phòng ngừa trước thiên tai mà các cơ quan trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai đã và đang chủ động triển khai dựa trên các dự báo, cảnh báo sớm hoặc phân tích rủi ro trước thiên tai. Việc các quốc gia ASEAN ngày càng chú trọng tới hành động sớm thể hiện sự gia tăng cam kết trong việc đổi mới phương pháp tiếp cận trong công tác quản lý, giảm thiểu rủi ro thiên tai.

Nhiều số liệu thống kê cho thấy, hành động sớm giúp giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản, tăng cường khả năng chống chịu cho cộng đồng. Khung ASEAN về Hành động sớm trong Quản lý thiên tai đã được ACDM thúc đẩy xây dựng trong khoảng thời gian từ tháng 11/2021 đến 5/2022, với mục tiêu đảm bảo các cảnh báo sớm được chuyển hóa thành những hành động sớm hiệu quả, qua đó giảm thiểu những tác động của thiên tai trên toàn khu vực.

Dự kiến tại Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về Quản lý thiên tai (AMMDM) lần thứ 11 tổ chức tại Quảng Ninh (Việt Nam) vào tháng 10/2023, các quốc gia sẽ thông qua Tuyên bố Hạ Long về Hành động sớm trong quản lý thiên tai ASEAN.

Không ngừng đổi mới và thúc đẩy hợp tác giữa các quốc gia thành viên trong lĩnh vực quản lý thiên tai, ASEAN cũng cam kết hiện thực hóa tầm nhìn ASEAN để trở thành khu vực dẫn đầu toàn cầu về quản lý thiên tai thông qua trao đổi, chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm thực tiễn, cũng như đóng góp vào các nỗ lực toàn cầu về ứng phó với rủi ro thiên tai. Đó cũng chính là thông điệp mà năm hợp tác quản lý thiên tai ASEAN 2023 muốn truyền tải.

can-bo-pctt-cac-nuoc-asean-tham-du-chuong-trinh-tap-huan-can-bo-danh-gia-va-ung-pho-khan-cap-asean-asean-erat-khoa-14-to-chuc-tai-da-nang-vao-thang-2_2023.jpg
Cán bộ phòng chống thiên tai các nước ASEAN tham dự Chương trình tập huấn cán bộ đánh giá và ứng phó khẩn cấp ASEAN (ASEAN-ERAT) khóa 14 tổ chức tại Đà Nẵng vào tháng 2/2023

Ông Phạm Đức Luận - Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai, Chánh Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai cho biết: Với vai trò Chủ tịch Ủy ban ASEAN về Quản lý thiên tai năm 2023, cũng đồng thời là Chủ tịch Ban Quản trị Trung tâm AHA, Việt Nam đã chủ động dẫn dắt và định hướng cho hợp tác này qua việc phối hợp với Trung tâm AHA và Ban thư ký ASEAN làm việc với các bên liên quan và các Đối tác của ASEAN để huy động nguồn lực triển khai Chương trình công tác Hiệp định ASEAN về Quản lý thảm họa và Ứng phó khẩn cấp giai đoạn 2021-2025.

Bên cạnh việc chủ trì, tổ chức Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về quản lý thiên tai lần thứ 11, Hội nghị các Bên tham gia Hiệp định ASEAN về Quản lý thảm họa và Ứng phó khẩn cấp (AADMER), Hội nghị cấp Bộ trưởng với các Đối tác của ASEAN (Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản), các cuộc họp thường niên lần thứ 42, 43 của ACDM tại Việt Nam với Vai trò Chủ tịch, Việt Nam còn chủ động tham gia các hoạt động trong khu vực nhằm thúc đẩy hợp tác trong ASEAN và các đối tác.

Cụ thể, Việt Nam đã hướng dẫn các đơn vị liên quan (cứu hộ cứu nạn, y tế, các địa phương) tham gia diễn tập khu vực ASEAN về ứng phó khẩn cấp (ARDEX) tại Indonesia; huy động và triển khai hỗ trợ nhân đạo ASEAN tại Myanmar trong ứng phó bão Mocha; phối hợp Singapore, Ban thư ký ASEAN, Trung tâm AHA tổ chức các sự kiện lớn nhân dịp kỷ niệm 20 năm thành lập ACDM.

Ngoài ra, tổ chức các diễn đàn, hội thảo để các quốc gia ASEAN giới thiệu về kinh nghiệm phòng chống thiên tai, đồng thời cũng giới thiệu về con người, tự nhiên, văn hóa và thành tựu của Việt Nam với bạn bè quốc tế; xây dựng “Tuyên bố Hạ Long về Hành động sớm trong quản lý thiên tai ASEAN” để tạo dấu ấn năm chủ tịch; không chỉ tích cực trong cơ chế hợp tác đa phương, với vị thế Chủ tịch, còn rất chú trọng đến thúc đẩy các cơ chế hợp tác song phương trong khối ASEAN; nỗ lực hỗ trợ Đông Timor trong quá trình gia nhập chính thức ASEAN.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thúc đẩy hợp tác ASEAN về quản lý thiên tai năm 2023
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO