Tầm soát dịch toàn TP. Huế
Theo báo cáo từ ngành y tế, trong tuần qua (21-28/11), số F0 phát hiện mới trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên – Huế là 925 ca, tập trung nhiều ở TP. Huế với 596 ca. Riêng ngày 29/11, toàn tỉnh đã có 119 ca nhiễm, trong đó 78 ca cộng đồng. Trước đó ngày 28/11 có đến 100 ca cộng đồng.
Trước tình hình dịch bệnh phức tạp với rất nhiều “ổ dịch”, TP. Huế vừa lên kế hoạch tổ chức Tuần cao điểm tầm soát COVID-19 từ 29/11 đến ngày 5/12, phấn đấu 100% hộ gia đình trên địa bàn thành phố đều có thực hiện test nhanh tầm soát thông qua nguồn test nhanh kháng nguyên do người dân tự mua và thành phố hỗ trợ. Mục đích của Tuần cao điểm tầm soát COVID-19 nhằm huy động sức mạnh toàn dân, toàn hệ thống chính trị trong việc phòng chống dịch COVID-19; đề ra các giải pháp thiết thực, hiệu quả nhằm ngăn chặn, kiểm soát dịch bệnh, tiếp tục thực hiện thành công mục tiêu kép, đảm bảo an sinh xã hội. Kết hợp các lực lượng để khoanh vùng tầm soát toàn bộ các khu vực trọng điểm dịch...
TP. Huế sẽ tầm soát dịch cho tất cả công dân |
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Huế - Trần Song cho biết, hiện trên địa bàn thành phố có 8 - 9 điểm trung chuyển hàng hóa, các lực lượng chức năng cần kiểm tra các xe vào chợ mà không qua trạm trung chuyển, đồng thời xử phạt với các xe cố tình vi phạm các quy định phòng chống dịch. Thời gian tới, thành phố tăng cường công tác kiểm tra, xử phạt vi phạm quy định hiện hành, nhất là với các hàng quán, cơ sở kinh doanh; các phường, xã phải chủ động các tình huống phát sinh trên địa bàn.
Hiện, TP. Huế đã thành lập 2 đoàn kiểm tra ở 2 khu vực Bắc, Nam để kiểm tra các quy định phòng chống dịch, các phường xã đẩy mạnh tuyên truyền, triển khai 5K mạnh hơn và mục đích của Tuần cao điểm nhằm phát hiện F0 trong cộng đồng, để sớm khoanh vùng, dập dịch...
Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng vừa kích hoạt khung điều trị F0 tại Công ty Tân Bảo Thành (đóng trên địa bàn phường Tứ Hạ, thị xã Hương Trà). Đây là khu thu dung và điều trị những bệnh nhân nhiễm COVID-19 không triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ trên địa bàn tỉnh, quy mô 300 giường bệnh.
Thiếu tá Đinh Việt Hùng, Trưởng khu thu dung điều trị cho biết, ban đầu hoạt động khung thì có 1 cán bộ sỹ quan, 1 chiến sĩ và 4 dân quân, lực lượng y tế làm việc theo ca mỗi ca 8 giờ bao gồm 1 bác sỹ và 2 y tá. Bên cạnh đó TTYT thị xã Hương Trà đã chuẩn bị cơ số thuốc, vật tư y tế, máy thở...nhằm phục vụ chăm sóc tốt cho bệnh nhân. Ngoài ra, Ban chỉ đạo thị xã còn huy động cán bộ, chiến sỹ công an phụ trách vòng ngoài và có sự tham gia của lực lượng tình nguyện viên... Trong thời gian tới, khu thu dung và điều trị F0 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ tại cơ sở Công ty cổ phần Hello Quốc tế Việt Nam tại phường Tứ Hạ sẽ đưa vào hoạt động.
Quyết liệt các biện pháp
Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu nhận định, tình hình dịch bệnh trên địa bàn hiện đang rất phức tạp, cần có biện pháp mạnh và đồng loạt để kiểm soát nguồn lây, các địa phương, lực lượng phải tập trung “làm ngày, làm đêm, không chờ đợi”. Phải đánh giá và làm rõ được nguồn lây, nguy cơ bùng phát dịch bệnh để đưa ra các giải pháp cụ thể và hiệu quả.
“Phải đặt ra mục tiêu về giảm tỷ lệ F0, đặc biệt là F0 trong cộng đồng. Các cấp ủy, lãnh đạo địa phương tăng cường kiểm tra công tác phòng chống dịch ở cơ sở. Hạn chế việc hội họp, tiếp xúc, giao lưu không cần thiết; đồng chí đảng viên, cán bộ nào vi phạm các nguyên tắc phòng chống dịch sẽ bị xem xét, xử lý”, Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh.
Lãnh đạo tỉnh kiểm tra công tác chống dịch |
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương đề nghị các đơn vị, địa phương tập trung tầm soát cho những vùng đang là nguy cơ cao, huy động lực lượng xét nghiệm để “bóc tách” F0 ra khỏi cộng đồng.
Đề nghị trong 3 ngày tới các địa phương phải đảm bảo số lượng kit test nhanh để triển khai tầm soát diện rộng. Ban chỉ đạo tỉnh sẽ tăng cường các đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra công tác phòng chống dịch tại các địa phương, đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, đơn vị nào không đảm bảo công tác phòng chống dịch sẽ bắt buộc ngưng hoạt động hoặc đóng cửa tạm thời.
Lãnh đạo tỉnh cũng đề nghị ngành y tế rà soát lại thật kỹ số lượng người đã được tiêm vắc xin, đặc biệt là số lượng bao phủ mũi một vắc xin, đẩy nhanh hơn nữa việc tiêm vắc xin cho người dân, “có vắc xin đến đâu là tiêm ngay đến đó”. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về việc tiêm vắc xin cho người dân, đối với các trường hợp không chịu tiêm vắc xin phải có lý do cụ thể.
“Các địa phương phải giám sát chặt người trở về địa phương cũng như giám sát các trường hợp F1 cách ly tại nhà. Cần phải quyết liệt hơn nữa trong việc triển khai các giải pháp để tình hình dịch bệnh sớm ổn định, đưa đời sống sinh hoạt của người dân sớm trở lại bình thường mới”, Chủ tịch UBND tỉnh nói.
Tính đến nay, toàn tỉnh Thừa Thiên – Huế có 3.210 ca F0, đang điều trị 1.495 ca, đã được điều trị khỏi 1.710 ca, tử vong 5 ca. Tổng số lượng vắc xin đã tiêm đến nay trên địa bàn tỉnh là 1.201.042 liều.