Lực lượng kiểm lâm, công an tại một số địa phương của huyện Phú Lộc (tỉnh Thừa Thiên – Huế) đã ra quân thu gom và tiêu hủy các dụng cụ bẫy như phao xốp, que dính nhựa, nhằm cứu các loài chim hoang dã thoát nạn “tận diệt”.
Hàng năm, khi mùa mưa bão bắt đầu thì chim di cư thường dừng chân, trú ngụ ở các cánh đồng, lùm cây... ở nhiều nơi trong tỉnh Thừa Thiên - Huế. Từ đây, nạn săn bắt chim trời lại rộ lên
Trên các cánh đồng lúa, các đối tượng săn bắt đã rải cò giả được làm bằng xốp nhằm thu hút chim đến để bẫy
Tại huyện Phú Lộc, nạn tận diệt chim trời đã tồn tại nhiều năm, đến mức nhiều người xem đó là cái nghề để kiếm sống
Nhiều địa phương đã có nhiều biện pháp để xử lý, nghiêm cấm mọi hình thức đánh bắt chim trời nhằm giữ gìn môi sinh, trả lại cân bằng sinh thái trong tự nhiên
UBND thị trấn Lăng Cô vừa tiến hành ra quân dẹp bỏ các trường hợp dùng mồi, bẫy để đánh bắt các loài chim trời tại các tổ dân phố Hói Dừa, An Cư Tây và Lập An
Kết quả đã tháo gỡ, tiêu hủy khoảng 600 chim mồi bằng phao xốp, 3.500 que dính nhựa và 1 lưới bẫy chim
UBND xã Lộc Tiến cũng ra quân, tiêu hủy 450 con cò giả và khoảng 5.000 que nhựa
Thượng tá Đoàn Minh Hải, Trưởng Công an huyện Phú Lộc cho biết, để ngăn chặn vấn nạn này, công an huyện đã yêu cầu công an các xã, thị trấn tăng cường tham mưu cho chính quyền tổ chức tuyên truyền đến người dân về việc bảo vệ các loài chim di cư. Đồng thời, ra quân xử lý nghiêm tình trạng săn bắt chim trời tại các địa phương
Năm 2020, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng đã có công văn hướng dẫn xử phạt hành vi vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã, bao gồm các loài chim trời. Trong đó, mức xử phạt cao nhất là hành vi săn bắt, giết, nuôi, nhốt động vật rừng trái quy định của pháp luật mức phạt từ 5 triệu đồng đến 400 triệu đồng…
Lãnh đạo một số địa phương thừa nhận, mặc dù đã tổ chức nhiều đợt tuyên truyền, vận động đến tận các khu dân cư, hộ gia đình nhưng tình trạng săn bắt chim trời vẫn còn tái diễn. Điều này cho thấy ý thức bảo tồn động vật hoang dã nói chung, chim tự nhiên nói riêng của một bộ phận người dân còn thấp. Cán bộ địa phương không thể thường xuyên kiểm tra, xử lý vi phạm nên khó ngăn chặn triệt để nạn săn bắt chim trời
Chi cục Kiểm lâm Thừa Thiên - Huế cho biết, lực lượng kiểm lâm địa bàn sẽ tiếp tục tăng cường phối hợp với cơ quan chức năng tổ chức kiểm tra, truy quét nhằm tháo dỡ, thu hồi triệt để các phương tiện, dụng cụ bẫy bắt chim trái phép; triệt phá các tụ điểm mua, bán chim tự nhiên, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Tuyên truyền người dân không săn, bắt, mua bán, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ, tàng trữ, quảng cáo, xâm hại động vật hoang dã...