Thừa Thiên Huế: Tiêu hủy gần 40 con lợn rừng nhiễm dịch tả châu Phi

25/03/2019 09:17

(TN&MT) - Dịch tả lợn châu Phi tại Thừa Thiên Huế lây lan đến đàn lợn rừng tại một khu nghỉ dưỡng, buộc lực lượng chức năng phải tiêu hủy...

Ngày 25/3, trao đổi với PV, ông Trịnh Đức Hùng- Chủ tịch UBND huyện Phong Điền (tỉnh Thừa Thiên Huế) cho biết, vừa tiêu hủy một đàn lợn rừng bị nhiễm dịch tả lợn châu Phi.

Theo ông Hùng, số lợn này nằm trong đàn lợn rừng 47 con của Khu nghỉ dưỡng suối khoáng nóng Alba Thanh Tân (xã Phong Sơn, huyện Phong Điền), được nuôi để phục vụ khách du lịch tham quan.
 

Lực lượng chức năng Thừa Thiên Huế tiêu hủy lợn nhiễm dịch tả
Lực lượng chức năng Thừa Thiên Huế tiêu hủy lợn nhiễm dịch tả

Cách đây ít ngày, sau khi phát hiện 9 con trong đàn lợn này bỏ ăn, có dấu hiệu nghi nhiễm bệnh dịch tả châu Phi nên nhân viên khu nghỉ dưỡng đã báo chính quyền địa phương.

Qua lấy mẫu kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện số lợn này dương tính với dịch nên đã tiến hành tiêu hủy 9 con lợn nhiễm bệnh, đồng thời thực hiện biện pháp cách ly để theo dõi số lợn còn lại. Tuy nhiên, dịch vẫn lây lan trên đàn lợn nên đến ngày 24/3, cơ quan chức năng đã tiến hành tiêu hủy 38 con.

“Ngoài ra cũng có tin báo một con lợn nái của hộ dân tại xã Phong Chương chết và huyện đang xem xét có nên xét nghiệm để biết có dịch hay không. Hiện cơ quan chức năng đang phối hợp với các địa phương đang tích cực triển khai các biện pháp khoanh vùng dịch; lập các chốt chặn, yêu cầu người dân không đưa lợn trong vùng dịch đến nơi khác tiêu thụ; rải vôi, phun thuốc tiêu độc khử trùng tại các điểm giết mổ, chăn nuôi, mua bán lợn sống, sản phẩm thịt lợn...”, ông Hùng thông tin thêm.

Trước đó ổ dịch tả lợn châu Phi đầu tiên tại Thừa Thiên Huế đã được phát hiện tại nhà vợ chồng ông Tạ Hồng Uẩn và bà Trần Thị Hồng (thôn Hiền An, xã Phong Sơn).

Trước tình hình dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ đã đi kiểm tra và đề nghị các hộ nuôi, các doanh nghiệp, các hợp tác xã nuôi lợn phải có ý thức, trách nhiệm với cộng đồng để thông báo tình hình đàn lợn của mình, tuyệt đối không được giấu dịch, khi phát hiện dịch cần báo cho cơ quan chức năng phối hợp khoanh vùng xử lý dứt điểm.

Đồng thời, thực hiện đúng cam kết “5 không” trong công tác phòng chống bệnh dịch tả lợn châu Phi gồm: không giấu dịch; không mua bán vận chuyển lợn bệnh, lợn chết; không giết mổ, tiêu thụ lợn bệnh, lợn chết; không vứt lợn chết ra môi trường; không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thừa Thiên Huế: Tiêu hủy gần 40 con lợn rừng nhiễm dịch tả châu Phi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO