Thừa Thiên Huế: Tiếp nhận hệ thống giám sát và theo dõi diễn biến rừng

Văn Dinh| 11/09/2019 08:48

(TN&MT) - Định kỳ 10 ngày một lần, hệ thống giám sát và theo dõi diễn biến rừng (FMS) sẽ đưa các điểm cảnh báo mất rừng mới lên cổng WebGIS, đồng thời gửi các cảnh báo về địa điểm, diện tích tới các cấp quản lý tại Thừa Thiên Huế...

Hướng dẫn cán bộ kiểm lâm Thừa Thiên Huế vận hành, sử dụng về hệ thống giám sát và theo dõi diễn biến rừng
Hướng dẫn cán bộ kiểm lâm Thừa Thiên Huế vận hành, sử dụng về hệ thống giám sát và theo dõi diễn biến rừng

Ngày 11/9, ông Nguyễn Đại Anh Tuấn - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, đơn vị vừa tiếp nhận hệ thống giám sát và theo dõi diễn biến rừng (FMS) từ Dự án Trường Sơn Xanh.

Hệ thống FMS là ứng dụng có khả năng giúp cho các cấp quản lý tiếp cận dễ dàng hơn với tình hình diễn biến rừng thông qua các bản đồ Webgis và các báo cáo trực tuyến về cập nhật diễn biến rừng trên thực địa. Ứng dụng này trong tương lai sẽ giúp nâng cao năng lực trong công tác bảo vệ và theo dõi diễn biến tài nguyên rừng cho lực lượng Kiểm lâm trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.

Theo đó, hệ thống FMS cho phép kết nối tự động tới công cụ phát hiện thay đổi rừng từ ảnh vệ tinh sử dụng Google Earth Engine của dự án JICA SNRM. Định kỳ 10 ngày một lần, hệ thống FMS sẽ đưa các điểm cảnh báo mất rừng mới lên cổng WebGIS, đồng thời gửi các cảnh báo về địa điểm, diện tích tới các cấp quản lý gồm Chi cục Kiểm lâm tỉnh, Hạt Kiểm lâm các huyện, thị xã, TP. Huế, kiểm lâm viên các xã, các chủ rừng nhóm II trong tỉnh Thừa Thiên Huế.

Hệ thống FMS đã tích hợp hầu hết các lớp dữ liệu nghiệp vụ về tài nguyên rừng bao gồm ranh giới hành chính, ranh giới tiểu khu khoảnh lô, quy hoạch 3 loại rừng, ranh giới các VQG, KBT, BQL rừng phòng hộ, hiện trạng rừng. Thông qua việc tiếp cận với các lớp dữ liệu nghiệp vụ này một cách dễ dàng trên giao diện Web, cán bộ lâm nghiệp ở tất cả các cấp có thể dễ dàng xem và phân tích dữ liệu diễn biến rừng một cách trực quan và dễ dàng. Hệ thống cũng cho phép tải lên và so sánh trực tiếp dữ liệu bản đồ dạng vector với các bản đồ sẵn có trên WebGIS để phục vụ cho việc phân tích nhanh các dữ liệu tuần tra dạng GPS track-log hoặc xem các bản đồ đến từ các ngành khác, ví dụ tài nguyên môi trường...
 

Thừa Thiên Huế là địa phương có diện tích rừng lớn, hệ thống FMS sẽ giúp theo dõi diễn biến rừng dễ dàng hơn...
Thừa Thiên Huế là địa phương có diện tích rừng lớn, hệ thống FMS sẽ giúp theo dõi diễn biến rừng dễ dàng hơn...

“Chi cục kiểm lâm là đơn vị quản lý và vận hành ứng dụng FMS. Để thực hiện tốt hệ thống này thì Chi cục sẽ triển khai thực hiện đúng chức năng quản trị hệ thống, quản lý danh sách các cấp hành chính và chủ rừng nhận tin nhắn cảnh báo SMS, email và cập nhật lớp hiện trạng rừng hàng năm. Đơn vị sẽ tổ chức quán triệt chủ trương triển khai thực hiện đồng bộ cho các đơn vị cơ sở. Trong quá trình vận hành, sử dụng nếu có bất kỳ vướng mắc hay trục trặc kỹ thuật, đơn vị sẽ phản ánh kịp thời đến các đơn vị liên quan để chỉnh sửa, hoàn thiện...”, ông Tuấn cho hay.

Tỉnh Thừa Thiên Huế có diện tích tự nhiên 502.629,57 ha. Trong đó, diện tích rừng và đất lâm nghiệp 348.836,90 ha (283.003,00 ha đất có rừng và 70.830,80 ha rừng trồng); trong 283.003,00 ha đất có rừng thì có 212.172,20 ha rừng tự nhiên. Hiện tỷ lệ che phủ rừng toàn tỉnh đạt 56,3%.

Được biết, Dự án Trường Sơn Xanh có tổng kinh phí gần 10 triệu USD do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) viện trợ không hoàn lại cho tỉnh Thừa Thiên Huế. Dự án bao gồm 3 hợp phần là tăng cường áp dụng các phương thức sử dụng đất phát thải thấp; tăng cường bảo tồn đa dạng sinh học; tăng cường khả năng phục hồi cho các cộng đồng dễ bị tổn thương. Mục tiêu đặt ra là trong giai đoạn 2017- 2020, dự án sẽ cải thiện sinh kế cho khoảng 8.000 người, nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu cho khoảng 10.000 người, giảm phát thải khí nhà kính 2,4 triệu tấn CO2. Ngoài ra, dự án còn giúp cải thiện về quản lý nguồn tài nguyên cho 160.000ha rừng...

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thừa Thiên Huế: Tiếp nhận hệ thống giám sát và theo dõi diễn biến rừng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO