Tàu giã cào ngang nhiên hoạt động ven bờ khiến ngư dân Thừa Thiên Huế bức xúc |
Ngư dân điêu đứng
Vừa qua, PV Báo Điện tử Tài nguyên & Môi trường nhận được phản ánh của nhiều ngư dân sống tại ven biển xã Phú Thuận (huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế) về tình trạng tàu giã cào từ nơi khác đến hoạt động với tần suất cao, cày nát vùng biển ven bờ, phá hỏng ngư lưới cụ ngư dân. Không những thế, những “kẻ xấu” trên tàu còn hung hăng, sẵn sàng chống đối lại nếu bị ngăn cản...
“Mục sở thị” tận nơi, PV nhận thấy phản ánh của ngư dân là đúng, khi những chiếc tàu giã cào có công suất lớn đang hoạt động ngang nhiên, bất chấp sự có mặt của nhiều ngư dân địa phương đang đánh bắt xung quanh.
Tình trạng này khiến hệ sinh thái môi trường gần bờ và nguồn lợi thủy sản tại khu vực này đã và đang bị hủy hoại nghiêm trọng. Đặc biệt, sự hoành hành của tàu giã cào khiến ngày càng nhiều ngư dân bãi ngang nơi đây bị phá hoại ngư lưới cụ.
Ông Lê Ế (xã Phú Thuận) cho hay, hầu như ngày nào ở vùng biển ven bờ của xã cũng có cả chục tàu giã cào công suất lớn từ các tỉnh khác và cả ở Thừa Thiên Huế tràn vào đánh bắt hải sản. “Gia đình tui đã có nhiều tay lưới bị tàu giã cào kéo phăng và xé toạc, thiệt hại hàng chục triệu đồng. Rất nhiều hộ ngư dân khác nơi đây cũng đã bị tàu giã cào phá hỏng phương tiện làm ăn, cuộc sống ngày một bấp bênh...”- ông Ế bức xúc.
“Tàu giã cào hoạt động ban ngày cách bờ chừng 1- 2 hải lý; từ chiều tối đến 22h đêm thì vào cách bờ chừng 200- 300m, đèn đuốc sáng trưng. Nơi đâu nó đi qua thì lưới ngư dân bị xé, cá thất thoát hết. Khi ngư dân đặt lưới đều có đánh dấu trên biển, chỉ cần tàu giã cào quét qua là ngư lưới cụ bị cuốn sạch”- ngư dân Lê Văn Chiến (thôn Trung An, xã Phú Thuận) ấm ức chia sẻ.
Cũng theo tìm hiểu, tại vùng biển ven bờ của nhiều xã khác thuộc các huyện Phú Vang, Phú Lộc, Quảng Điền... của tỉnh Thừa Thiên Huế cũng xuất hiện tình trạng tàu giã cào hoành hành.
Ngư dân cũng cho biết, nếu tình trạng trên tiếp tục xảy ra trong thời gian tới thì có lẽ họ sẽ phải bỏ nghề biển. Ngư dân cũng đã viết đơn khiến nghị lên các cấp chính quyền, và các đơn vị chức năng mong sớm tìm ra phương án giải quyết dứt điểm.
Tang vật bị lực lượng chức năng phát hiện được |
Khó xử lý vì thiếu nguồn lực
Ông Nguyễn Quang Dân- Phó Chủ tịch UBND xã Phú Thuận bức xúc: “Sự lộng hành của các tàu giã cào đã ảnh hưởng không nhỏ đến nghề đi biển của bà con. Đặc biệt khoảng vài tháng trở lại đây, các tàu thuyền loại nhỏ của ngư dân địa phương không thể hoạt động được. Nhiều ngư dân nghèo rất khó khăn, phải vay mượn tiền đễ sắm ngư lưới cụ, chưa làm được bao nhiêu thì lại bị tàu giã cào phá nát...”.
Ông Dân cũng cho biết, lực lượng biên phòng đã triển khai các biện pháp tuần tra, tuy nhiên các tàu giã cào hoạt động rất cảnh giác, khi thấy tàu của đơn vị chức năng từ xa đã bỏ chạy, không khai thác nữa nên rất khó truy bắt.
Theo ông Nguyễn Văn Bôn- Trưởng phòng Thanh tra- Pháp chế (Chi cục Thủy sản (CCTS) tỉnh Thừa Thiên Huế), từ đầu năm đến nay, lực lượng thanh tra của CCTS đã có 7 chuyến tuần tra, đẩy đuổi 24 tàu giã đánh bắt vùng biển ven bờ và xử phạt nhiều trường hợp vi phạm. Tuy nhiên, để xử lý triệt để tình trạng trên thì rất khó. Bởi phần lớn các tàu đều chống đối, thách thức, đe dọa, đòi giết trong khi đó lực lượng của mình mỏng. Nhiều tàu giả cào khi bị phát hiện đã bỏ trốn, che biển số tàu và để lại tang vật (lưới giả) tại hiện trường, thách thức hay thuyền trưởng cố tình nhảy xuống biển để trốn.
Ông Bôn cũng xác nhận, trên thực tế, số tàu giã cào bị cơ quan chức năng tỉnh bắt giữ, xử lý chiếm tỷ lệ không đáng kể so với số tàu vi phạm.
Lý giải về việc tàu giã cào vẫn ngang nhiên lộng hành và có xu hướng càng ngày càng gia tăng, ông Nguyễn Quang Vinh Bình- Chi cục trưởng Chi cục khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Thừa Thiên Huế nhận định, việc xử lý tàu giã cào còn kém là do vấn đề nguồn lực mỏng. Cụ thể, chỉ có 7 người trên tàu kiểm ngư trong khi đó cả vùng biển tỉnh rộng mênh mông. Ngoài ra, lực lượng kiểm ngư trên tàu cũng theo truyền thống, không được xem là lực lượng kiểm ngư chuyên nghiệp, không có phụ cấp.
Thiết nghĩ, các cấp, các ngành của địa phương cần chung tay xử lý tình trạng trên, nhằm mang lại môi trường biển bình yên; giúp cuộc sống ngư dân sớm được ổn định.
Thế Anh