Thừa Thiên Huế: Tăng cường xử lý vấn nạn “xe dù, bến cóc”

Văn Dinh| 08/01/2021 11:17

(TN&MT) - Tình trạng “xe dù, bến cóc” tuyến Huế - Đà Nẵng và ngược lại tần suất xuất hiện ngày càng nhiều. Việc xử lý cần phải có giải pháp căn cơ và phải được triển khai thường xuyên, liên tục...

Theo báo cáo từ Ban ATGT tỉnh Thừa Thiên Huế thì thời gian qua, tình trạng xe ô tô trá hình vận chuyển hành khách tuyến Huế - Đà Nẵng và ngược lại đang diễn biến rất phức tạp, có chiều hướng gia tăng về số lượng phương tiện, tần suất chạy xe và sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi nhằm đối phó với các lực lượng chức năng như: bố trí nhiều đối tượng theo dõi hoạt động của lực lượng chức năng tại các chốt kiểm tra, kiểm soát để thông tin cho các lái xe trốn tránh; tổ chức trung chuyển khách bằng xe taxi khi qua điểm kiểm tra của đoàn liên ngành, nhờ hành khách đi xe đứng tên làm giả hợp đồng; đồng thời, hoạt động vận tải hành khách trá hình “xe dù, bến cóc”, xe chở khách núp bóng xe hợp đồng và xe du lịch, tổ chức bán vé đặt chỗ qua mạng và đón, trả khách trái quy định làm mất trật tự trong hoạt động vận tải hành khách của tuyến buýt liên tỉnh Huế - Đà Nẵng và ngược lại, tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn giao thông, quyền lợi của hành khách đi xe bị xâm phạm vì không có bảo hiểm khi xảy ra sự cố ATGT, gây bức xúc trong dư luận xã hội.

“Xe dù, bến cóc” vẫn còn phức tạp ở Huế. Ảnh Thái Sơn

Đặc biệt, hiện nay tình hình dịch Covid -19 đang có nguy cơ lây lan trở lại ở một số địa phương, các phương tiện kinh doanh vận tải trái pháp luật trên tuyến Huế - Đà Nẵng và ngược lại tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch Covid - 19 do các phương tiện này không được quản lý, giám sát hành trình, không có đăng ký với cơ quan chức năng…

Theo Công ty Cổ phần Bến xe Huế, các đơn vị vận tải đang hoạt động tại bến xe đã nhiều lần có đơn kiến nghị gửi cơ quan chức năng các tỉnh phản ánh tình trạng xe cá nhân, xe dù, xe hợp đồng, xe không có luồng tuyến, ngang nhiên hoạt động trong địa bàn TP. Huế gây bất bình đẳng trong kinh doanh vận tải, ảnh hưởng đến thu nhập của các xã viên. Công ty chỉ có trách nhiệm quản lý các phương tiện khi còn trong bến, việc xuất hiện các phương tiện lập bến cóc phía bên ngoài thuộc trách nhiệm của các cơ quan chức năng như thanh tra giao thông, cảnh sát giao thông. Tuy nhiên, đơn vị đã tiến hành nhắc nhở, chấn chỉnh các nhà xe tuyến cố định; nếu không chấp hành, cố tình tái phạm sẽ không cho phép đăng tài khi phương tiện rời bến.

Liên quan đến vấn đề này, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế - Phan Ngọc Thọ cho rằng, tình trạng “xe dù, bến cóc” là thực trạng tồn tại lâu nay trên phạm vi toàn quốc, đối với tỉnh ta thì tuyến Huế - Đà Nẵng và ngược lại tần suất xuất hiện ngày càng nhiều.

“Chúng ta phải nhìn nhận được thực tế là chất lượng dịch vụ của các HTX vận tải, đơn vị kinh doanh vận tải chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân, có sự chênh lệch giữa cung và cầu, “cung” chưa đáp ứng được “cầu” về chất lượng, phục vụ, giá cả, thời gian... Nên vấn đề nâng cao chất lượng phục vụ hành khách trên tuyến Huế - Đà Nẵng hiện nay phải được đặt lên hàng đầu”, ông Thọ nói.

Lực lượng chức năng tăng cường xử lý vi phạm. Ảnh Thái Sơn

Chủ tịch UBND yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô; Công ty Cổ phần Bến xe Huế phối hợp các đơn vị kinh doanh vận tải, Hiệp hội vận tải ô tô đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động trong đội ngũ lái xe, nhân viên phục vụ hành khách, nhân viên bến xe nâng cao chất lượng phục vụ hành khách khi đi trên xe hay tại bến xe; thực hiện phục vụ chu đáo, tận tình, văn minh, lịch sự, an toàn, thuận tiện cho mọi hành khách đi xe.

Việc xử lý tình trạng “xe dù, bến cóc” cần phải có giải pháp căn cơ và phải được triển khai thường xuyên, liên tục, các cơ quan chức năng cần rà soát lại hoạt động của các HTX, doanh nghiệp kinh doanh vận tải, xử lý nghiêm các đơn vị không thực hiện đúng theo giấy phép đăng ký kinh doanh. Vận động các xe kinh doanh vận tải sớm chuyển đổi biển vàng để thuận tiện trong việc quản lý hoạt động.

Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các đơn vị tiếp tục tăng cường tuần tra, kiểm soát bằng các biện pháp nghiệp vụ, phối hợp các lực lượng để phát hiện, ngăn chặn ngay từ khi xuất phát và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các phương tiện chở khách như: xe dù, xe ké, xe dịch vụ qua mạng, xe núp bóng các loại hình vận tải khác hoạt động đón, trả khách trái quy định pháp luật. Bên cạnh đó đẩy mạnh công tác tuyên truyền các quy định của pháp luật về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, có giải pháp ngăn chặn các địa chỉ quảng cáo liên quan đến xe dù, xe ké, xe dịch vụ qua mạng trên website; cung cấp thông tin cho các lực lượng chức năng khi phát hiện trên hệ thống đô thị thông minh…; Phát huy hệ thống Hue – S trong phát hiện và xử lý các trường hợp vi phạm.

“Xe dù, bến cóc chỉ là một trong những hiện tượng của việc mất trật tự an toàn giao thông trên địa bàn. Năm 2021, Sở Giao thông phải lấy chủ đề “Văn hóa giao thông” làm mục tiêu xuyên suốt trong quá trình chỉ đạo, điều hành để tình hình an toàn giao thông trên địa bàn được đảm bảo, doanh nghiệp kinh doanh hợp pháp được hưởng những bảo hộ chính đáng của nhà nước, người dân được phục vụ tốt hơn và an toàn hơn khi tham gia giao thông”, ông Thọ nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thừa Thiên Huế: Tăng cường xử lý vấn nạn “xe dù, bến cóc”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO