Thừa Thiên Huế: Tăng cường phòng, chống HIV/ADIS

Văn Dinh| 25/11/2020 15:16

(TN&MT) - Nhờ triển khai nhiều hoạt động thiết thực, công tác phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đang có những chuyển biến tích cực. Nhiều năm qua, Thừa Thiên Huế giữ được tỷ lệ nhiễm HIV chỉ ở mức 0,05%.

Toàn tỉnh Thừa Thiên Huế hiện đang có 440 trường hợp nhiễm HIV/AIDS, riêng trong năm 2020 đã phát hiện 89 ca bệnh. Có 69/152 xã, phường có người nhiễm đang được quản lý và chăm sóc, tỉ lệ đường lây truyền quan hệ tình dục chiếm 89,1%; đường máu chiếm 6,2%, và mẹ - con là 4,8%. Gần đây, Thừa Thiên Huế đã triển khai đồng bộ nhiều hoạt động phòng chống HIV/AIDS.

Tổ chức tập huấn xét nghiệm HIV tại cộng đồng

Cụ thể, khoa Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Thừa Thiên Huế đã đẩy mạnh việc tuyên truyền trên các kênh truyền thông giúp mọi người, nhất là những người có hành vi nguy cơ cao, người nhiễm HIV tiếp cận dễ dàng với các dịch vụ dự phòng, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS. Hằng năm, trung tâm phối hợp với các tổ chức, ban, ngành, đơn vị và doanh nghiệp trên địa bàn đẩy mạnh truyền thông phòng, chống HIV/AIDS như xây dựng các phóng sự, spot quảng bá về phòng, chống HIV trên báo, đài theo định kỳ hàng tháng/quý; tổ chức truyền thông nói chuyện, in ấn phát tài liệu, băng rôn, áp phích tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS đến địa bàn dân cư.

Trung tâm phối hợp triển khai, mở rộng mô hình truyền thông lưu động phòng, chống HIV/AIDS với hình thức sân khấu hóa, nhiều nội dung đa dạng được chuyển tải đến đối tượng đích và người dân; mở rộng, nâng cao chất lượng hoạt động phong trào “Toàn dân tham gia phòng, chống HIV/AIDS tại cộng đồng dân cư” nhằm phổ biến kiến thức phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS; chống kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS. Thành lập các nhóm giáo dục viên đồng đẳng và giám sát gồm nhóm nghiện chích ma túy, nhóm phụ nữ bán dâm, nhóm nma quan hệ đồng giới. Triển khai đồng bộ. hương trình can thiệp giảm tác hại các nhóm có hành vi nguy cơ cao...

“Ngoài ra, trung tâm còn tập huấn kỹ thuật xét nghiệm chẩn đoán HIV, lấy mẫu, đóng gói, vận chuyển; tổ chức lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc HIV cho thanh niên khám tuyển nghĩa vụ quân sự; tổ chức nhiều hội nghị liên quan, xây dựng các đề án phòng, chống HIV/AIDS; tập huấn kiến thức về methadone cho cán bộ tuyến huyện và các xã có người nghiện...”, bác sĩ Lê Hữu Sơn - Phó trưởng Khoa Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh cho hay.

Nhân viên y tế lấy máu lưu động cho người dân

Những hoạt động trên đã giúp người dân từ đồng bằng đến miền núi, vùng sâu, vùng xa hiểu biết các thông tin về HIV/AIDS và góp phần làm hạn chế sự lây nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư. Nhờ đó, nhiều năm qua, Thừa Thiên Huế khống chế tỷ lệ nhiễm tốt với chỉ dưới mức 0,05% so với mức 0,5% của mục tiêu quốc gia. Hơn 90% bệnh nhân điều trị HIV/AIDS tại các cơ sở y tế có thẻ bảo hiểm y tế...

A Lưới là một trong những địa phương có tỷ lệ mắc HIV thấp nhất của Thừa Thiên Huế. Bác sĩ chuyên khoa II Lê Quang Phú - giám đốc Trung tâm y tế huyện A Lưới cho biết, tính đến tháng 11 này huyện phát hiện 24 người nhiễm HIV ở 8/18 xã, thị trấn. Trong đó 15 người còn sống và 9 người tử vong. Trong năm 2020, huyện phát hiện 2 ca nhiễm mới.

“Tình hình mắc HIV trên địa bàn khá phức tạp và chủ yếu là người thiểu số có tuổi đời trẻ, lây nhiễm qua đường tình dục. Xác định đây là cuộc chiến lâu dài, thường xuyên và khó khăn, trong những năm qua, đơn vị đã triển khai nhiều hoạt động phòng, chống HIV/AIDS để giúp người dân hiểu hơn, chủ động phòng tránh về căn bệnh nguy hiểm này. Nhờ thế A Lưới là một trong những địa phương có tỉ lệ mắc HIV thấp của tỉnh...”, bác sĩ Phú nói.

Tuyên truyền về HIV/AIDS

Dù công tác phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn Thừa Thiên Huế có những chuyển biến tích cực nhưng vẫn còn nhiều cam go, thách thức khi mục tiêu hướng đến loại HIV ra cộng đồng vào năm 2030. Nguyên nhân chủ yếu là do công tác quản lý và điều trị cho các đối tượng nhiễm HIV địa bàn vẫn còn nhiều khó khăn. Nhiều người dân vẫn chưa nhận thức tích cực về công tác phòng, chống HIV/AIDS. Phần lớn trường hợp nhiễm HIV là người có nghề nghiệp tự do, thường xuyên thay đổi chỗ ở. Hơn nữa, sự kỳ thị, phân biệt đối xử đối với người nhiễm HIV hiện vẫn còn tồn tại...

Ông Nguyễn Thanh Bình - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng, với sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Sở Y tế đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo công tác phòng, chống HIV/AIDS. Sự phối giữa các ban ngành ngày chặt chẽ, ý thức của cộng đồng về HIV/AIDS ngày càng được nâng cao, hoạt động của ban chỉ đạo tuyến cơ sở trong công tác phòng chống HIV/AIDS luôn được kiện toàn đáp ứng với yêu cầu thực tế tại địa phương.

“Để thực hiện thành công trong công tác phòng, chống HIV/AIDS nói chung cũng như để đảm bảo mục tiêu mọi người dân đều có cơ hội được tiếp cận các dịch vụ dự phòng lây nhiễm HIV, những người nhiễm HIV có cơ hội được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc, hỗ trợ, điều trị... thì các ban ngành, các đơn vị chuyên môn cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa trong việc cung cấp dịch vụ truyền thông nâng cao nhận thức cho mọi người đến cung cấp dịch vụ dự phòng, chăm sóc hỗ trợ và điều trị, lồng ghép hiệu quả chương trình phòng, chống HIV/AIDS với các chương trình có liên quan...”, ông Bình nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thừa Thiên Huế: Tăng cường phòng, chống HIV/ADIS
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO