Sông Bù Lu đoạn chảy qua địa bàn xã Lộc Thủy bị sạt lở nghiêm trọng |
Thấp thỏm lo sợ
Khi PV Báo Điện tử Tài nguyên & Môi trường tìm đến khu vực các thôn Thủy Yên, Thủy Cam (xã Lộc Thủy) thì đã nghe người dân nơi đây chạo rạo, bàn tán về việc sạt lở trên sông Bù Lu gần đây khiến họ vô cùng lo sợ, nhất là mùa mưa bão đã và đang diễn ra. Theo người dân, tình trạng sạt lở diễn ra hàng năm, nhưng vài hai năm trở lại, tốc độ sạt lở rất nhanh...
Đến nhà bà Tống Thị Sen (53 tuổi, đội 2, thôn Thủy Yên Thượng, xã Lộc Thủy), PV nhận thấy nhà bà nằm sát bờ sông Bù Lu và đang sạt lở từng ngày.
Theo quan sát, phần phía sau ngôi nhà bà Sen gồm nhà vệ sinh, nhà lều đã bị sạt lở cuốn đi hoàn toàn. Móng nhà chính và tường xuất hiện rất nhiều vết nứt do sạt lởvà nếu không cẩn thận có thể rất dể gặp tai nạn. Khi PV ra đến sau nhà thì đã ngã do móng nhà nứt và đất nền rất yếu...
Bà Sen cho hay, bà bắt đầu xây nhà từ năm 2011, khi ấy khoảng cách từ ngôi nhà đến mép sông Bù Lu cũng hơn 20m. Tuy nhiên khoảng 2-3 năm trở lại đây, sạt lở ăn sâu và giờ sông chỉ cách nhà bà có chừng khoảng 5m. “Khoảng tháng 9 năm ngoái, mưa lũ lớn khiến bờ sông nuốt đi căn nhà sau của tôi. Bây chừ lo lắm, muốn trồng trọt, nuôi con gà con vịt cũng không còn đất. Vả lại tôi chỉ ở một mình, lở mưa bão bất ngờ ập tới, sập nhà thì khi đó không biết phải làm sao nữa. Tôi cũng viết đơn gửi lên cấp trên hơn một năm nay để xin nơi ở mới rồi...”- bà Sen lo lắng nói.
Cách nhà bà Sen khoảng vài trăm mét, nhà bà Trương Thị Thịnh (thôn Thủy Yên Hạ, xã Lộc Thủy) và nhà bà Trần Thị Hiệp (cạnh bên bà Thịnh) cũng đang xảy ra tình trạng sạt lở tương tự.
Nhà bà Tống Thị Sen (ảnh) đã bị sạt lở ăn sâu, có nguy cơ bị cuốn trôi bất cứ lúc nào |
“Lúc trước đất nhà tôi rộng lắm nhưng sông sạt lở khiến bây chừ nhà còn cách sông có vài mét. Mỗi lần mưa bão là chạy đi nơi khác, đêm nằm ngủ trằn trọc không yên, hồn như treo trên đọt cây vậy. Vừa rồi tôi đã phải nhờ mấy đứa con rể đóng cọc tre, đổ đất đỏ để hạn chế sự xâm lấn của bờ sông đó...”- bà Trương Thị Thịnh chia sẻ.
Theo ông Trần Văn Mua- Trưởng thôn Thủy Yên Thượng, tình trạng sạt lở trên sông Bù Lu đoạn đi qua địa bàn thôn đang diễn ra ngày càng phức tạp. Thôn đã trình báo lên UBND xã Lộc Thủy về tình trạng sạt lở để có phương án bảo vệ cho người dân nơi đây...
Được biết, tình trạng sạt lở trên sông Bù Lu còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến rất nhiều hộ dân của các thôn Cảnh Dương, Phú Hải, Đông An... của xã Lộc Vĩnh (huyện Phú Lộc)...
Tìm phương án cho dân
Trao đổi với PV Báo Điện tử Tài nguyên & Môi trường, ông Trần Văn Hữu- Chủ tịch UBND xã Lộc Thủy cho biết, sông Bù Lu sạt lở ảnh hưởng đến hàng chục hộ dân của ba thôn Thủy Yên Thượng, Thủy Yên Hạ và Thủy Cam.
“Việc sạt lở là hiện tượng tự nhiên, nếu năm nào có lụt lớn thì một bên lở bên bồi nên đã sạt lở ảnh hưởng đến người dân. Xã đã nhận được phản ánh của dân về tình trạng trên và đã đi kiểm tra, có văn bản đề xuất các cơ quan cấp trên có thẩm quyền như Ủy ban huyện, phòng Tài nguyên môi trường... để có các biện pháp kịp thời, tạo điều kiện di dời đi nơi khác đối với những hộ sạt lở lớn, ảnh hưởng đến cuộc sống của họ”- ông Hữu cho hay.
Gia đình bà Trương Thị Thịnh (ảnh) phải đổ đất, đóng cọc để đối phó với sạt lở... |
Ông Hồ Trọng Cầu- Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Lộc cho biết, sông Bù Lu sạt lở cũng đã nhiều năm và nếu không xây bờ kè thì sẽ sạt lở trầm trọng hơn và làng mạc cũng sẽ bị ảnh hưởng. Thời gian qua huyện cũng đã có đề nghị với tỉnh đầu tư bờ kè và nhận được sự quan tâm, hi vọng sẽ sớm được xây dựng để đảm bảo sự bền vững cho dân...
Theo phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phú Lộc, trong thời gian đến sẽ tiến hành kiểm tra tổng thể sông Bù Lu đoạn qua xã Lộc Thủy. Sau đó tham mưu UBND huyện những phương án xử lý phù hợp.
“Đối với các hộ trong vùng có nguy cơ sạt lở cao thì sẽ phối hợp các bên liên quan tiến hành các thủ tục di dời đi nơi khác. Phương án lâu dài là sẽ báo cáo với UBND tỉnh, xin các nguồn vốn để xây dựng bờ kè chống sạt lở cho dân...”- ông Nguyễn Văn Thông, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phú Lộc thông tin.
An cư thì mới lạc nghiệp. Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc để giải quyết vấn đề trên, bởi chỉ vài mùa mưa bão nữa thôi, rất có thể dòng sông Bù Lu sẽ cuốn trôi nhà ở, tàn sản và có thể là tính mạng của dân...
Bài, ảnh: Văn Dinh