Khai thác thuỷ sản trái phép
Ông Hồ Sỹ Nguyên - Giám đốc Sở NN& PTNT tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, nghề lưới kéo đôi (giã cào bay) sử dụng hai tàu có công suất lớn (từ 250CV trở lên) từ các tỉnh Bình Định, Quảng Ngãi, Đà Nẵng… đến ngư trường vùng biển Thừa Thiên Huế khai thác thuỷ sản làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn lợi thuỷ sản ven bờ, đến quá trình sinh sản và sinh trưởng của các loài hải sản. Nghiêm trọng hơn, nghề này đã phá hoại nhiều tài sản ngư cụ của ngư dân sống ở bãi ngang ven biển. Đây là hành vi khai thác thuỷ sản trái phép, tạo nên tình trạng xung đột, tranh chấp trên biển và gây bức xúc trong nhân dân.
Ghi nhận của PV tại ven biển xã Phú Thuận (huyện Phú Vang), những chiếc tàu giã cào có công suất lớn đã và đang hoạt động ngang nhiên, bất chấp sự có mặt của nhiều ngư dân địa phương đang đánh bắt xung quanh.
Ngư dân cho hay, hầu như ngày nào ở vùng biển ven bờ của xã cũng có cả chục tàu giã cào từ các tỉnh khác và cả ở Thừa Thiên Huế tràn vào đánh bắt hải sản.
“Gia đình tui đã có nhiều tay lưới bị tàu giã cào kéo phăng và xé toạc, thiệt hại hàng chục triệu đồng. Rất nhiều hộ ngư dân khác nơi đây cũng đã bị tàu giã cào phá hỏng phương tiện làm ăn, cuộc sống ngày một bấp bênh Tình trạng giã cào cứ manh động như hiện nay là điều khiến ngư dân thật sự không yên tâm mỗi khi đi biển...”- ông Lê Ế (xã Phú Thuận) bức xúc.
Tại vùng biển ven bờ của nhiều xã khác thuộc các huyện Phú Vang, Phú Lộc, Quảng Điền... của tỉnh Thừa Thiên Huế cũng xuất hiện tình trạng tàu giã cào hoành hành.
Hàng năm, lực lượng Thanh tra chuyên ngành của Chi cục Thủy sản phối hợp với lực lượng Biên phòng, chính quyền địa phương đã thực hiện hàng chục chuyến tuần tra trên biển và đã xua đuổi, xử lý nhiều trường hợp vi phạm. Cụ thể, năm 2016 xử phạt 3 tàu giã cào 72 triệu đồng; năm 2017 xử phạt 2 tàu 48 triệu đồng; năm 2018 xử phạt 3 tàu 48 triệu đồng (trong 8 trường hợp xử phạt có 2 trường hợp trong tỉnh vi phạm)…
Theo ông Nguyễn Quang Vinh Bình - Chi cục trưởng Chi cục thủy sản thì chế tài xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản theo Nghị định 103/2013/NĐ-CP đối với các vi phạm nêu trên chưa đủ sức răn đe nên tình trạng khai thác thủy sản bằng hình thức giã cào vẫn xảy ra, ngay cả đối với những tàu vi phạm đã bị xử lý. Các đối tượng vi phạm hoạt động ngày càng tinh vi hơn, manh động và có hành vi chống trả lực lượng chức năng bằng cách đâm va vào tàu kiểm ngư hoặc chây ỳ trên biển... “Vấn đề nguồn lực mỏng là yếu tố quan trọng. Cụ thể, chỉ có 7 người trên tàu kiểm ngư trong khi đó cả vùng biển tỉnh rộng mênh mông. Ngoài ra, lực lượng kiểm ngư trên tàu cũng theo truyền thống, không được xem là lực lượng kiểm ngư chuyên nghiệp, không có phụ cấp”- ông Bình thông tin.
Chuyển đổi nghề phù hợp
Thống kê của Sở NN&PTNT cho hay, ngoài số lượng giã cào ngoại tỉnh, nghề giã cào tồn tại từ lâu tại Thừa Thiên Huế với số lượng 150 - 200 tàu. Những năm gần đây, cùng với tuần tra, kiểm soát, xử phạt vi phạm hành chính, Sở NN& PTNT quản lý, cấp giấy phép khai thác thủy sản cũng được triển khai đồng bộ. Theo đó, tạm dừng việc chấp thuận cho phép đóng mới tàu cá làm nghề giã cào dưới mọi hình thức; đồng thời, vận động, tuyên truyền ngư dân chuyển đổi nghề nghiệp, nên giai đoạn 2016 - 2018, số tàu giã cào của tỉnh đã giảm còn lại 56 tàu. Tỷ lệ tàu giã cào của toàn tỉnh chỉ còn khoảng 7,8% của tổng đội tàu (toàn quốc chiếm khoảng 18%).
Ông Phan Ngọc Thọ - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng, từ 1/1/2019, khi Luật Thủy sản mới có hiệu lực, công tác phòng chống tàu giã cào có nhiều thuận lợi hơn. Khi đó, tổ chức kiểm ngư địa phương ra đời, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, thanh tra, điều tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật thủy sản trên biển.
“Trước mắt, khi chưa có lực lượng này, trong 2 năm 2019 - 2020, việc truy quét tàu giã cào trên biển giao cho Bộ đội Biên phòng tỉnh chủ trì, lực lượng Kiểm ngư Chi cục Thủy sản phối hợp tích cực. Từ năm 2021 trở về sau, giao lực lượng Kiểm ngư chủ trì việc thực thi pháp luật thủy sản trên biển. Cần tăng cường công tác quản lý nhà nước lĩnh vực chuyên ngành; vận động người dân chuyển đổi nghề phù hợp. Trong đó, tăng cường công tác tuyên truyền, giám sát tàu cá hoạt động trên biển thông qua Trạm bờ thông tin các tàu trên biển. Đồng thời, thực hiện phòng chống tàu giã cào bằng biện pháp kỹ thuật”- ông Thọ lưu ý.
Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ hoan nghênh giải pháp thí điểm thả chà rạo nhân tạo có gắn thiết bị cắt cáp, làm hỏng lưới giã của các tàu giã cào xa bờ khi xâm hại vùng biển ven bờ được bảo vệ để khai thác hải sản. Phương pháp này là đánh vào lợi ích kinh tế của các tàu xâm phạm, góp phần cùng biện pháp cưỡng chế hành chính để phòng chống tốt hơn tàu giã cào xâm hại vùng biển ven bờ.
Trước mắt, trong năm 2019, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Chi cục Thủy sản phối hợp với chính quyền và các Chi hội Nghề cá địa phương thực hiện thí điểm thả chà rạo nhân tạo tại vùng biển ven bờ từ xã Quảng Công (huyện Quảng Điền) đến xã Phong Hải (huyện Phong Điền). Năm 2020, thực hiện vùng biển ven bờ từ xã Phú Diên (huyện Phú Vang) đến xã Vinh Hiền, Lăng Cô (huyện Phú Lộc).